(TG) - Được sự đồng ý của Thường trực UBND tỉnh, sáng nay (20/12) tại Thành phố Hà Giang, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển - PHAD tổ chức Hội thảo khởi động dự án, đề tài khoa học công nghệ: “Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện nhà tiêu sinh học phục vụ các điểm dân cư tập trung tại vùng khan hiếm nước” và “triển khai mô hình nước uống học đường, tăng cường tiếp cận nước sạch và tăng cường sức khỏe học sinh và giáo viên một số điểm trường tỉnh Hà Giang”. Đại diện lãnh đạo hai đơn vị trên chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại diện các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; UBND huyện và các phòng chức năng, các xã trực tiếp tham gia dự án của huyện Đồng Văn.
Phát biểu khai mạc Hội Thảo, ông Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang nêu rõ mục đích, ý nghĩa của Hội thảo, nhằm tăng cường tìm kiếm các giải pháp đảm bảo tính khả thi của dự án và đề tài khoa học về hai lĩnh vực nêu trên (dưới đây gọi chung là dự án). Mong rằng, Hội thảo lĩnh hội được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tham mưu của các cơ quan Trung ương và địa phương; đặc biệt là các ý kiến của đại diện UBND huyện Đồng Văn và các xã trực tiếp tham gia xây dựng mô hình. Các ý kiến cần tập trung phân tích, phản ánh rõ tính khoa học, thực tiễn và bền vững của dự án. Qua đó, nêu bật các giải pháp khả thi, nhất là các giải pháp về tuyên truyền, huy động nguồn lực và sáng kiến của địa phương nâng cao chất lượng và tính bền vững của dự án.
Trong chương trình của Hội thảo, các đại biểu được nghe và thảo luận về một số nội dung liên quan trực tiếp đến dự án. Cụ thể là, cấu phần vệ sinh môi trường, thông qua đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và hoàn thiện mô hình nhà tiêu sinh học phục vụ các điểm dân cư tập trung tại vùng khan hiếm nước tỉnh Hà Giang” và Kế hoạch triển khai mô hình do Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang trình bày; cấu phần tăng cường tiếp cận nước sạch, nước uống học đường tại Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang do Viện PHAD trình bày; báo cáo đánh giá: “Thực trạng và nhu cầu tiếp cận nhà tiêu hợp vệ sinh (HVS)” và “Công tác giám sát và kiểm tra các đơn vị cấp nước và chất lượng nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang” của Sở Y tế; “Thực trạng và nhu cầu tiếp cận nước sạch nông thôn” của Sở NN và PTNT; “Thực trạng tiếp cận nước sạch, nước uống học đường và nhà tiêu HVS tại các trường học trên địa bàn tỉnh” của Sở Giáo dục và Đào tạo; “Thực trạng và nhu cầu tiếp cận nước sạch, nước uống học đường và nhà tiêu HVS của người dân, các trường học trên địa bàn huyện cao nguyên đá Đồng Văn” của UBND huyện Đồng Văn; đặc biệt là, ý kiến của đại diện lãnh đạo các xã tham gia xây dựng mô hình. Đây là mô hình được nhận định như một giải pháp sáng tạo, phù hợp với địa phương và thân thiện với môi trường; có ý nghĩa thiết thực trong đời sống, xã hội, nhất là đối với những vùng khan hiếm nước. Đề xuất mô hình tại dự án được Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ - USAID đánh giá cao, đồng thời cam kết tham gia tài trợ một phần kinh phí để kích thích nâng cao chất lượng của Dự án.
Các báo cáo cho thấy, đã có nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực của các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế về các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe - môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Nhiều nội dung đã được cải thiện, tiến bộ, nhưng với đặc điểm địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi cao, dân cư sinh sống trên các triền đồi núi thưa thớt, phong tục tập quán còn lạc hậu, điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, ngập lụt dẫn đến đời sống và môi trường sức khỏe của nhân dân luôn có những khó khăn, diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân đối với vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, đặc biệt là việc xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu HVS còn hạn chế, chưa có thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng,...
Bác sĩ Nguyễn Trung Chiến, Chuyên gia cao cấp Viện PHAD giới thiệu cấu phần tăng cường tiếp cận nước sạch, nước uống học đường tại Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang. Ảnh PV
|
Mục tiêu của Dự án là nhằm khắc phục những hạn chế đó. Thông qua việc xây dựng mô hình, giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và bà con trong cộng đồng nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về sử dụng nhà tiêu HVS, tiếp cận nước sạch, nước uống học đường bền vững, nhất là đối với những nơi chưa có khả năng tiếp cận nước sạch tập trung.
Hà Giang là một tỉnh vùng cao núi đá, địa hình phức tạp, có độ dốc lớn, nhiều thung lũng và sông suối. Với địa bàn dân cư phân tán (gồm 1 thành phố và 10 huyện, 195 xã, phường, thị trấn, 2.069 thôn, bản), trong đó có 136 xã với 1.409 thôn, bản đặc biệt khó khăn (Khu vực II 160 thôn, bản, khu vực III 1.249 thôn, bản); diện tích: 7.914,9 km2; dân số: 864.332 người. Tổng số hộ: 176.433 hộ, trong đó hộ gia đình nông thôn: 144.756 hộ, hộ thành thị: 31.677 hộ. Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống: Người Mông chiếm 32,9%, Tày 23,2%, Dao 14,9%, Kinh 12,8%, Nùng 9,7%° còn lại là các dân tộc khác. So với các tỉnh miền núi phía Bắc khác thì dân số Hà Giang vào loại tương đối đông.
Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,17%, hộ cận nghèo chiếm 12,71%. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu HVS trong toàn tỉnh còn rất thấp, ước tính đến 2019, là 66,36%; khu vực nông thôn là 40,23%. Nhiều xã hoặc thôn, bản vẫn trong tình trạng không có nhà tiêu HVS. Thói quen phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn còn khá phổ biến. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước HVS là 81,55%. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước theo QCVN 02:2009/BYT đạt 17,15%; tỷ lệ người nghèo sử dụng nước HVS là 72,08% (thấp).
|
Đồng Văn là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh và là vùng cực Bắc của Tổ quốc và trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Địa hình đồi núi phức tạp và bị chia cắt mạnh, độ cao trung bình 1.200 mét so với mặt nước biển. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, sản xuất nông, lâm nghiệp khó khăn, lương thực chính là cây ngô. Toàn huyện có 16.243 hộ với 80.958 nhân khẩu, thuộc 17 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Mông chiếm 88,4%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Xây dựng mô hình tại các xã của huyện Đồng Văn, là sự lựa chọn đúng đắn của Dự án, đáp ứng yêu cầu thiết thực của bà con các dân tộc thiểu số, vì nơi đây đều là những vùng khan hiếm nước, thậm chí là thiếu nước nghiêm trọng về mùa khô (từ tháng 11 đến tháng tư năm sau).
Đại diện Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang giới thiệu cấu phần vệ sinh môi trường và Kế hoạch triển khai mô hình tại các xã thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh PV.
|
Chia sẻ tại Hội Thảo, ông Vũ Công Nguyên, Phó Viện trưởng Viện PHAD nhận định, việc xây dựng mô hình ở Hà Giang đang có những thuận lợi do sự kết nối của các tổ chức địa phương đa thành phần, tạo nên nguồn lực đảm bảo thành công cho các hoạt động của dự án; cùng với đó là nhu cầu của người dân đang được đặt ra cấp thiết; đồng thời là sự quyết tâm của các cấp chính quyền, sự hưởng ứng của bà con trong các khu dân cư khá rõ rệt. Tuy nhiên, để mô hình đảm bảo chất lượng bền vững, ông Vũ Công Nguyên cũng chia sẻ, dự án còn nhiều khó khăn ở phía trước, đòi hỏi phải nắm chắc thông tin, nâng cao nhận thức, tận dụng hết thế mạnh trong việc kết nối nguồn lực cũng như các sáng kiến địa phương, để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, nhất là trong quá trình chuyển giao công nghệ, bảo quản, vận hành, nhân rộng mô hình sau khi được bàn giao và dự án kết thúc. Điều đó, đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương; tăng cường sự đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, vận hành, duy trì bảo dưỡng thiết bị, nhất là khi có sự cố, hoặc rủi ro do thiên tai gây ra,… Ông cũng mong rằng, sự phối hợp chặt chẽ của địa phương với Viện PHAD và các chuyên gia, các tổ chức quốc tế sẽ tạo nên các lợi thế mang lại kết quả thiết thực, bền vững của dự án.
Ông Vũ Công Nguyên, Phó Viện trưởng Viện PHAD chia sẻ tại Hội Thảo
|
Kết luận Hội thảo, ông Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang tiếp thu và đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp, báo cáo Thường trực UBND tỉnh để tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo triển khai Dự án. Liên hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tỉnh và Trung ương, nhất là với các địa phương tham gia xây dựng mô hình triển khai dự án đạt kết quả như mong muốn.
PV.