Thứ Ba, 15/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 5/6/2009 16:30'(GMT+7)

Thực hiện hiệu quả mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển mạnh các thành phần kinh tế, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích kinh tế tư nhân, hộ gia đình và thu hút đầu tư nước ngoài. Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, đoàn thể, các địaphương, các doanh nghiệp và của toàn dân, kinh tế Việt Nam ngày càng khởi sắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao; kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng phát triển và mở rộng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... tạo động lực chính giải quyết việc làm cho người lao động.

Các chương trình kinh tế trọng điểm về phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế mở; xây dựng các công trình trọng điểm như đường Hồ Chí Minh, Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,... cũng góp phần quan trọng đem lại việc làm và thu nhập cho người dân. Kết quả thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2001 - 2005 đã góp phần tạo việc làm cho 5,548 triệu lao động, năm 2006 giải quyết việc làm cho 1,222 triệu lao động và năm 2007 tạo việc làm cho 1,17 triệu lao động, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người lao động.

Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về giải quyết việc làm, Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm trực tiếp thông qua việc cho các cơ sở sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề, xã nghề,...) và các hộ gia đình vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm. Từ năm 2001 đến nay, với tổng nguồn quỹ hiện có trên 2.900 tỉ đồng cộng với nguồn vốn bổ sung mới hằng năm và nguồn từ Quỹ giải quyết việc làm địa phương, hàng chục nghìn dự án đã được vay vốn để thực hiện. Trở thành một trong những hướng quan trọng hỗ trợ người lao động tạo và tự tạo việc làm, hoạt động của Quỹ ngày càng hiệu quả, hằng năm giải quyết việc làm cho 300 nghìn - 350 nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm còn góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về việc làm, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về việc làm và tạo việc làm; các cấp ủy, chính quyền ngày càng quan tâm tới vấn đề việc làm, người dân ngày càng chủ động tạo việc làm cho bản thân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng mở rộng, từ chỗ chỉ có 15 nước tiếp nhận lao động Việt Nam năm 1995 với 10.050 người, đến nay lao động Việt Nam đã có mặt trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại, tập trung chủ yếu ở các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, khu vực Trung Đông.

Thực hiện chủ trương của Đảng về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng đi vào nền nếp, lao động Việt Nam ngày càng tích cực tham gia phân công lao động quốc tế. Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng mở rộng, từ chỗ chỉ có 15 nước tiếp nhận lao động Việt Nam vào năm 1995 với 10.050 người, đến nay lao động Việt Nam đã có mặt trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại, tập trung chủ yếu ở các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ma-lai-xi-a, khu vực Trung Đông. Từ năm 2001 đến năm 2005, Việt Nam đã đưa được gần 300 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, năm 2006 là 78,8 nghìn lao động, năm 2007 là 80 nghìn lao động, nâng tổng số người lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên trên 400 nghìn.

Từ nay đến năm 2010, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vốn đầu tư xã hội tăng nhanh... sẽ là thuận lợi lớn phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới mang lại cho chúng ta những cơ hội to lớn về đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường được mở rộng, cơ hội việc làm được tạo ra nhiều hơn trong nền kinh tế, các rào cản pháp lý về di chuyển pháp nhân và thể nhân được nới lỏng thúc đẩy hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài...

Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn lớn: xuất phát điểm từ một nền kinh tế thuần nông; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa hoàn thiện; sức cạnh tranh của nền kinh tế kém, lao động chủ yếu làm việc trong ngành nông nghiệp; thiên tai, dịch bệnh nhiều... Mặt khác, hội nhập cũng đặt ra những thách thức không nhỏ: cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn; những đòi hỏi cao hơn về trình độ, tay nghề, tác phong làm việc, kỷ luật lao động, di chuyển lao động tự phát, nguy cơ mất việc làm, thiếu việc làm của lao động, nhất là lao động nông nghiệp, nông thôn...

Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2010 là tạo việc làm cho 3,4 triệu - 3,6 triệu lao động thông qua các chương trình phát triển KT - XH; qua Quỹ quốc gia về việc làm từ 1 triệu đến 1,1 triệu lao động và đưa được từ 24 vạn đến 34 vạn người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.

Xuất phát từ những kết quả giải quyết việc làm trong những năm qua và bối cảnh tình hình đất nước hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định vấn đề việc làm vẫn là vấn đề bức xúc và đề ra mục tiêu đến năm 2010 là tạo việc làm cho 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị dưới 5%; lao động nông nghiệp chiếm dưới 50% lao động xã hội; tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng và đặc biệt là lao động ở khu vực dịch vụ trong tổng lao động xã hội; ưu tiên dành vốn đầu tư của Nhà nước và huy động vốn của toàn xã hội để giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp để thu hút nhiều lao động; tạo việc làm cho nông dân, nhất là những nơi đất nông nghiệp bị chuyển đổi do đô thị hóa và công nghiệp hóa; đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đặc biệt là xuất khẩu lao động đã qua đào tạo nghề.

Để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về tạo việc làm bền vững, chất lượng cao cho người lao động; phát huy tối đa vai trò của nguồn nhân lực Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2010 là tạo việc làm cho 3,4 triệu - 3,6 triệu lao động thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; qua Quỹ quốc gia về việc làm từ 1 triệu đến 1,1 triệu lao động và đưa được từ 24 vạn đến 34 vạn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh các làng nghề, xã nghề, khôi phục, mở rộng các nghề truyền thống tiểu, thủ công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô nhỏ và vừa tại nông thôn... nhằm tạo nhiều việc làm mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ngay tại nông thôn, trong ngành nông nghiệp.

Tập trung sức phát triển nhanh những ngành mà Việt Nam có lợi thế; những ngành kinh tế mũi nhọn, sử dụng lao động có trình độ kỹ thuật cao song song với những ngành công nghiệp đòi hỏi ít vốn, sử dụng nhiều lao động, công nghệ phù hợp với trình độ lao động Việt Nam; hình thành các khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế mở, khu chế xuất; đổi mới và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích kinh tế tư nhân nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh; đầu tư, đẩy mạnh các ngành du lịch, dịch vụ và thương mại, tận dụng tối đa tiềm năng về du lịch của đất nước. Đây chính là giải pháp quan trọng mà Đảng và Nhà nước ta xác định nhằm kết hợp phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có giải quyết việc làm.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm tạo nhiều việc làm, chú trọng các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình khai thác và phát huy tiềm năng các vùng, các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng về đường giao thông, sân bay, bến cảng, thủy điện... Đặc biệt, việc xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia cần có kế hoạch cụ thể về tạo việc làm cho lao động trong và sau khi thực hiện công trình, bảo đảm tính bền vững, ổn định.

Thứ ba, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chương trình giải quyết việc làm của địa phương, thực hiện có hiệu quả dự án cho vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, trong đó ưu tiên cho vay vốn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động, các làng nghề, xã nghề tiểu, thủ công nghiệp, sản xuất hàng mỹ nghệ; cho vay vốn đối với các dự án tạo việc làm ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, các trang trại chăn nuôi, trồng trọt, ... tạo nhiều việc làm ổn định và chất lượng, nhất là trong khu vực phi chính thức.

Thứ tư, ưu tiên giải quyết việc làm ổn định cho nông dân, đặc biệt ở các vùng đất nông nghiệp được sử dụng để xây dựng các cơ sở công nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng các khu đô thị mới theo hướng hình thành Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, Quỹ đào tạo chuyển đổi nghề; gắn phát triển các khu đô thị - dịch vụ liền kề với các khu công nghiệp để tạo việc làm qua phát triển các dịch vụ; chú trọng đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động thanh niên nông thôn.

Thứ năm, để bảo đảm thông tin thị trường lao động đầy đủ, cập nhật, chính xác, kết nối tốt cung - cầu lao động nhằm đối phó tốt trước những thay đổi thường xuyên của thị trường lao động trong giai đoạn tới, cần tập trung vào các nội dung: hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, phổ biến thông tin cho mọi đối tượng có nhu cầu, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm; phát triển đồng bộ hệ thống giao dịch trên thị trường theo hướng quy hoạch tổng thể hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm và các cơ sở giới thiệu việc làm, đầu tư nâng cao năng lực các trung tâm phục vụ tổ chức sàn giao dịch việc làm và thu thập thông tin thị trường lao động, xây dựng 3 trung tâm ở 3 vùng kinh tế trọng điểm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; đa dạng hóa các kênh giao dịch trên thị trường lao động, tổ chức thường xuyên, định kỳ các sàn giao dịch việc làm, bảo đảm kết nối hoạt động giao dịch trên phạm vi toàn quốc vào năm 2010.

Thứ sáu, mở rộng và phát triển thị trường lao động ngoài nước theo hướng: ổn định các thị trường hiện có và mở rộng thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang các khu vực, các nước phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam; gia tăng số lượng và nâng cao chất lượng lao động nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động nước ngoài, đào tạo nghề, ngoại ngữ song song với đào tạo ý thức kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp... cho người lao động, đồng thời có hướng chuẩn bị nguồn lao động để khai thác thị trường lao động kỹ thuật cao./.



Nguyễn Thanh Hòa

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất