Thảo luận tại hội trường,
một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi
trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn
nước và phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
MỘT SỐ LƯU VỰC SÔNG VẪN Ô NHIỄM NẶNG
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), tình trạng nước thải sinh
hoạt, nước thải từ các làng nghề, cụm công nghiệp phát sinh ngày càng
lớn, trong khi hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu. Theo báo cáo
của Chính phủ, hiện nay cả nước mới có 30,3% cụm công nghiệp, 16,1% các
làng nghề đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tổng
lượng nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị còn thấp,
chỉ đạt 17%, trong khi theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các cụm
công nghiệp phải hoàn thiện xây dựng các hệ thống nước sạch, xử lý nước
thải tập trung trước ngày 1/1/2024.
Hệ lụy là một số lưu vực sông như sông Cầu, sông Đáy, sông Nhuệ, sông
Đồng Nai... vẫn còn bị ô nhiễm nặng. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang
cho biết, riêng đối với sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn tỉnh này, trong
nhiều kỳ họp Quốc hội, cử tri và nhân dân Bắc Giang đã kiến nghị, phản
ánh các bộ, ngành và các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng đến nay
nước sông vẫn bị ô nhiễm nặng. Một số thời điểm có cá vẫn chết trắng
trôi dạt vào bờ sông (vùng hạ lưu sông Cầu).
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo
quyết liệt hơn nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường
sống, sức khỏe cho nhân dân và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về
biến đổi khí hậu.
Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Văn Thi, đại biểu Nguyễn Thị Việt
Nga (Hải Dương) cho biết những năm gần đây cử tri và báo chí phản ánh
rất nhiều về tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đến nay
mức độ ô nhiễm đã lên đến đỉnh điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc
sống của người dân, đặc biệt là người dân sản xuất nông nghiệp.
“Một hệ thống thủy lợi từng là niềm tự hào về sức người thay trời làm
mưa mang lại sự sống cho các cánh đồng, giờ đã trở thành dòng sông
chết, bức tử những cây lúa, rau màu của người dân. Chính phủ và các bộ,
ngành Trung ương đã có những giải pháp để xử lý. Tuy nhiên, tôi nhận
thấy tiến độ xử lý còn rất chậm và người dân, cử tri vẫn đang mòn mỏi
chờ đợi”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quyết liệt hơn nữa. Bên
cạnh việc xử lý các tổ chức, các cá nhân, tác nhân gây ô nhiễm một cách
triệt để, hiệu quả thì còn cần những phương án cụ thể để phục hồi và bảo
vệ nguồn nước một cách bền vững, lâu dài theo đúng quy định của Luật
Tài nguyên nước (sửa đổi) mà Quốc hội vừa mới thông qua.
THỰC HIỆN QUYẾT LIỆT CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN
Bày tỏ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn,
nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến
Tre) cho biết cử tri vùng đồng bằng sông Cửu Long đánh giá cao những nỗ
lực của Chính phủ về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, cung cấp nước
sạch cho người dân.
“Vấn đề hạn mặn đã xảy ra rất nhiều năm, liên tục và ngày càng rất
khắc nghiệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi thấy Chính phủ,
các bộ, ngành Trung ương đã có những giải pháp với vốn đầu tư rất lớn,
liên tục tăng cho vùng. Đây là một tín hiệu rất vui cho vùng đồng bằng
sông Cửu Long”, đại biểu nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các
bộ, ngành tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt các chương trình đang
có để xử lý căn cơ vấn đề hạn mặn.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ thực
hiện sớm các quy trình thủ tục đầu tư với các chương trình sử dụng nguồn
vốn vay viện trợ nước ngoài (ODA) bằng cách thành lập các Ban hoặc Tổ
công tác để chỉ đạo vấn đề này.
Cùng mối quan tâm đến vấn đề hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đại
biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) nhấn mạnh người dân trong vùng Đồng băng
sông Cửu Long đang lo lắng về sống chung với lũ giờ lại sống chung với
hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở...
"Không thể tưởng tượng hết vùng đồng bằng sông nước mà bà con phải
thức đêm đi hàng mấy cây số để xin từng xô nước cứu trợ. Năm 2024, hạn
hán, xâm nhập mặn diễn biến khốc liệt hơn và dường như không có điểm
dừng. 11/13 tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long phải ban bố tình
trạng khẩn cấp về hạn mặn. Nhiều giải pháp cấp bách đã được triển khai
như trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt; chuyển đổi cây trồng, vật
nuôi; khởi động xây dựng lại các hồ chứa nước ngọt, thay đổi tập quán
canh tác... Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền và nhân dân trong vùng
tập trung nhiều giải pháp nhưng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn", đại
biểu chia sẻ.
Nhằm hạn chế tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn,
đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu và có chính sách thực
hiện một số giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo; cần tăng cường
đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nâng cao năng lực dự báo
hạn mặn.
GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
Trong 12 giải pháp chủ yếu, bao trùm các lĩnh vực kinh tế - xã hội
của Chính phủ đề ra, giải pháp số 4 và giải pháp số 7 đã đề cập đến phát
triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề giảm phát thải khí nhà
kính. Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề quan trọng
cần thiết, cần phải được quan tâm thích đáng, kịp thời, thường xuyên để
đảm bảo môi trường tự nhiên, ổn định đời sống kinh tế, đồng thời giúp
nông nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức của chuyển đổi xanh toàn cầu,
giữ vững được vị thế trong bản đồ an ninh lương thực thế giới.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, nông nghiệp Việt Nam có vai trò rất
quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng đối với nền
kinh tế đất nước, nhưng nông nghiệp lại là ngành tạo ra phát thải CO2
rất lớn. Đại biểu cho rằng, nếu không có kế hoạch và các hành động cụ
thể đối với việc sản xuất nông sản Việt Nam, xuất khẩu gắn với giảm phát
thải khí nhà kính thì nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sẽ bị tính thêm
thuế carbon của các nước, làm gia tăng giá xuất khẩu và mất lợi thế cạnh
tranh của nông sản Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đánh giá cao hành động của Chính phủ đã
cam kết tham gia vào cuộc cách mạng xanh cùng với các nước trên thế giới
tại COP 26 và COP 28 và sẵn sàng tham gia thị trường carbon.
Để giúp
người dân hiểu rõ về giá trị to lớn cũng như việc giảm phát thải khí nhà
kính và thị trường carbon, đồng thời thực hiện được cam kết của Việt
Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan
trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon; giao
các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao
nhận thức, cung cấp các nghiệp vụ cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính
và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, sinh viên
đại học và học sinh phổ thông.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu sâu sắc tác
động quy định của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản, từ đó
đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp, hỗ trợ cho người dân, doanh
nghiệp; xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách hấp
dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường
carbon vừa để phát triển bền vững, vừa làm gia tăng giá trị ngành nông
nghiệp trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia thành viên Liên
minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ…/.
TTXVN