Thứ Năm, 12/12/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Ba, 29/11/2022 15:38'(GMT+7)

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-2000 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng ta đã chủ trương “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Quan điểm phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tiếp tục được khẳng định trong các nghị quyết Đại hội Đảng sau đó. Nhiều khía cạnh liên quan kinh tế tuần hoàn như tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, phát triển năng lượng tái tạo, tái chế phế thải cũng được đề cập trong các nghị quyết của Đảng. Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khuyến khích áp dụng một hoặc một số mục tiêu nội hàm của kinh tế tuần hoàn như quy định về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ sạch, ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu và năng lượng. Năm 2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó, “khuyến khích sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, các sản phẩm và bao bì sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”.

Năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững…

Tuy nhiên, khái niệm kinh tế tuần hoàn chỉ được đề cập trong các văn kiện gần đây của Đảng. Tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức đặt ra nhiệm vụ về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; đề ra các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khẳng định: “Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn”.

Quan điểm kinh tế tuần hoàn được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Nghị quyết Đại hội XIII quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến kinh tế tuần hoàn, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai và nhiều nghị định, văn bản dưới luật. Các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn cũng được thể hiện trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020; Chiến lược Bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược Tăng trưởng Xanh; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2050.

Luật Bảo vệ môi trường - Luật số 72/2020/QH14 - được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/11/2020 đã đưa ra khái niệm: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Mới đây nhất, ngày 1/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế.

Có thể thấy, trước xu thế phát triển của các mô hình kinh tế thân thiện với môi trường trên thế giới trong vài ba thập kỷ trở lại đây, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có lộ trình định hướng và phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để khuyến khích và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn ở nước ta hiện nay, vẫn còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN ĐỂ NÂNG CAO VÀ THỐNG NHẤT NHẬN THỨC

Để kinh tế tuần hoàn được nhận thức đúng và phát triển, đóng góp tích cực vào lộ trình và mục tiêu phát triển bền vững được Đại hội XIII của Đảng đề ra, một số giải pháp cơ bản đã được các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp xác định là:

Một là, tăng cường tuyên truyền để nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng mang tính quốc gia và quốc tế không chỉ vì lợi ích trước mắt mà còn là vì lợi ích lâu dài của mỗi quốc gia, dân tộc.

Hai là, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn, trong đó tập trung xây dựng các quy định hướng dẫn Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.

Ba là, phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị sinh thái (đô thị xanh). Khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua các chính sách ưu đãi  đầu tư đối với khu công nghiệp sinh thái. Cụ thể là ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế nhập khẩu.

Khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp tương lai hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ môi trường, không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất tới môi trường.

Bốn là, khuyến khích sản xuất các sản phẩm, cung ứng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn. Thực hiện kinh tế tuần hoàn cần gắn liền với phát triển công nghệ, kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy hình thành cơ chế liên kết trên nền tảng IOT (Internet of Things); thực hiện các hoạt động đổi mới công nghệ.

Năm là, thay đổi thói quen tiêu dùng, thực hiện lối sống bền vững thông qua chiến lược tuyên truyền - truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng; thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất, cung ứng từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy tiêu dùng trung gian đối với thị trường nguyên liệu thứ cấp; thúc đẩy các mô hình kinh tế chia sẻ.

Sáu là, nội hàm của kinh tế tuần hoàn vừa mang tính khoa học vừa có tính thực tiễn; không chỉ giới hạn trong một ngành, một lĩnh vực, mà liên quan nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực khoa học… vì vậy, rất cần có sự hợp tác, phối hợp, đồng thời cần có sự quan tâm chỉ đạo thống nhất và hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các nhà khoa học./.

HOÀNG MINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất