Đại dịch đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta; hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu, trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Chính phủ đã thảo luận và thống nhất cao; đồng thời, báo cáo Bộ Chính trị về chủ trưởng ban hành các chính sách hỗ trợ.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động, duy trì mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG CÓ VIỆC LÀM
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng.
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4% (quý I là 540.000 người); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn (có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, ở nông thôn là 14,3%).
Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Trong quý III tình trạng này tiếp diễn khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng lưu ý là khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.
Nhìn chung, đến hết tháng 8, tình hình bệnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nhân lực có kỹ năng nghề. Chỉ đạo hệ thống GDNN đổi mới phương thức tuyển sinh và hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn; đồng thời đảm bảo các điều kiện phòng, chống COVID-19 cho học sinh, sinh viên GDNN khi đi học trở lại. Đổi mới truyền thông, gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề, kế hoạch truyền thông GDNN năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH đã có hướng dẫn thực hiện chính sách lao động, tiền lương cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đến thu nhập, tiền lương của người lao động. Tăng cường các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẢM BẢO NGUỒN NHÂN LỰC, PHỤC HỒI SẢN XUẤT
Do tình hình dịch bệnh bên ngoài vẫn diễn biến phức tạp nên Bộ LĐTB&XH xác định tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; tinh thần chung là không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2021. Chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động năm 2021 của ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; tập trung bốn nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để tham mưu cho Tỉnh/Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 68/NQ-CP, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Các đơn vị thuộc Bộ phải theo dõi sát tình hình, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chính sánh hỗ trợ nêu trên; kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hai là, có các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm đời sống người lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo thường xuyên, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người hiện không có việc làm, không tham gia học tập, tích cực học tập nâng cao trình độ, chuẩn bị hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0 để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động.
Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành để tham mưu, đề xuất và có giải pháp quan tâm đảm bảo sức khỏe người lao động, chăm lo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp tập trung; đề xuất ưu tiên tiêm vắc xin cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất…
Ba là, tập trung hoàn thành, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội.
Bốn là, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và cho đối tượng yếu thế; đảm bảo từng bước nâng cao đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19, để “Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”./.
Những điểm mới của Nghị quyết số 68/NQ-CP
Trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP được xây dựng dựa trên nguyên tắc hỗ trợ kịp thời; các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện, cụ thể:
- Về đối tượng: tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
- Điều kiện hỗ trợ: giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động.
- Bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1); hỗ trợ đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.
- Giao lại cho các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của từng địa phươngđể xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). |
Tuấn Đạt