Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em là một trong những ưu tiên của các nước ASEAN.
Ngày 19/8, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khu vực về "Thúc đẩy quyền có quốc tịch cho phụ nữ và trẻ em trong việc thực hiện Công ước về Quyền Trẻ em và Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong ASEAN: Quan hệ đối tác tiềm năng giữa Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN - Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn."
Hội thảo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn tổ chức.
Tham gia Hội thảo có đại diện Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, các quốc gia được lựa chọn thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước về Quyền Trẻ em, Ban Thư ký ASEAN, các tổ chức phi Chính phủ, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc về Bạo lực đối với trẻ em, các thành viên của Ủy ban thực hiện Công ước về Quyền trẻ em và Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, các đại biểu đến từ các cơ quan của Liên Hợp quốc, các đối tác, nhà tài trợ tại Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam.
Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về các hoạt động của ASEAN liên quan đến việc đảm bảo quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em ASEAN; chia sẻ những bài học và kinh nghiệm, nỗ lực của các nước ASEAN trong việc thúc đẩy quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Hội thảo cũng chia sẻ thông tin và lộ trình thực hiện các kết luận và khuyến nghị có liên quan để thực hiện quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em. Hội thảo cũng là cơ hội để tăng cường quan hệ đối tác tiềm năng giữa Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN và Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em nói chung và quyền có quốc tịch của các đối tượng này nói riêng.
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để giới thiệu, trao đổi các hoạt động của ASEAN liên quan đến quyền có quốc tịch đối với phụ nữ và trẻ em; giới thiệu những điển hình tốt về thúc đẩy quyền có quốc tịch; các thách thức liên quan đến việc thực hiện quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em ở cấp quốc gia...
Hội thảo cũng đề cập đến các chủ đề chính được xác định trong các Kết luận khuyến nghị liên quan của Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN và Ủy ban thực hiện công ước về Quyền Trẻ em về hiện thực hoá quyền có quốc tịch của phụ nữ và trẻ em; các bước thực hiện nhằm hiện thực hóa các khuyến nghị của Ủy ban thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước về Quyền Trẻ em; quan hệ đối tác của Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN - Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn trong việc thúc đẩy các quyền có quốc tịch đối với phụ nữ và trẻ em.
Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em là một trong những ưu tiên của các nước ASEAN. Điều này đã được phản ánh trong cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN và được thể hiện trong Hiến chương ASEAN, Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Văn hóa-xã hội ASEAN 2009-2015, Tuyên bố Hà Nội về tăng cường thúc đẩy phúc lợi xã hội và phát triển đối với phụ nữ và trẻ em ASEAN; thành lập Ủy ban thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 tại Hà Nội, Việt Nam.
Đến nay, tất cả các nước thành viên ASEAN đã phê chuẩn Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Công ước về Quyền Trẻ em. Các nước ASEAN đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện hai Công ước trên nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ, đảm bảo các quyền của trẻ em. Việc triển khai thực hiện các Công ước này đã được đưa vào kế hoạch hoạt động của Ủy ban thúc đẩy quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN.
Quyền quốc tịch của phụ nữ và trẻ em là một quyền quan trọng được phản ánh trong cả hai Công ước trên và đã được các nước ASEAN cam kết thực hiện. Các nguyên tắc của hai Công ước đã được lồng ghép và kết hợp vào kế hoạch phát triển quốc gia, các chính sách và pháp luật và chương trình có liên quan của quốc gia.
Hội thảo đã góp phần thiết thực trong việc nâng cao nhận thức, tăng cường hợp tác, chia sẻ và áp dụng các giải pháp hiệu quả, những kinh nghiệm tốt trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em nói chung và quyền có quốc tịch của họ nói riêng thông qua việc tích cực thực hiện tốt hai Công ước này. Thông qua hội nghị này, mối quan hệ đối tác giữa Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN và Cao ủy Liên Hợp quốc về Người tị nạn cũng ngày càng được thắt chặt và phát triển./.
Văn Sơn (TTXVN)