Thứ Hai, 25/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 27/7/2022 14:46'(GMT+7)

Thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, mãi thắp sáng ngọn lửa tri ân trên quê hương Quảng Trị anh hùng

Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng là một trong ba trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. Là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống anh hùng cách mạng, trải qua hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với địa thế trọng yếu đầu cầu giới tuyến, nơi đối đầu quyết liệt giữa ta và địch, Quảng Trị là vùng đất lửa, hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ của cả dân tộc. Chiến tranh đi qua để lại biết bao đau thương mất mát, song, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ban ngành Trung ương, sự chia sẻ giúp đỡ của nhân dân trong cả nước, Quảng Trị đã có những bước chuyển mình vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, tạo điều kiện để tỉnh ưu tiên nguồn lực thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, trong đó có công tác đền ơn đáp nghĩa. Với lòng biết ơn sâu sắc, ghi nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng một phần xương máu cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực, cố gắng trong công tác đền ơn đáp nghĩa với ý thức chăm sóc người có công không chỉ là bổn phận, là đạo lý, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và người dân tỉnh nhà.

Một địa phương đất không rộng, người không đông như Quảng Trị nhưng có đến 72 Nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có 2 Nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, 7 Nghĩa trang liệt sỹ cấp huyện, 60 Nghĩa trang liệt sỹ cấp xã và 3 Nghĩa trang liệt sỹ cấp thôn quản lý, với trên 60 vạn mộ Liệt sỹ. Số lượng thương binh, liệt sỹ và người có công trên địa bàn toàn tỉnh chiếm tỷ lệ gần 20% so với dân số trong toàn tỉnh- những con số cho thấy sự khốc liệt của chiến tranhsự hy sinh mất mát của bao lớp người ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội đã luôn đặc biệt quan tâm, xem công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị; tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch lãnh đạo thực hiện công tác chăm sóc người có công. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, trong đó xác định việc từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đồng thời đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như: Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, hoàn thành công tác xác nhận người có công trong các thời kỳ; triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi nhằm nâng cao mức sống người có công để bản thân và gia đình của họ có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của xã hội; huy động các nguồn lực để hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với hộ người có công gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách địa phương để thực hiện chu đáo, kịp thời công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, chính sách dành cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng cũng có những thay đổi nhất định, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng; tập trung quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách; tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết chế độ chính sách người có công; thực hiện tốt việc chi trả trợ cấp thường xuyên, cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ làm nhà ở; thực hiện các chính sách ưu đãi giáo dục, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng… Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, trong đó chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho gần 20.000 người có công với tổng số tiền chi trả gần 400 tỷ đồng/năm. Phong trào Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng với 5 chương trình tình nghĩa: Xây dựng Quỹ  “Đền ơn đáp nghĩa”; Xây dựng nhà tình nghĩa; Chương trình ổn định đời sống thương, bệnh binh nặng ở gia đình; Chương trình tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chương trình chăm sóc bố mẹ, vợ Liệt sỹ già yếu cô đơn, phụng dưỡng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và đỡ đầu con Liệt sỹ được thực hiện thường xuyên, sâu rộng và trở thành nét đẹp văn hóa đạo lý của người dân Quảng Trị. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh đã huy động hơn 102 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 1.557 nhà ở và sửa chữa 416 nhà ở cho gia đình người có công. Chương trình nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm, trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc. Đến nay, tỉnh đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sỹ, thương binh các hạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà tạm bợ, dột nát; qua khảo sát 99% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Ngoài hỗ trợ xây dựng hoặc nâng cấp, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công và thân nhân, tỉnh đã vận động phụng dưỡng 100% bà mẹ VNAH còn sống, mức phụng dưỡng bình quân 1.200.000 đồng/bà mẹ/tháng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tặng 5.578 sổ tiết kiệm và hàng triệu lượt suất quà trị giá trên 50 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng... để hỗ trợ lúc khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp, tự cải thiện cuộc sống của mình, từng bước vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã thực sự trở thành một phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội, tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa lớn.

Việc thực hiện chính sách dành cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng được triển khai đồng bộ giữa hoạt động chăm sóc, tri ân những người còn sống và tưởng nhớ những người đã khuất như xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các công trình ghi công các anh hùng liệt sĩ. Tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các đơn vị quân đội có người hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, đã phát động toàn quân, toàn dân đi tìm kiếm, xác định các vị trí chôn cất liệt sỹ trên địa bàn tỉnh và cả trên đất bạn Lào để tiến hành cất bốc, quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ và thực hiện tốt Chương trình chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ. Với nghĩa cử “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị luôn tâm niệm phải có trách nhiệm hơn nữa với những anh hùng liệt sĩ là những người con ưu tú của các tỉnh, thành cả nước đang yên nghỉ tại quê hương mình, góp phần làm yên lòng cho gia đình các thân nhân liệt sỹ. Cùng với ngân sách nhà nước, nhiều năm qua tỉnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, tôn tạo các nghĩa trang thêm tôn nghiêm, sạch đẹp. Chỉ tính từ năm 2012 - 2020, tỉnh đã đầu tư gần 212 tỷ đồng cho công tác chỉnh trang, quy tập mộ, nghĩa trang Liệt sỹ trên địa bàn tỉnh, trong đó nguồn vốn chung tay chăm sóc nghĩa trang do các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ và từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 100 tỷ đồng. Là mảnh đất sâu nặng nghĩa tình đồng chí, đồng bào khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế, hàng năm tỉnh đã tổ chức nhiều Chương trình, lễ hội, hoạt động tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ như: Lễ hội Thống nhất non sông, Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, “Những ngọn nện tri ân”, Lễ hội tri ân Tháng 7, Lễ hội “Đêm hoa đăng” thả hoa đăng tưởng niệm liệt sĩ trên sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị... đã thu hút đông đảo cán bộ, cựu chiến binh và nhân dân trong cả nước đến tưởng niệm, về nguồn, ôn lại truyền thống yêu nước, sự hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, cầu mong cho đất nước luôn thái bình; qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của các thế hệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

       Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đời đời vinh danh, tri ân công ơn, sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh. Quan tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”. Để thực hiện các chính sách xã hội nói chung và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt, nắm vững các quan điểm, nguyên tắc, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội nói chung và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói riêng; thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng và nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, xác định là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Có chủ trương, biện pháp và kế hoạch huy động, khai thác, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện của địa phương.

      Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”..., qua đó huy động nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội, chung tay cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công. Làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công. Tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tham gia các hoạt động xã hội. 

        Để phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động các nguồn lực trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cần tích cực vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên chung sức trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng trong cộng đồng dân cư; có nhiều biện pháp kết hợp, phát huy các nguồn lực của Trung ương và nguồn lực tại chỗ hợp lý, hiệu quả; không để xảy ra những tiêu cực, sai phạm trong quá trình huy động các nguồn lực thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

         Các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó nòng cốt là ngành lao động - thương binh và xã hội cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên tinh thần đất nước, quê hương phát triển hơn, đời sống nhân dân tốt hơn thì đời sống người có công và gia đình chính sách cũng phải được nâng lên; không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời tổ chức thực hiện các chính sách đến với người có công nhanh nhất, đúng nhất, đầy đủ nhất. Cơ quan quân sự tích cực phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện tốt các văn bản quy định về giải quyết chế độ, chính sách đối với những người bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là đối với các đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh, không còn lưu giữ đầy đủ giấy tờ. Phối hợp tiến hành tích cực, hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác minh tên, tuổi, quê quán và tổ chức bàn giao về địa phương, gia đình theo đúng quy định.

       75 năm đã trôi qua kể từ khi Trung ương thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định chọn ngày 27/7 là “Ngày thương binh liệt sĩ”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện tư tưởng của Người; làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo người có công với cách mạng, với những hành động thiết thực, ý nghĩa, phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, để mãi thắp sáng “ngọn lửa” tri ân trên quê hương Quảng Trị anh hùng.

  Lê Quang Tùng

Ủy viên Trung ương Đảng 

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất