Chủ Nhật, 8/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 20/10/2018 16:56'(GMT+7)

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại Bình Định

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn cho biết: Tại tỉnh Bình Định, từ tháng 1/2017 đến tháng 6/2018, qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng, tham ô tài sản, kinh tế; khởi tố 13 vụ án với 16 bị can; qua 147 cuộc thanh tra hành chính tại 239 đơn vị đã phát hiện 96 đơn vị có sai phạm, trong đó sai phạm về kinh tế là hơn 19 tỷ đồng và 161 ha đất; kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước hơn 8,5 tỷ đồng, giảm trừ quyết toán 11 tỷ đồng; thu hồi 156 ha đất; kiểm điểm trách nhiệm 21 tổ chức và 62 cá nhân; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 6 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Đồng thời, thanh tra các sở, ngành của tỉnh đã tổ chức 2.835 lượt thanh, kiểm tra và 358 cuộc thanh tra theo đoàn, phát hiện 204 tổ chức và 3.892 lượt cá nhân sai phạm; trong đó, sai phạm kinh tế là 10,3 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 94 tổ chức và 3.646 cá nhân, chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra 1 vụ có dấu hiệu tội phạm... 

Thời gian qua, các cấp các ngành của tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, nhưng công tác này còn có những hạn chế, như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống tham nhũng. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Việc minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ còn hình thức, chưa thực sự trở thành một giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chưa xử lý được “tham nhũng vặt”; quản lý nhà nước một số nơi còn chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả chưa cao…

 Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tỉnh ủy Bình Định kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); hoàn thiện các quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; xử lý nghiêm những trường hợp không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Bình Định đã được tăng cường, tổ chức thực hiện bài bản, tích cực đối với công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn thấp; điều tra, xét xử các vụ tham nhũng còn kéo dài. 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá việc phát hiện tham nhũng của cơ quan chuyên môn của tỉnh Bình Định còn hạn chế, chủ yếu phát hiện qua thanh tra, chưa phát hiện tham nhũng qua tự kiểm tra, giám sát nội bộ; trong khi đó tin báo tố giác tội phạm và số hồ sơ thanh tra chuyển sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan điều tra không khởi tố và tạm đình chỉ còn chiếm tỉ lệ cao. 
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy Bình Định kiểm tra lại 5 vụ tạm đình chỉ và 7 vụ không khởi tố; báo cáo kết quả kiểm tra cho Thường trực Tỉnh ủy và Ban Nội chính Trung ương. Tỉnh ủy Bình Định cũng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương của Đảng về xây dựng Đảng, đặc biệt là việc thực hiện quy định về nêu gương, của cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện quy định này được xem như một cam kết chính trị với toàn Đảng, toàn dân về quyết tâm phòng, chống tham nhũng. Đây là một nội dung hết sức thiết thực, cụ thể trong chỉnh đốn Đảng; chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên. Trong công tác đấu tranh chống tham nhũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có điều kiện giám sát việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên./.

Nguyên Linh/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất