Thứ Tư, 2/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Sáu, 8/4/2011 20:52'(GMT+7)

Thúc đẩy bình đẳng giới trong ứng viên đại biểu Quốc hội

Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và việc thúc đẩy bình đẳng giới”

Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và việc thúc đẩy bình đẳng giới”

Bà Trương Thị Mai – UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (UBVCVĐXH), Chủ tịch Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam chủ trì Hội thảo cùng sự tham dự của gần 50 nữ ứng viên đại biểu Quốc hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp khá cao (khoảng 25%).

Các nữ đại biểu bằng tâm huyết, trí tuệ của mình đã khẳng định được vai trò của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Trong Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cũng đề ra mục tiêu số một là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị.

Để đạt được các chỉ tiêu cụ thể, trong đó có chỉ tiêu tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 từ 30% trở lên, trong kỳ bầu cử này sẽ cần những nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và mỗi nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND...

Theo bà Trần Thị Minh Chánh – Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH của Quốc hội khoá XI, hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội duy nhất trong khóa V đạt 32%, còn thường chỉ dừng lại ở mức 26% (khóa X); 27,3% (khóa XI); 25,76% (khóa XII).

Theo bà Trương Thị Mai, ngoài định kiến xã hội, người phụ nữ, đặc biệt là nữ ứng viên đại biểu Quốc hội thường hạn chế hơn nam giới trong nhiều mặt.

Hội thảo nhằm giúp các nữ ứng viên, đặc biệt là các chị lần đầu tham ứng cử có thêm kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII sắp tới.

Các nữ ứng viên được nghe trình bày về  chức năng nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội; pháp luật bình đẳng giới và vai trò của nữ đại biểu Quốc hội; một số thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng trao đổi kinh nghiệm của cá nhân trong việc trở thành một đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu cùng nhau trao đổi một số kinh nghiệm thực tiễn trong tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; kinh nghiệm xây dựng chương trình hành động của nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội; xây dựng hình ảnh, xuất hiện trước các phương tiện thông tin truyền thông và quan hệ với báo chí; kỹ năng và kinh nghiệm phát biểu trước công chúng… 

Trước đó, ngày 6/4, tại Thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo "Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và vấn đề bình đẳng giới" khu vực phía Bắc.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều quyết sách nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giới trong cộng đồng như Chiến lược Vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010 với 5 mục tiêu và 20 tiêu chí; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới từ 2011 đến 2020 với 5 mục tiêu và 22 tiêu chí./.

(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất