Âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch, phản động là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện được âm mưu cơ bản đó, các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, kiên quyết, xảo quyệt. “Diễn biến hòa bình” là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hòa bình” để giành thắng lợi.
“Diễn biến hòa bình” là một thủ đoạn mới nhưng xét trên tổng thể về bản chất thì không có gì mới, vẫn là thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc tức là kẻ thù bên ngoài. Bác Hồ đã chỉ rõ, “kẻ thù bên ngoài là bạn đồng minh của kẻ thù bên trong. Kẻ thù bên ngoài không đáng sợ. Kẻ thù bên trong đáng sợ hơn vì nó phá từ trong phá ra”. Chúng ta không khinh thường chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhưng nó không đáng sợ bằng những lực lượng na ná giống chủ nghĩa đế quốc. Chúng ta không xem nhẹ thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nhưng đáng sợ hơn là cái na ná như “diễn biến hòa bình”. Cần phải lên án và tuyên chiến với cái xấu, cái ác, cái sai nhưng đặc biệt phải cảnh giác với cái na ná cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái chân lý. Bác Hồ nói cái gì tốt cho dân, cái gì lợi cho dân, đó là chân lý. Bây giờ có một bộ phận cán bộ, đảng viên “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan chủ”. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ” (1)... Chống kẻ thù bên ngoài không phải chỉ tập trung chĩa mũi nhọn ra bên ngoài, cũng không phải chỉ tìm cách đỡ đòn của kẻ thù, mà còn phải bắt đầu từ việc chống kẻ thù bên trong và xây dựng thực lực mọi mặt từ bên trong.
Cần phải khẳng định rằng không một kẻ thù bên ngoài nào có thể xóa bỏ được con đường xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng. Không một thế lực thù địch bên ngoài nào có thể bôi nhọ được chúng ta, ngoại trừ chúng ta tự bôi nhọ mình bằng sự hư hỏng từ bên trong với tham nhũng, quan liêu, xa dân, thiếu tinh thần trách nhiệm. Vì vậy, chống tha hóa, chống “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh chống "diễn biến hoà bình".
Kiên trì, quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh và có kết quả Nghị quyết Trung ương ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng, chống “tự diễn biến", "tự chuyển hoá”.
Chúng ta đang tiến hành sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Sơ kết phải theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 và các nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đổi mới, tức là phải có bản lĩnh nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật cả cái làm được và chưa được, không tô hồng, bôi đen. Sơ kết theo cách truyền thống thì khó biết được sự thật. Nên mạnh dạn suy nghĩ cách sơ kết thực chất hơn, hiệu quả hơn, ví như lấy ý kiến đảng viên và nhân dân về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua.
Qua một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, bên cạnh một số mặt đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận kết quả chưa đạt được như mong muốn. Không ít địa phương khi báo cáo kết quả kiểm điểm nghe rất giống nhau, giống Trung ương, thậm chí cả câu chữ. Cũng tự kiểm điểm một cách nghiêm khắc, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm. Chủ yếu vẫn là tập thể ban thường vụ nhận khuyết điểm, rồi xin lỗi nhân dân. Hình như sau một năm vẫn chưa tìm thấy “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải kiên quyết, kiên trì, không ngưng nghỉ việc thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4. Kiên trì thực hiện như thế nào là một câu hỏi lớn cần phải suy nghĩ nghiêm túc. Vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở các hội nghị và nhắc đi nhắc lại việc thực hiện nghị quyết, mà điều quan trọng nhất là ở chỗ rà soát các nội dung và giải pháp thực hiện; tập thể, cá nhân đã làm được đến đâu, nội dung nào chưa thực hiện được, nguyên nhân do đâu.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhiều câu hỏi đặt ra vẫn chưa có lời giải đáp. Ví dụ, ở nhóm giải pháp thứ nhất, tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm? Nguyên nhân ở đâu? Trách nhiệm thế nào? Nếu chỉ tập thể nhận trách nhiệm thì coi như chưa có gì, vì về mặt nguyên tắc, lãnh đạo thì tập thể nhưng bao giờ cũng đi liền cá nhân phụ trách. Đó là một trong những nguyên tắc căn bản trong tổ chức, sinh hoạt Đảng. Hoặc nhóm giải pháp về nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên có việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống. Vậy trách nhiệm cá nhân đến đâu? Việc xử lý trách nhiệm cá nhân đó như thế nào? Ở nhóm giải pháp thứ hai về tổ chức, cán bộ, qua một năm, chúng ta đã thực hiện việc xem xét, sàng lọc đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị đến đâu? Tiêu chí, thước đo những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ là gì? Và chúng ta đã sắp xếp lại hoặc thay thế những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp như thế nào? Việc kê khai tài sản trung thực và được công khai ở nơi công tác và nơi cư trú đã làm được đến đâu? Việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã làm như thế nào, kết quả và trách nhiệm cá nhân đến đâu? Việc xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, được nhân dân quan tâm đã thực hiện được đến đâu? Trong một năm qua, việc định kỳ để nhân dân thực chất góp ý kiến xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và chất lượng các cuộc góp ý kiến đó như thế nào? Những gì chưa làm được thì trách nhiệm thuộc về ai? v.v..
Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phải đi vào thực chất, rà soát từng công việc, biện pháp và mục tiêu đề ra, xem việc gì làm được, có kết quả, việc gì chưa làm được, nguyên nhân, trách nhiệm cá nhân và phải có biện pháp xử lý. Nếu chúng ta có tinh thần trách nhiệm vì dân, làm việc đến tận gốc thì sơ kết phải chỉ ra được nơi nào kiểm điểm tốt, tập thể, cá nhân nào làm chưa tốt, trách nhiệm cá nhân, tập thể đến đâu? Kinh nghiệm cho thấy 90% khuyết điểm là do ta làm việc không đến nơi đến chốn, thiếu kiểm tra, giám sát; nếu công tác kiểm tra tốt thì bao nhiêu khuyết điểm, cá nhân thiếu trách nhiệm sẽ được vạch ra.
Chiến lược “diễn biến hòa bình” với hoạt động tư tưởng - văn hóa được coi là mũi đột phá, là “cây cầu dẫn vào trận địa” thì vẫn là sự tác động từ bên ngoài vào. Dù “một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng”; “có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả là có thể hoàn thành”... nhưng đó vẫn là khách quan. Sự hoàn thành công việc của 10 sứ giả hay sức mạnh của cây bút, làn sóng điện không phải ở bất cứ mọi không gian và thời gian. Khách quan có tác động vào chủ quan và ít nhiều gây ra khó khăn cho ta nhưng khó dễ là tại mình. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch bên ngoài là lợi dụng sự yếu kém, sự tha hoá, những mâu thuẫn từ trong nội bộ, kích động làn sóng chống đối, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” ở trong nước. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đó là do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục, lãnh đạo, quản lý; do sự thiếu rèn luyện, tu dưỡng thực hành liêm chính của một số cán bộ, đảng viên; sự thiếu gương mẫu của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân... Nếu không đánh bại, không quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì Đảng ta không thể trong sạch, vững mạnh được, không thể là một Đảng cách mạng chân chính hết lòng vì nước vì dân được” (2). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác, là giặc nội xâm, nó không mang gươm, mang súng nhưng vô cùng nguy hiểm, gian giảo, xảo quyệt; nó kéo người ta xuống dốc không phanh. Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này.
Để chống chiến lược “diễn biến hòa bình” thì không phải chỉ đánh các thế lực thù địch mà phải đánh bại giặc trong lòng mỗi chúng ta, phải sàng lọc, làm trong sạch đội ngũ chúng ta, phải tăng cường sức mạnh nội lực. Cụ thể, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, cán bộ cao cấp phải tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ hằng ngày, suốt đời gắn với trách nhiệm, bổn phận trước nhân dân, trước Đảng. Phải thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, nghĩa là không phải kiểu tập trung độc đoán chuyên quyền, không phải kiểu dân chủ hình thức, trang trí; tập thể là bình phong để hợp thức hóa ý kiến của thủ trưởng, tức là lợi dụng tập thể, lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Nếu nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ là hình thức dẫn đến không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm thì đó là tha hóa, là “tự chuyển hóa”. Rồi tự phê bình và phê bình kém, thiếu thẳng thắn, trung thực, xuê xoa, nể nang nhưng vẫn cho là nghiêm túc, nghiêm khắc thì đó chính là sự tiếp tay cho “diễn biến hòa bình”, là “tự diễn biến” .
Điều nguy hiểm nhất hiện nay là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp đang hư hỏng, biến chất, nhưng lại chỉ đỗ lỗi cho âm mưu của các thế lực thù địch đang thực hiện thủ đoạn “diễn biến hòa bình”. Chúng ta đang tự lừa dối mình theo tư duy truyền thống là đổ lỗi cho khách quan, cho chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Chúng ta không dám đối mặt với giặc trong lòng để tiêu diệt nó, lại hướng đến giặc bên ngoài. Sự chệch hướng này là cực kỳ nguy hiểm, vì nó làm chúng ta không thấy được kẻ thù nguy hiểm nhất, kẻ thù phá từ trong phá ra là chủ nghĩa cá nhân.
Trong nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Nghị quyết Trung ương 4 đưa lên hàng đầu nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả.
Để thực hiện có kết quả giải pháp này, phải xác định học đi đôi với làm, trong học có làm, trong làm có học, lấy hiệu quả việc làm để làm thước đo. Hiện nay, ngay việc học tập, có nơi làm chưa đến nơi đến chốn, chưa tốt, vẫn mang nặng hình thức, học để báo cáo. Việc học tập chưa làm cho người học nhận thức đầy đủ, sâu sắc tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác là một di sản lớn chứa đựng hệ giá trị thực, được cả dân tộc và nhân loại tiến bộ thừa nhận. Chính đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện thành người có phẩm chất đạo đức. Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đem lại sức mạnh chống cái xấu, cái ác, cái sai; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với thắng lợi của cách mạng, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân. Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đối với tương lai của dân tộc.
Điều quan trọng nhất hiện nay là mỗi cán bộ, đảng viên phải giữ được nhân cách của người cách mạng; phải có thái độ trọng dân, tin dân, gần dân, thương dân, sâu sát dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, mọi hoạt động phải học hỏi, bàn bạc, giải thích cho dân chúng; mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân vận.
Không thể chống được chiến lược “diễn biến hòa bình” nếu giảm sút và mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Bác Hồ dạy: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. Vì vậy, cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (3). Người chỉ rõ: “Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm. Làm theo cách quan liêu, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại” (4). Chính trị ở đây được hiểu là lòng tin của dân. Vì vậy, củng cố và giữ vững niềm tin của dân với Đảng là quan trọng nhất.
Để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trước hết, căn bản và xuyên suốt là phải chống sự thoái hóa, biến chất, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 đã chỉ ra./.
------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1995, t.6, tr.292.
(2) Tạp chí Cộng sản, số 833 (tháng 3-2013), tr.18.
(3 )Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đd, t.5, tr.286.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.293.
PGS.TS. Bùi Đình Phong