Theo Phó Tổng cục trưởng Dân số -
Kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGÐ) Nguyễn Văn Tân, kết quả của Tổng điều
tra dân số và nhà ở năm 2009, có khoảng 2% số nam thanh niên và 8,5% số
nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 19 đã từng kết hôn. Tỷ lệ tảo hôn
ở các tỉnh miền núi và trung du phía bắc, khu vực nông thôn và trong
cộng đồng dân tộc thiểu số có xu hướng cao hơn những khu vực khác. Tỷ lệ
này ở khu vực nông thôn cao gấp 2,5 lần ở thành thị. Ở Lai Châu, một
tỉnh miền núi, có khoảng một phần ba số phụ nữ kết hôn trong độ tuổi từ
15 đến 19 và 21% số phụ nữ tuổi từ 15 đến 17 đã từng kết hôn. Như vậy,
có khoảng 7,5% số phụ nữ bắt đầu mang thai trong độ tuổi từ 15 đến 19 và
17% số thanh niên đã lập gia đình. Tỷ lệ mang thai, kết hôn sớm, nạo
phá thai ở tuổi VTN mang đến nhiều rủi ro như: nguy cơ sinh non, sinh
nhẹ cân, chết sơ sinh và thiếu máu cao gấp ba lần so với các nhóm tuổi
hơn 20. Phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi có xác suất sinh nhiều con hơn. So
với các bà mẹ sinh con khi ngoài 20 tuổi thì nguy cơ tử vong do thai sản
đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi từ 15 đến 19 cao gấp hai lần và cao
gấp bốn lần đối với nhóm các em gái sinh con dưới 15 tuổi.
Một
trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các dịch vụ chăm sóc
sức khỏe sinh sản (SKSS), bao gồm tư vấn cho VTN còn chưa được phổ biến
rộng rãi. Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng cao trong lứa tuổi từ 15
đến 19 và đặc biệt cao (50,4%) trong nhóm phụ nữ chưa lập gia đình nhưng
có sinh hoạt tình dục. Có đến một phần ba số thanh niên và VTN được
phỏng vấn cho rằng tiếp cận với các dịch vụ SKSS không dễ dàng; nhất là ở
vùng nông thôn và các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chỉ
có 88% số phụ nữ dưới 20 tuổi mang thai được khám thai ít nhất một lần
trong khi số lần khám thai của các nhóm phụ nữ ở nhóm tuổi khác cao hơn
là 94%. Khi sinh con, khoảng 86% VTN nhận được sự hỗ trợ từ người đỡ đẻ
có kỹ năng, so với 93% ở các nhóm phụ nữ ở tuổi cao hơn. Trong khi đó, ở
những nơi có cung cấp dịch vụ SKSS, các cơ sở này thường hoạt động chưa
hiệu quả hoặc chưa cung cấp các dịch vụ thân thiện với thanh niên và
VTN.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã thử nghiệm một số mô hình thí điểm
về chăm sóc SKSS cho thanh niên và VTN trong và ngoài trường học và mô
hình này được đánh giá thích hợp với thanh niên và VTN. Tuy nhiên, những
mô hình này chưa được nhân rộng vì vấn đề SKSS cho VTN chưa được coi là
một vấn đề ưu tiên. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch tổng
thể quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe VTN và thanh niên
(TN) giai đoạn 2006 - 2010, song kinh phí phân bổ cho các hoạt động liên
quan tới SKSS cho VTN còn rất hạn chế. Nhiều chương trình về chăm sóc
và nâng cao sức khỏe VTN và TN mặc dù được triển khai rộng rãi trong
những năm gần đây, nhưng phần lớn chỉ tập trung vào những đối tượng là
cặp vợ chồng chứ chưa chú ý đến đối tượng VTN.
Nhằm hạn chế tỷ lệ
trẻ VTN mang thai và asinh con sớm, Tổng cục trưởng DS - KHHGÐ Dương Quốc
Trọng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình
để VTN và TN tiếp cận được các chương trình giáo dục về SKSS và tình
dục một cách toàn diện, nhất là các nhóm dân tộc thiểu số, dân cư sinh
sống tại các vùng nông thôn và những người có trình độ văn hóa thấp. Bên
cạnh đó, khuyến khích các sáng kiến trong xây dựng và thực hiện các mô
hình cung cấp dịch vụ thân thiện cho thanh niên, VTN; bảo đảm thanh
niên, VTN có thể tiếp cận đến các mô hình này, nhất là dịch vụ tư vấn.
Ðồng thời đẩy mạnh chương trình truyền thông vận động về bình đẳng giới,
tăng cường tiếp cận với giáo dục và các dịch vụ SKSS, tình dục. Cần
khuyến khích thanh niên và VTN tham gia đối thoại chính sách, xây dựng
và giám sát các chương trình SKSS và tình dục. Ðẩy mạnh hoạt động thu
thập thông tin và dữ liệu làm cơ sở hỗ trợ việc xây dựng các chính sách
và chương trình cho thanh niên, VTN, nhất là trong lĩnh vực truyền
thông, tư vấn về SKSS và xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ thân
thiện cho thanh niên và VTN.
THANH MAI/NhanDan