Năm 2018 đã đi qua 3/4 chặng đường. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục đà chuyển biến tích cực, nhất là việc thực hiện thành công "mục tiêu kép" - vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Kết quả cơ bản của năm 2018 và giai đoạn 2018-2020 là những nền tảng quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Thực hiện thành công “mục tiêu kép”
Theo báo cáo của Chính phủ, nhờ có tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, ngay từ đầu nhiệm kỳ, nền kinh tế đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Chín tháng đầu năm 2018, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội đạt được rất toàn diện, 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, 4/12 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân chín tháng năm 2018 tăng 3,57%.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (tăng 14,6%); 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có năm mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
GDP chín tháng năm 2018 tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất cùng kỳ kể từ năm 2011. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là động lực chính của tăng trưởng. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,7%.
Nhìn chung, mô hình tăng trưởng đã chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân...
Nhiều tổ chức quốc tế đã có những dự báo tích cực đối với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2018, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8%; trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo đạt khoảng 6,9%...
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước.”
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế của ADB, đánh giá: "bức tranh kinh tế kinh tế Việt Nam chín tháng đầu năm là rất toàn diện, sáng sủa;" tăng trưởng cao so với chính Việt Nam và trong cả khu vực. Con số tăng trưởng 6,98% rất ấn tượng, nhưng quan trọng hơn là tăng trưởng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp, nông nghiệp là những điểm sáng, dịch vụ cũng tăng trưởng ấn tượng.
Trong công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo trở thành động lực chính của tăng trưởng. "Nếu chúng ta nhìn vào những lĩnh vực cụ thể trong công nghiệp, thì một số ngành thế mạnh truyền thống như khai khoáng, xây dựng có sự đóng góp sụt giảm. Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi mạnh mẽ của ngành chế biến, chế tạo nên đã kéo theo chỉ số tăng trưởng của ngành công nghiệp lên một mức cao," ông Nguyễn Minh Cường phân tích.
Về nông nghiệp, một điểm đáng chú ý là sự tăng trưởng của các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cho thấy sự chuyển đổi, cơ cấu lại nền nông nghiệp một cách mạnh mẽ, đem lại những động lực mới cho phát triển nông nghiệp. Dịch vụ dần trở thành một trụ cột tăng trưởng, du lịch có số lượng khách tăng trưởng ấn tượng.
Tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn
Theo dự báo của ADB, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu trong nước tiếp tục mạnh. Triển vọng tiêu dùng tư nhân tiếp tục sáng sủa, trong khi triển vọng đầu tư tư nhân vẫn ổn định nhờ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp mới.
Bên cạnh đó, ADB đưa ra những khuyến nghị đối với Việt Nam. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm trong năm nay, áp lực lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể phải đối mặt với một số thách thức khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục gia tăng, thương mại toàn cầu giảm sút sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam - một quốc gia vốn dựa nhiều vào xuất khẩu. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tới Việt Nam có thể bị ảnh hưởng...
Nhìn nhận những bất cập, những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, tại phiên họp thường kỳ tháng Chín, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chức năng không được chủ quan, lơ là trước những kết quả đã đạt được, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, phải thực hiện cho được kế hoạch đã đề ra; kiểm soát chặt chẽ những biến động, nhất là những chỉ số vĩ mô liên quan tới lạm phát, bảo đảm kiểm soát lạm phát dưới 4%; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp...
Trong thời gian tới, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.
Theo VN+