Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Ba, 17/9/2013 15:13'(GMT+7)

Cần đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội

Phối cảnh khu căn hộ dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm - Hà Nội.

Phối cảnh khu căn hộ dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm - Hà Nội.

Nhu cầu lớn

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, chỉ tính từ nay đến năm 2015, trong khu vực đô thị cả nước sẽ có khoảng 1.740.000 người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho số đối tượng trên, thị trường cần phải có thêm khoảng 700.000 căn hộ. Trong trường hợp nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết, Bộ Xây dựng dự báo đến năm 2020 vẫn phải xây dựng thêm khoảng 200.000 căn hộ nữa mới đáp ứng được nhu cầu cho các đối tượng còn khó khăn về nhà ở tiếp tục phát sinh.

Một số địa phương có nhu cầu lớn là Hà Nội cần 111.200 căn; TP. Hồ Chí Minh cần 134.000 căn; Đà Nẵng cần 16.000 căn; Đồng Nai cần 95.000 căn; Bình Dương cần 104.000 căn… Riêng nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức của 25 bộ, ngành tại Hà Nội cũng đã cần khoảng 30.000 căn hộ.

Nguồn cung thiếu

Bộ Xây dựng cho biết, trên toàn quốc hiện đã và đang có khoảng 160 dự án nhà ở xã hội triển khai với quy mô gần 70.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng (trong đó có 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ; khoảng 100 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ).

Một số dự án phát triển nhà ở xã hội có quy mô lớn đã được triển khai có thể kể đến như: Tổng công ty Becamex IDC thực hiện tại Bình Dương 37 dự án, với tổng mức đầu tư 10.830 tỷ đồng, quy mô 64.000 căn hộ, diện tích hơn 2,7 triệu m2 sàn, có thể đáp ứng chỗ ở cho trên 125.000 người, hiện đã hoàn thành 4.700 căn; Tổng công ty IDICO (Bộ Xây dựng) thực hiện dự án nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) với tổng mức đầu tư 758 tỷ đồng, quy mô 3.500 căn hộ, diện tích hơn 170.000 m2 sàn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 8.000 công nhân; Tổng công ty HUD (Bộ Xây dựng) đã triển khai dự án ở Tây Nam Linh Đàm với tổng mức đầu tư 710 tỷ đồng, quy mô trên 1.000 căn hộ, diện tích hơn 75.815 m2 sàn...

Tuy nhiên, số dự án nêu trên nếu hoàn thành đi vào vận hành thì cũng mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu đặt ra.

Cần đẩy mạnh nguồn cung

Để giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp thúc đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch. Ngoài ý nghĩa về mặt an sinh xã hội, việc làm này còn góp phần quan trọng kích thích thị trường bất động sản vì đây là phân khúc thị trường dành cho những người có nhu cầu thực sự nguồn cung còn thiếu, trong khi phân khúc nhà ở cao cấp thì lại dư thừa.

Từ ý nghĩa đó, Bộ xây dựng đang chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhà ở thuộc Bộ khẩn trương tái cơ cấu, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh tập trung vào phân khúc phát triển nhà ở xã hội. Để giúp giải quyết một phần nhà ở thương mại đang “tồn kho”, Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản điều chỉnh cơ cấu căn hộ của các dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội.

Về phía các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội, cần đa dạng hóa các sản phẩm căn hộ theo hướng chia nhỏ phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thực sự, sử dụng các loại vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành xây dựng, giảm giá bán căn hộ.../.

8 đối tượng khó khăn về nhà ở cần sự hỗ trợ của Nhà nước được xác định bao gồm: Người có công với cách mạng; các hộ nghèo khu vực nông thôn; người có thu nhập thấp tại đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân khu công nghiệp; sinh viên; các đối tượng chính sách xã hội đặc biệt khó khăn.

Việt Anh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất