Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 24/2/2009 10:44'(GMT+7)

Thực hiện Cuộc vận động ở Đồng Nai: Những gương mặt bình dị mà cao quý.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Mai Thanh trao bằng khen cho ông Thổ Phú.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Mai Thanh trao bằng khen cho ông Thổ Phú.

* Nhiều lần hiến máu cứu người

Đó là ông Thổ Phú, ở tổ 5, ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh. Ông sinh ra trong một gia đình người dân tộc Châu Ro, đông con, nghèo khó và bản thân ông mới học hết lớp 3. Cuộc sống lam lũ, quanh năm làm thuê nên mọi thứ vẫn thiếu thốn đối với gia đình ông Thổ Phú. Nhưng tinh thần "mình vì mọi người" của ông Thổ Phú lúc nào cũng đong đầy.

Lần hiến máu đầu tiên của ông là vào năm 2000. Khi ấy, nghe tin ở Bệnh viện đa khoa khu vực Xuân Lộc (nay là Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh) có một người bị tai nạn giao thông mất nhiều máu và một sản phụ cần truyền máu đột xuất, ông đã kịp thời đến bệnh viện cho máu. Ông Thổ Phú đã góp phần giúp cho những người nhận máu vượt qua cơn nguy kịch, trở về với cuộc sống đời thường.

Từ đó đến nay, ông Thổ Phú đã 9 lần hiến máu nhân đạo. Không những thế, ông còn vận động vợ và 13 người con (dâu, rể, cháu nội, ngoại) cùng hiến máu cứu người. Các thành viên trong gia đình ông hiến từ 2 đến 11 lần.

Vừa qua, ông vinh dự được cử ra Hà Nội dự và phát biểu tham luận tại hội nghị biểu dương những người làm tốt công tác hiến máu nhân đạo. Ông Thổ Phú cũng đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân".

* 861 lần trả lại tiền thừa cho khách hàng

"Từ năm 1990 đến nay, chị Ngô Thị Đông, thủ quỹ kiêm thủ kho Kho bạc Nhà nước huyện Trảng Bom đã trả lại cho khách hàng 861 món tiền, trị giá gần 300 triệu đồng. Trong đó, riêng năm 2007 chị đã 60 lần trả lại khách hàng số tiền nộp thừa vào kho bạc, với số tiền trên 31 triệu đồng; phát hiện 525 tờ tiền giả các loại, với tổng trị giá 32 triệu đồng. Chị Đông đã 10 lần được Kho bạc Nhà nước Trung ương khen thưởng; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua ngành tài chính; Huy chương Bộ Tài chính trao tặng và 13 lần được Kho bạc Nhà nước tỉnh, UBND huyện Trảng Bom tuyên dương, khen thưởng". Nghe đọc đến những dòng thành tích này của chị Ngô Thị Đông tại hội nghị, các đại biểu đã dành cho chị những tràng vỗ tay đầy trân trọng.

Chị tâm sự, trước số tiền lớn mà khách hàng nhầm lẫn nộp thừa vào kho bạc, chị không một lần nảy sinh lòng tham. Lúc nào chị cũng tự nhủ: chỉ dùng những đồng tiền do chính mình làm ra, không tham của người khác. Chị đã luôn đặt vị trí của mình vào hoàn cảnh của những người bị mất tiền, để không nảy lòng tham.

Điều đó lý giải vì sao, đã 32 năm qua, vị trí thủ quỹ của Kho bạc Nhà nước huyện Trảng Bom luôn gắn với cái tên Ngô Thị Đông. Nhiều người sau khi nhận được số tiền mất, quá hạnh phúc, ngỏ ý hậu tạ nhưng chị đều từ chối.

* Đạo và đời luôn được song hành

Đại đức Thích Minh Trì, trụ trì Phật Đà Bửu Tự (huyện Trảng Bom) luôn thuyết giảng về cuộc sống, tình làng nghĩa xóm, đặc biệt là tấm gương cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tăng ni, phật tử của mình thấu hiểu về chân dung một con người hết lòng vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đại đức đã cùng tham gia tổ chức học tập và tuyên truyền, vận động cho các tăng ni, phật tử. Nhà chùa còn trích kinh phí để in sao, phô tô tài liệu các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, phát cho các phật tử cùng học tập, nghiên cứu.

Là ủy viên Ban chấp hành Hội Chữ thập đỏ xã Trung Hòa, đại đức Thích Minh Trì đã vận động các nhà hảo tâm và một số cơ sở thờ tự làm tốt công tác giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Riêng năm 2008, thầy đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho đồng bào nghèo của xã gặp khó khăn, hoạn nạn. Ngay trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, thầy đã tặng các gia đình nghèo của xã Trung Hòa 700kg gạo cùng nhiều quần áo, mì gói...

Đại đức Thích Minh Trì cho rằng: tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác luôn tỏa sáng. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ giúp mọi người gần nhau hơn, có dịp soi lại bản thân để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, sao cho chữ đạo và đời được thể hiện một cách tuyệt vời nhất. Với ý nghĩa đó, cứ ngày rằm, mùng 1 hàng tháng, nhà chùa đều tổ chức thuyết giảng về tấm gương đạo đức của Bác, để mọi người, từ tăng ni đến phật tử đều học tập và noi theo..../.

(Theo: Phương Hằng/Báo Đồng Nai)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất