Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 23/3/2009 21:56'(GMT+7)

Thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc: Tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”...

Cán bộ MTTQ phường Yết Kiêu (TP Hà Đông)  trao đổi công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Ảnh: Bá Hoạt

Cán bộ MTTQ phường Yết Kiêu (TP Hà Đông) trao đổi công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Ảnh: Bá Hoạt

Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước được chọn thí điểm đánh giá thực hiện Luật MTTQ Việt Nam. Vừa qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và nhân dân ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP đã hoàn thành công tác này. Kết quả bước đầu cho thấy, Luật MTTQ đã được thực hiện sâu rộng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau vẫn còn những hạn chế...

Hiệu quả…

Luật MTTQ Việt Nam được ban hành từ ngày 12-6-1999, thông qua các nội dung của luật, cấp ủy đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân đã nâng cao hơn nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Từ đó, mối quan hệ giữa MTTQ với các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức thành viên và các ban, ngành, đoàn thể ngày càng có chuyển biến tốt. Chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước từng bước được nâng lên. Tổ chức mặt trận được củng cố mở rộng với phương thức hoạt động gần dân, sát dân, phát huy dân chủ, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề đặt ra.

Đối với các ngành và cơ quan chức năng, việc thực hiện luật cũng đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Điển hình như đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), việc thực hiện luật đã góp phần đáng kể vào thành tựu của công cuộc xóa đói giảm nghèo - một mục tiêu quan trọng của Thủ đô. Ông Lê Tuấn Hữu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, nhằm thực hiện hiệu quả Luật MTTQ, gần 10 năm qua, Sở đã phối hợp với MTTQ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể và thiết thực như vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt 124.239 triệu đồng, xây dựng hơn 1.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 6 nghìn nhà cho hộ người có công; tặng hơn 54 nghìn sổ tiết kiệm (trị giá gần 20 tỷ đồng); xây 60 giếng nước tình nghĩa (48,75 triệu đồng). Sở LĐ-TB&XH phát động, phối hợp tuyên truyền, ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Vì người nghèo tại một số quận, huyện, phường, xã, cùng TP xây dựng, sửa chữa hơn 7 nghìn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng (trong đó ngân sách 16,8 tỷ đồng). Kết quả đó đã đưa tỷ lệ hộ nghèo của TP giảm từ 5,01% năm 2001 xuống còn 1,6% năm 2008.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) khẳng định: Thông qua việc thực hiện Luật MTTQ, Sở đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan, đặc biệt là MTTQ thực hiện hiệu quả nhiều phong trào, cuộc vận động từ TP đến cơ sở. Trong đó tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức của nhân dân thông qua cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phong trào giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; bảo đảm ANTT; vệ sinh an toàn thực phẩm... ngay từ cơ sở. Đặc biệt, dựa trên các nội dung của Luật MTTQ, Sở VH-TT&DL đã đưa các tiêu chí về xây dựng quy ước, hương ước, tiêu chí làng văn hóa, KDC văn hóa... đến 100% các phường, xã, thị trấn, KDC, tổ dân phố ở các quận, huyện nội, ngoại thành... và thu được kết quả đáng mừng, nhiều vùng nông thôn, ngoại thành đã dần xóa bỏ hủ tục trong việc cưới, tang, lễ hội, thay vào đó là thực hiện các tiêu chí tiết kiệm, lành mạnh.

Nhưng vẫn còn nhiều trăn trở

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nói trên, việc thực hiện Luật MTTQ ở cả các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể đến các sở, ngành chức năng vẫn bộc lộ những bất cập, hạn chế, dẫn đến hiệu quả thực hiện Luật MTTQ chưa cao. Đó là công tác tuyên truyền, phổ biến luật, Điều lệ MTTQ chưa được thường xuyên, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; một số cán bộ, đảng viên chưa nắm được những nội dung cơ bản của luật, dẫn đến nhận thức và trách nhiệm trong thực hiện luật chưa đầy đủ, thể hiện cả trong công tác chỉ đạo, phối hợp, bảo đảm điều kiện, đánh giá kết quả công tác cũng như trong các văn bản, nhất là văn bản của chính quyền cơ sở, các ngành liên quan đến vị trí, vai trò của MTTQ. Hơn thế, hiện nay cơ chế phối hợp thực hiện Luật MTTQ cũng còn nhiều bất cập. Ông Lê Tuấn Hữu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đều cho rằng: cơ chế phối hợp thực hiện Luật MTTQ giữa các sở, ngành, cơ quan chức năng còn thiếu sự đồng bộ, chặt chẽ. Theo ông Lợi, cơ chế phối hợp phải được tăng cường, thống nhất ngay từ khi xây dựng mô hình, tiêu chí hoạt động thì mới có kết quả, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng "mạnh ai nấy làm".

Ở bất cứ lĩnh vực nào, nếu có sự phối hợp tốt, chắc chắn kết quả sẽ cao hơn. Riêng đối với việc thực hiện Luật MTTQ, cơ chế phối hợp được bảo đảm thực hiện sẽ mang lại "tác dụng kép", vừa thành công trên từng phần việc cụ thể, vừa tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Kiều Oanh (HàNộiMới)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất