Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 17/7/2024 16:31'(GMT+7)

Thúc đẩy tiến độ triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: TTXVN)

KHỞI TẠO MỘT PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT MỚI PHÙ HỢP VỚI XU THẾ

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Đề án khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và tiêu dùng của thế giới; tạo bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vốn đang phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh và khó lường; góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa và doanh nghiệp; giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã chủ động triển khai Đề án, bước đầu mang lại những kết quả rất tích cực, thể hiện qua các chỉ số như năng suất tăng, chi phí giảm, lợi nhuận tăng từ việc áp dụng các mô hình thí điểm trên cơ sở kế thừa thành tựu từ Dự án VnSAT và một loạt các dự án hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức phi chính phủ.

Đồng tình với các ý kiến cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả Trung ương, địa phương, người nông dân và doanh nghiệp trong triển khai Đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải giữ vai trò điều phối, chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Bộ cũng phải xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm tổ chức triển khai, sản phẩm dự kiến và thời hạn hoàn thành của từng nhiệm vụ, nội dung công việc.

Về dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm rõ các hạng mục đầu tư, nội dung công việc, bảo đảm thống nhất, không trùng lắp, không chồng chéo với những nội dung đã và sẽ được các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu (Mekong DPO) đầu tư; bảo đảm phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về kiến nghị thành lập Tổ công tác để xây dựng dự án vay vốn của WB, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định.

GHI NHẬN NHIỀU KẾT QUẢ TỪ TRIỂN KHAI 7 MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Để triển khai Đề án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, với sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), đại diện lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Đề án. Bộ cũng đã phối hợp với các tỉnh rà soát lại thực trạng các vùng sản xuất về cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất và các biện pháp canh tác, đặc biệt là rà soát thực trạng các hợp tác xã trong Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) giai đoạn 2015 - 2022. Hiện, Bộ đang làm việc với WB và 12 địa phương để hoàn thiện ý tưởng Dự án vốn vay "Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm ở thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng trong 3 vụ, đến vụ Đông Xuân năm 2025 sẽ tổng kết để Bộ công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa.

Theo đánh giá ban đầu, mô hình canh tác lúa thuộc Đề án trong vụ Hè Thu năm 2024 tại Cần Thơ đã mang lại những kết quả tích cực như tổng chi phí đầu vào giảm 10-15%, trong đó lượng giống sử dụng giảm 2 - 2,5 lần, giảm 30% lượng phân bón, giảm 30 - 40% lượng nước tưới.

Năng suất lúa của mô hình thí điểm đạt 6,13 - 6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha của mô hình đối chứng. Lợi nhuận mô hình thí điểm đạt 21 - 25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha so với mô hình đối chứng.

Mô hình thí điểm đã giúp giảm 2 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng và giảm 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng ngập liên tục áp dụng phương thức vùi rơm rạ sau khi thu hoạch. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án còn gặp những khó nhăn nhất định. Trước hết, do Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn; các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ tham khảo. Hiểu biết của nông dân về Đề án còn hạn chế, một số hộ dân còn sản xuất theo tập quán cũ; muốn thực hiện Đề án có hiệu quả trước hết phải có sự đồng thuận của người nông dân, quy mô tối thiểu tham gia thực hiện Đề án phải có diện tích liền mảnh từ 50 ha trở lên, trong khi nhiều tỉnh diện tích canh tác lúa còn manh mún, nhỏ lẻ. Số hộ tham gia trong vùng tham gia liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là các tỉnh chưa tham gia dự án VnSAT.

Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp của các địa phương chưa đồng bộ, cần tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Số doanh nghiệp tham gia liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư và bao tiêu sản phẩm còn hạn chế. Kinh phí triển khai Đề án hiện chưa có dòng riêng đối với vốn ngân sách trong nước, trong khi quy trình xây dựng dự án vay vốn của WB cần có thời gian

Để thúc đẩy triển khai Đề án bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài tại kỳ họp tháng 10/2024. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để chuẩn bị dự án đối với khoản vay 270 triệu USD đồng thời hỗ trợ thực hiện Đề án.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ đề xuất nguồn vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với các hạ tầng chưa được đầu tư từ nguồn vốn WB, ADB và tiếp tục làm việc với WB và các nhà tài trợ để mở rộng khoản vay tiếp sau năm 2027 để bảo đảm đủ vốn cho triển khai toàn bộ Đề án đến năm 2030.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định sẽ cùng đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai Đề án.

Các bộ, ngành cũng đề nghị Bộ khẩn trương tính toán, làm rõ nguồn vốn thực hiện Đề án; chính sách đặc thù về sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; tận dụng tối đa những chính sách hỗ trợ trồng lúa chất lượng cao; xác định vùng đầu tư lúa năng suất, chất lượng cao để làm cơ sở cho việc triển khai Đề án./.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất