Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 25/4/2024 16:30'(GMT+7)

Thừa Thiên Huế giữ gìn giá trị văn hóa khi phát triển kinh tế

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Sáng 25/4, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhằm khảo sát tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Theo đó, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế được nâng lên; xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện; môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực; các hoạt động văn hóa ngày càng chất lượng, hiệu quả.

Cụ thể, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương được các cấp, các ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, ủng hộ tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được tập trung triển khai hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.104/1.106 khu dân cư đăng ký xây dựng đời sống văn hóa, đạt tỷ lệ 99,8%; Có 298.732/314.440 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 95%.

Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích, địa điểm được kiểm kê, lập hồ sơ. 07 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh và 163 di tích được xếp hạng (trong đó có 87 di tích cấp quốc gia, 76 di tích cấp tỉnh). Từ năm 2020 đến nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tiến hành tu bổ cho 23 di tích với tổng kinh phí là 138 tỷ 754 triệu đồng…

Hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh diễn ra quy mô, mang đậm giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Huế thu hút khách du lịch. Hiện, Thừa Thiên Huế có gần 500 lễ hội các loại, trong đó có 65 lễ hội tiêu biểu được đưa vào danh mục kiểm kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 25 lễ hội được đưa vào danh mục xúc tiến quảng bá du lịch.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Để xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, các tour du lịch làng quê, làng nghề. Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có số lượng, chất lượng phù hợp.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định, văn hóa Huế, con người Huế luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn, nâng tầm thành thương hiệu, thành giá trị sinh kế của người dân như Huế - Kinh đô ẩm thực, Huế - Kinh đô áo dài… Những giá trị văn hóa Huế, con người Huế trở thành nền tảng quan trọng, là tiêu chí để hướng tới đô thị di sản tương lai.

Đồng chí Phan Ngọc Thọ chia sẻ: Những khó khăn của văn hóa cơ sở, nhất là khó khăn về con người “đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở vừa thiếu, vừa yếu”. Đồng chí đề nghị Đoàn khảo sát quan tâm, có quyết sách tham mưu Ban Bí thư để đào tạo bồi dưỡng, có vị trí việc làm phù hợp; hay các quy định quản lý chung các thiết chế văn hóa cơ sở; quan tâm điều chỉnh, đầu tư cho công nghiệp văn hóa; ưu tiên xem xét công nhận các giá trị di sản quốc gia… văn hóa Đảng là vấn đề quan trọng cần quan tâm nhiều hơn hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp. Mong muốn, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục quan tâm tạo nhiều cơ chế đặc thù về văn hóa cho Thừa Thiên Huế.

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 33 của tỉnh. Nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh. “Đảng bộ, Chính quyền Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến văn hóa, nhận thức được vấn đề trọng yếu văn hóa Huế, con người Huế không chỉ của riêng Huế mà là tầm quốc gia Việt Nam. Với hai Nghị quyết đặc thù của tỉnh để triển khai Nghị quyết 33; việc triển khai thực hiện kiên trì, bám sát Nghị quyết, phát triển văn hóa - giữ nguyên được giá trị hài hòa, đặc sắc, văn hóa không bị phá vỡ khi phát triển kinh tế” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế, con người Huế. Cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp góp phần phát triển văn hóa xã hội, đáp ứng yêu cầu là trung tâm văn hóa lớn của quốc gia, khu vực. Với những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong 10 năm qua, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng rằng, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thừa Thiên Huế trong thời gian tới sẽ có bước chuyển biến mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh, xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị. Với các đề xuất kiến nghị, Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến tham gia để xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất