Thứ Năm, 3/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 9/10/2011 10:53'(GMT+7)

Thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công: Không để các biểu hiện "chạy dự án" chi phối

Thi công đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2.

Thi công đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả, Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã, đang triển khai thực hiện cắt giảm đầu tư công (kể cả vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ) bước đầu đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, việc cắt giảm đã, đang đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết.

Lộ trình thực hiện

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính ban đầu về hiệu quả đầu tư sau loạt chính sách cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ nhiều dự án đầu tư công đã cho thấy dấu hiệu tốt hơn: Nếu loại trừ yếu tố giá, khối lượng đầu tư thực chất là giảm, trong khi hiệu quả đầu tư thông qua tỷ lệ đầu tư so với GDP và tốc độ tăng trưởng GDP có sự cải thiện...

Tuy nhiên, trong khi nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương cắt giảm đầu tư công, thì ở một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố vẫn còn chần chừ không thực hiện cắt giảm, thậm chí vẫn bố trí vốn cho cả những dự án khởi công mới không thuộc đối tượng Nghị quyết 11. Chưa kể, các tỉnh thành cũng không "chịu" cắt giảm 2.000 dự án khác sử dụng vốn của ngân sách địa phương, nhưng không thuộc đối tượng khởi công mới trong năm 2011.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 26-8-2011, tất cả các bộ, ngành ở T.Ư và các địa phương đã thực hiện và có báo cáo kết quả cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2011. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ hơn 123 nghìn tỷ đồng vốn NSNN cho 20.529 dự án. Trong đó, hơn 22.176 tỷ đồng được bố trí cho 5.474 dự án khởi công mới và hơn 100.825 tỷ đồng cho 15.055 dự án chuyển tiếp. Cả nước đã thực hiện ngừng khởi công mới, cắt giảm, điều chuyển vốn của 2.103 dự án với tổng số vốn hơn 6.532 tỷ đồng, trong đó ngừng khởi công mới 1.206 dự án với số vốn cắt giảm hơn 3.768 tỷ đồng; cắt giảm, điều chuyển vốn của 897 dự án với số vốn hơn 2.764 tỷ đồng.

Với nguồn vốn trái phiếu chính phủ, ngoài 50 dự án thuộc đối tượng khởi công mới với số vốn bố trí là 1.272 tỷ đồng, vẫn còn hơn 344 tỷ đồng bố trí vốn cho 333 dự án khởi công mới sai đối tượng. Một số địa phương thậm chí đang tìm cách "xin" Chính phủ không cắt giảm đối với các dự án đã khởi công hoặc đã làm xong thủ tục đấu thầu trước ngày 24-2-2011, hoặc các dự án không thuộc đối tượng khởi công mới, nhưng Kho bạc Nhà nước tại tỉnh, thành đó đã... trót giải ngân. Ðặc biệt tâm lý trông chờ Nghị quyết 11 điều chỉnh tiêu chí đình hoãn, giãn tiến độ cũng tồn tại ở không ít địa phương vẫn muốn "ôm" dự án...

Những việc cần làm

Cắt giảm đầu tư công có ảnh hưởng nhất định đến mức tăng trưởng và lợi ích của ngành, địa phương, doanh nghiệp. Do đó, phải thực hiện một cách khách quan và triệt để trên cơ sở lợi ích chung, không để các biểu hiện chạy dự án, xin-cho chi phối và tránh làm theo kiểu "phong trào". Tuy nhiên cần chú ý tới mặt trái phát sinh khi cắt giảm đầu tư công, không nên cứng nhắc trong cắt giảm, nhất là với các dự án hoàn thành tới 70-80%, thậm chí 90%. Trường hợp dự án dở dang chưa thể làm tiếp, cần chọn điểm dừng thi công thích hợp, tiện cho việc nghiệm thu, thanh toán, hạn chế chi phí phát sinh và khó khăn đối với dân cư trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông...

Thực tế đang và sẽ cho thấy, việc cắt giảm đầu tư công không dễ dàng do: Thứ nhất, nhu cầu thực tế cao về vốn đầu tư phát triển ở nhiều địa phương và đơn vị là có thực. Thứ hai, sự phân cấp quản lý nhà nước cho các địa phương và việc cắt giảm lại do chính các địa phương thực hiện theo hướng dẫn chung của cơ quan chức năng. Thứ ba, việc phân cấp đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước đã không đi kèm với một cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả. Thứ tư, các tiêu chí hướng dẫn cắt giảm đầu tư công chưa rõ ràng và cụ thể, nhất là tiêu chí về hiệu quả của dự án đầu tư...

Ðể cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, trước hết các dự án đầu tư công cần phải cắt giảm và có bước cải cách mạnh mẽ trong khâu thẩm định và ra quyết định đầu tư. Nhất là, sớm xây dựng và thông qua Luật Ðầu tư Công. Vai trò của đầu tư công trong nền kinh tế cần được thay đổi theo hướng giảm bớt chức năng "đầu tư để kinh doanh", tăng cường chức năng "phúc lợi" của đầu tư công; tăng cường đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, điện); đầu tư hoặc hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực, dự án trọng điểm, mũi nhọn có tác động lan tỏa về mặt công nghệ; đầu tư phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ gắn với sản xuất; đầu tư cho giáo dục đào tạo, y tế và phúc lợi xã hội để phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao; nâng cao năng lực quản lý và hiện đại hóa quản lý nhà nước.

Việc đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công cần có những tiêu chí rất cụ thể, và được phân biệt về các mặt kinh tế-xã hội và môi trường. Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn DNNN phải chủ động hơn, trong đó phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, thứ tự ưu tiên để quyết định cắt cái nào, giảm cái gì, giãn tiến độ ra sao và điều chuyển vốn như thế nào hoặc tự xây dựng cho mình tiêu chí sát hơn để thực hiện. Ngoài ra, cần xác định rõ ràng và chặt chẽ đối tượng và nội dung phân cấp đầu tư, quản lý quy hoạch, kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án, quản lý sử dụng vốn, quản lý khai thác dự án; phân định trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình quản lý đầu tư công. Ðặc biệt, cụ thể hóa và nâng cao mức chế tài cụ thể để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, hiệu quả thấp, lãng phí, thất thoát và xử lý những vi phạm trong quản lý đầu tư.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất