Chủ Nhật, 22/9/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 1/10/2012 22:8'(GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Thành tựu và kinh nghiệm trong xây dựng mạng lưới y tế cơ sở

Thầy thuốc quân hàm xanh từng bước góp phần hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở ở Thừa Thiên Huế

Thầy thuốc quân hàm xanh từng bước góp phần hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở ở Thừa Thiên Huế

 

Trước yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo đầu tư mở rộng, hoàn thiện hệ thống y tế. Đặc biệt, xác định y tế cơ sở có vị trí đặc biệt trong hệ thống y tế. Là tuyến gần dân, sát dân nhất, bảo đảm đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến người dân nhanh hơn và phù hợp với người nghèo, cùng với việc xây dựng “trung tâm y tế chuyên sâu”, tỉnh đã quan tâm và đầu tư mạnh việc “củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”. Đến nay, mạng lưới y tế trên địa bàn khá hoàn chỉnh từ tuyến Trung ương - các ngành - tỉnh - huyện và cơ sở. Từ các đơn vị quản lý đến bệnh viện - cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế. Trong đó, hệ thống mạng lưới y tế cơ sở có bước phát triển mạnh:

Trước năm 2005, tỉnh chỉ có 35 trạm y tế xã, phường, thị trấn được tầng hóa (23%). Còn lại là nhà cấp 4, phần lớn đã xuống cấp và nằm trong vùng thấp trũng, thường hay bị ngập lụt. Trang thiết bị tại các trạm y tế chỉ bảo đảm phục vụ công tác khám chữa bệnh và sơ cấp cứu ban đầu... Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2011 tất cả 152 trạm y tế được tầng hóa hoàn chỉnh. Mỗi trạm y tế có đủ 13 phòng chức năng hoạt động theo quy định. Có trang thiết bị đáp ứng nhu cầu triển khai hoạt động các chương trình mục tiêu về y tế, về khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại tuyến đầu. 100% trạm y tế có bác sĩ công tác; có 137/152 xã, phường, thị trấn đạt “chuẩn quốc gia về y tế xã” (đạt 90,13%, cao hơn 8,13% so với bình quân chung của toàn quốc) và có 102/152 trạm y tế đạt “Xã tiên tiến y học cổ truyền” (đạt 67,1%, cao hơn 41,5% so với bình quân chung của toàn quốc). Có 97,5% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Chất lượng công tác khám và điều trị bệnh tại các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở ngày càng được nâng cao. Người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế ngày càng có chất lượng, giảm đi những chi phí không cần thiết khi chuyển tuyến.

Cụ thể, các trạm y tế đã tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, chủ động phòng chống dịch bệnh song hành với công tác phòng chống thiên tai, thảm họa; thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đối tượng hưởng bảo hiểm y tế, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, gia đình chính sách... Chất lượng chẩn đoán, điều trị đã được nâng cao; nhiều thủ thuật đã được thực hiện tại trạm, với trên 4.400 trường hợp được thực hiện mỗi năm. Các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại được ứng dụng để phát hiện bệnh. Công tác cung ứng thuốc ngày càng được cải thiện, đa dạng về chủng loại, đủ các thuốc thiết yếu theo danh mục quy định.

Đạt được thành tựu trên là kết quả của sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; vai trò tham mưu, tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cụ thể hoá của các cấp uỷ, phối hợp của các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là việc tổ chức thực hiện sáng tạo của ngành y tế.

Ngay sau khi Trung ương ra các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về lĩnh vực y tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt và ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai trong toàn tỉnh, như: Kế hoạch 18 triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở” (2002); Nghị quyết 34 thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về "Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới" (2005), với mục tiêu hàng đầu và nhiệm vụ, giải pháp số một là hoàn thiện mạng lưới y tế, nhất là mạng lưới y tế cơ sở; Công văn thực hiện Kết luận 43 của Bộ Chính trị (2009)... Trên cơ sở Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh có các Nghị quyết chuyên đề “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn; y tế thôn, bản, tổ dân phố... giai đoạn 2003 - 2005”; “quy hoạch phát triển ngành y tế Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008 - 2020”. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng có nhiều Quyết định về công tác này. Các cấp ủy đảng, HĐND và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế đã bám sát định hướng của Trung ương và của tỉnh để chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các cấp uỷ đảng xã, phường, thị trấn quan tâm công tác tuyên truyền, cũng như dành quỹ đất để xây dựng trạm y tế.

Đáng kể là, ngành y tế đã bám sát sự lãnh chỉ đạo, cụ thể hoá và thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ từ xây dựng củng cố hệ thống tổ chức y tế đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của hệ thống y tế nói chung và tuyến y tế cơ sở nói riêng.

Các giải pháp chủ yếu được thực hiện khá hiệu quả đó là: Đẩy mạnh xã hội hóa, tranh thủ các nguồn ngân sách từ Trung ương và từ các tổ chức quốc tế để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới, trang bị thiết bị y tế cho 52 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đã xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường bác sĩ về công tác tại trạm y tế luân phiên mỗi đợt 6 tháng bằng nguồn ngân sách địa phương, đảm bảo 100% cơ sở đều có bác sĩ công tác. Tranh thủ lợi thế về đào tạo, phối hợp Trường Đại học y dược Huế, Trường Cao đẳng y tế Huế, thực hiện các loại hình đào tạo chính quy, chuyển đổi, cử tuyển theo địa chỉ, đào tạo liên thông cho các chức danh... để có đội ngũ cán bộ ngành y toàn tỉnh, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn như hiện nay. Quan tâm chỉ đạo kiện toàn, củng cố Ban Chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhằm nâng cao năng lực tổ chức và điều hành hoạt động y tế tại cơ sở. Chỉ đạo thực hiện quản lý, điều hành trong toàn hệ thống bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

Với tiềm năng và kết quả có được, cụ thể hóa kết luận 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 (khóa XIV) đã bàn và ra Nghị quyết “Về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm Trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2012 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chủ trương của Đảng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, làm thay đổi diện mạo ở nông thôn, xây dựng đô thị trong toàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, ngành y tế quan tâm thực hiện các nhiệm vụ:

Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh toàn diện trên tất cả các tuyến có chuyên môn kỹ thuật, tiên tiến, hiện đại. Đảm bảo mỗi cơ sở y tế là một trung tâm dịch vụ, đáp ứng kịp thời và đầy đủ các yêu cầu về dịch vụ y tế khẩn cấp trong mọi tình huống xảy ra như thiên tai, thảm họa, ngộ độc hàng loạt tại cơ sở. Phát huy tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ hiện có trong việc bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở cơ sở. Phấn đấu cuối năm 2013, 100 % xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Tiếp tục huy động các nguồn lực cho hệ thống y tế cơ sở. Quan tâm thích đáng cho cơ sở y tế và hoạt động y tế ở các vùng biển, đầm phá của tỉnh. Tuyên truyền trong đối tượng ngư dân của tỉnh, nhất là ngư dân đi làm ăn xa về phòng chống dịch bệnh và sơ cấp cứu trong các tình huống. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giữ vững và nêu cao y đức trong đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Chú trọng phát triển đảng viên ở các trạm y tế, trung tâm y tế, hình thành tổ chức cơ sở đảng ở những nơi này. Phối hợp với hệ thống y tế Trung ương, ngành đóng trên địa bàn, tranh thủ thế mạnh về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ của Bệnh viện Trung ương Huế để thực hiện các chương trình, mục tiêu y tế nhất là đối với cơ sở. Tăng cường sự phối hợp với Trường Đại học Y Dược Huế để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế cho cơ sở, phát triển nguồn nhân lực của ngành. Đề cao trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang trong tỉnh trong việc phối hợp, hỗ trợ và cùng ngành y tế để phát triển hệ thống y tế cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động sức khoẻ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh mới phát sinh.

Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của tỉnh, Thừa Thiên Huế rất cần tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Trung ương và đầu tư kịp thời của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, nhất là Bộ Y tế; sự chia sẻ và phối hợp của các tỉnh, thành phố trong cả nước để thực hiện được mục tiêu trên và để hoàn thiện hơn nữa mạng lưới y tế cơ sở

Th.s Phan Công Tuyên,
UV TV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất