Chủ Nhật, 8/9/2024
Khoa học
Thứ Tư, 26/2/2020 16:52'(GMT+7)

Thúc đẩy thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP vì sức khỏe và tầm vóc Việt

Quang cảnh Tọa đàm

Quang cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm, có các đại biểu đại diện đến từ UNICEF Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia dinh dưỡng, các nhà khoa học, cựu đại biểu quốc hội, các cơ quan, tổ chức quốc tế, Liên hiệp hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và một số bộ, ngành liên quan.

Phát biểu đề dẫn, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp hội đề cập: Việt Nam là nước đang có tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở mức cao, đã gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, thể chất, trí tuệ con người. Sự thiếu hụt và tái thiếu hụt một số vi chất, như i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A,… đến mức cầnphải can thiệp bổ sung. Đó cũng là lý do Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP (ngày 28-1-2016) quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩmbằng các biện pháp, nhưTăng cường i-ốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm; tăng cường vi chất sắt và kẽm trong bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩmtăng cường vitamin A trong dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc. Đây là những quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp khi sản xuất, chế biến thực phẩm  cũng là cách thức can thiệp đơn giản, dễ thực hiện, độ bao phủ rộng, đạt hiệu quả cao, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Hiện có 108 quốc gia trên thế giới bắt buộc bổ sung i-ôt vào muối, 98 quốc gia yêu cầu sử dụng muối i-ôt để chế biến thực phẩm, 85 quốc gia yêu cầu bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ, 29 quốc gia yêu cầu bổ sung vitamin A vào dầu ăn. Các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, FAO, nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng (GS Hà Huy Khôi, GS Nguyễn Công Khẩn, GS Lê Thị Hợp…) có kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị định số 09. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ có thư cảm ơn các nhà khoa học về việc này.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm Nghị định có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đầy đủ quy định đề ra, nhất là việc sử dụng muối đã bổ sung i-ốt và bột mì đã bổ sung sắt/kẽm để chế biến thực phẩm, với các lý do: Làm tăng chi phí sản xuất; nghi ngờ hàm lượng vi chất không còn trong thành phẩm, thậm chí cho rằng sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người sử dụng; ảnh hưởng đến cảm quan như bị biến đổi màu sắc, mùi vị của thành phẩm,... Ngoài ra, việc thực thi Nghị định 09 chưa hiệu quả, còn vì thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương) và nhận thức hạn chế của người dân về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng;…

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Báo cáo đề dẫn cũng thông tin kết quả đánh giá bước đầu của Bộ Y tế về tác động của Nghị định 09 tại một số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất và một số doanh nghiệp có sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất làm nguyên liệu đầu vào. Các kết quả nghiên cứu đã giải đáp cơ bản những mối băn khoăn, lo ngại của các doanh nghiệp. Trong đó cho thấy rõ, việc tăng cường vi chất có làm tăng chi phí nhưng không đáng kể, dễ chấp nhận; các doanh nghiệp không gặp khó khăn về công nghệ, nếu có phát sinh chi phí thì cũng được tính vào giá thành sản phẩm theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, không có bằng chứng cho thấy việc sử dụng muối i-ốt gây ra những thay đổi bất lợi về cảm quan của người tiêu dùng hay làm thay đổi chất lượng thành phẩm. Bản thân các doanh nghiệp cũng không đưa ra được các bằng chứng khoa học hay thực tế để chứng minh cho các mối nghi ngờ của họ.     

Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị định số 09 do những lợi ích nổi trội đã được chứng minh rõ ràng của việc tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm và lợi ích thiết thực của nó tới sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống khỏe mạnh của cộng đồng.

ThS. Nguyễn Mẫn Hà Anh, Phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế tham luận tại Tọa đàm

Báo cáo nhấn mạnh: Với những thông tin được biết, tất cả chúng ta đều thấy sự cần thiết phải tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Nghị định số 09 vì sức khỏe và tầm vóc Việt. Đồng thời, bày tỏ hy vọng Tọa đàm sẽ thảo luận công tâm, khách quan và đưa ra các khuyến nghị khả thi để gửi tới các cơ quan của Chính phủ nhằm thúc đẩy việc thực thi Nghị định 09 hiệu quả với mục tiêu cao nhất là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Các ý kiến tham gia tọa đàm đều thống nhất và làm sáng tỏ hơn những nội dung được đặt ra trong báo cáo đề dẫn, bao gồm:

Trước hết, tập trung phân tích và phản ánh sâu sắc hơn về tầm quan trọng của Nghị định 09. Đây là biện pháp can thiệp kịp thời tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng của người dân và là biện pháp dự phòng được coi là hữu hiệu đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì những chi phí phải bỏ ra cho công tác dự phòng như vậy là rất ít so với chi phí cho công tác khám, chữa bệnh. Từ đó, khẳng định Nghị định 09 đáp ứng thiết thực yêu cầu của cuộc sống, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm túc triển khai, thực hiện.

ThS. BS. Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng -RTCCD tham luận tại Tọa đàm

Hai là, phân tích và khẳng định rõ hơn về vai trò của vi chất dinh dưỡng mà cơ thể con người cần tiêu thụ. Tuy con người chỉ cần một lượng rất nhỏ đều đặn hàng ngày nhưng nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và có thể để lại các di chứng bất lợi, bao gồm tử vong sớm, sức khỏe tổng thể kém, bị thấp lùn, chậm phát triển trí tuệ, mất khả năng học tập và hiệu quả lao động thấp. Trong khi, con người lại không tự nhận biết được tình trạng thiếu vi chất của mình, còn được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” và sẽ có hệ lụy nếu không được can thiệp một cách có ý thức.

BS. Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Thông tin tổ chức phi chính phủ - NGOIC phát biểu tại Tọa đàm

Ba là, phân tích và đánh giá khách quan về thực trạng thiếu dinh dưỡng ở nước ta hiện nay và kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới, cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi tính chung cả nước vẫn còn ở mức cao. Năm 2015, tỷ lệ đó chiếm 24.6%. Trong đó, do thiếu vitamin A tiền lâm sàng là 13%, thiếu máu là 27.8%, và thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao tới 69.4%. Ở phụ nữ có thai: Thiếu máu là 32.8% và thiếu kẽm tới 80.3%. Theo dữ liệu của Mạng lưới I ốt toàn cầu (Iodine Global Network), Việt Nam thuộc một trong 1quốc gia có tình trạng thiếu i-ốt trầm trọng nhất trên thế giới và được WHO xếp vào danh sách các nước có tình trạng thiếu thiếu vitamin A tiền lâm sàng mức độ nặng (trên 10% trẻ em dưới 5 tuổi). Các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu i-ốt, vitamin A, sắt và kẽm gây tổn thất nhiều chi phí cho xã hội. Hiện nay, ở Việt Nam, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi là 30/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ em chết dưới 5 tuổi là 39/1000 trẻ đẻ sống, tỷ lệ trẻ sơ sinh chết là 7,5/1000 trẻ sinh sống và tỷ lệ chết mẹ là 95/100.000 trẻ đẻ sống, tỷ số rủi ro tương đối của các trường hợp tử vong do thiếu vitamin A nhẹ ở trẻ trên 6 tháng tuổi là 1,75. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển, trí tuệ và tầm vóc của người Việt Nam.

Bốn là, phân tích và đánh giá các trở ngại trong quá trình thực hiện Nghị định 09. Trong đó, phải kể đến xuất phát chính là từ các doanh nghiệp không muốn tăng cường vi chất dinh dưỡng qua thực phẩm, dẫn đến việc dùng muối và bột mì đã tăng cường vi chất vào thực phẩm chế biến còn hạn chếvà không đồng đều, không thường xuyên trên địa bàn cả nước. Vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất không thực hiện nên không tốn thêm chi phí, giữ nguyên giá thành, khiến các doanh nghiệp đang tuân thủ mất lợi thế cạnh tranh, do họ không dám tăng giá mặc dù sản phẩm có bổ sung vi chất. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền thiếu thường xuyên, liên tục, chưa cóchế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm Nghị định 09. Điều này dẫn tới một môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, các doanh nghiệp đang tuân thủ nghiêm túc lại gặp nhiều bất lợi và thiệt thòi hơn các doanh nghiệp không tuân thủ. Ngoài ra, vẫn còn thiếu công tác tuyên truyền đến người dân giúp nâng cao nhận thức của họ về vai trò của vi chấttác hại của việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, từ đó thay đổi hành vi, hướng tới ý thức và lựa chọn sử dụng thực phẩm bổ sung vi chất.

BS.LS. Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và chính sách về y tế HIV/AIDS tham luận tại Tọa đàm

Năm là, bàn luận một số giải pháp và kiến nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định 09. (1) Nghiêm túc thực thi quy định bắt buộc doanh nghiệsử dụng muối I ốt và bột mì bổ sung sắt, kẽm cho thực phẩm chế biến; (2) Đẩy mạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương để người dân hiểu biết rộng rãi và có ý thức thay đổi hành vi trong tăng cường vi chất qua thực phẩm cũng như sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất. (2) Đảm bảo chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm Nghị định 09, đảm bảo một môi trường cạnh tranh công bằng để bảo vệ, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm(3) Các cơ quan quản lý thị trường cần thường xuyên kiểm tra quá trình lưu thông, tiêu thụ thực phẩm, nếu phát hiện các nhà phân phối, các đại lý bán lẻ, tiêu thụ thực phẩm không có bổ sung vi chất dinh dưỡng theo quy định của Nghị định 09, họ cũng cần được xử lý theo pháp luật. (4) Thiếp lập ban điều phối để giám sát việc thực hiện Nghị định 09 với sự tham gia của các ban, ngành liên quan nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong quá trình thực hiện Nghị định. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tham luận tại Tọa đàm

Phát biểu kết luận, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp hội đánh giá cao các nhà khoa học, các chuyên gia, cựu đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cung cấp cho buổi Tọa đàm nhiều thông tin khoa học bổ ích về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Qua đó, khẳng định sức sống và sự cần thiết phải thực thi Nghị định 09, tích cực thúc đẩy Nghị định đi vào cuộc sống. Ban Tổ chức Tọa đàm tiếp thu đầy đủ ý kiến của các nhà khoa học và các chuyên gia, các nhà quản lý, hoàn thiện tốt nhất bản báo cáo, kiến nghị gửi tới Chính phủ và các cơ quan chức năng./.

Bài và ảnh: PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất