Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 23/11/2008 21:18'(GMT+7)

Thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống văn hoá trong trường học

Học sinh là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng "văn hoá học đường".

Học sinh là nhân tố quan trọng trong việc xây dựng "văn hoá học đường".

Tham gia Toạ đàm có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các quận, huyện, hiệu trưởng và đại diện một số trường ĐH, THPT, THCS, tiểu học cùng  các chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hoá-giáo dục trên địa bàn TP.HCM. 

Báo cáo nhanh tại Toạ đàm nêu rõ: Qua hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội nước ta đã có những đổi thay to lớn. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận đánh giá, đúng với nhận định của Trung ương Đảng nêu trong Kết luận Hội nghị TW 10 (khoá IX) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn  hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc": "Sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống tiếp tục diễn biến phức tạp, có một số mặt nghiêm trọng hơn, tổn hại không nhỏ đến uy tín của Đảng và Nhà nước, niềm tin của nhân dân". Vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng nêu rõ quan điểm chỉ đạo: "Bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam". Những biểu hiện sa sút lý tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận học sinh, sinh viên (HSSV), giáo viên đang cản trở chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Tại Toạ đàm, các đại biểu đã tập trung vào nhận định, đưa ra những ý kiến đánh giá về thực trạng đời sống văn hoá của HSSV trong các trường học, chú ý đến xu hướng suy thoái môi trường văn hoá, sự gia tăng các hành vi phản văn hoá trong HSSV. Trong đó đề cập tới đối tượng thày, cô giáo, công nhân viên nhà trường như là các tác nhân tác động đến đời sống văn hoá của HSSV.

Về thành tựu chung, các đại biểu đều thống nhất và đồng tình với nhận định: Từ khi có Nghị quyết TW 2 (khoá VIII) về giáo dục-đào tạo và Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) về văn hoá, các cấp uỷ đảng, ngành giáo dục-đào tạo và các tầng lớp xã hội đã quan tâm chăm lo hơn đến việc xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học. Nhiều trường học được xây dựng khang trang, có cảnh quan môi trường sạch đẹp, có hệ thống thiết chế văn hoá cơ bản (hội trường, nhà văn hoá, nhà truyền thống, nhà thi đấu đa năng, sân vận động, sân khấu ngoài trời, thư viện...) tạo điều kiện cho HSSV học tập, nghiên cứu và hưởng thụ văn hoá; xuất hiện một số mô hình giải quyết nhà ở cho sinh viên, như Mô hình làng sinh viên, KTX sinh viên, Khách sạn sinh viên, KTX trong dân, KTX liên kết xây nơi ở cho sinh viên các tỉnh...; Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã lan toả vào các trường học trong cả nước. Ngành giáo dục-đào tạo phối hợp với ngành văn hoá triển khai các hoạt động văn hoá (chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp...) trong các trường học và đẩy mạnh phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực. Một số dự án sân khấu học đường, đưa dân ca vào trường học, thi sưu tầm và biểu diễn sử thi, các cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, phong trào xây dựng KTX văn hoá, trường học có đời sống văn hoá tốt thực sự có tác dụng nâng cao đời sống văn hoá cho HSSV; Môi trường văn hoá trong phần lớn trường học được cải thiện, công tác quản lý HSSV có tiến bộ, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội và các hành vi phản văn hoá; một số phong trào trong HSSV được xã hội ghi nhận như phong trào dạy tốt học tốt, xã hội học tập, thanh niên tình nguyện, hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường, tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS...

Tuy nhiên cũng còn những vấn đề bức xúc, mà các ý kiến đại biểu đã tập trung vào phân tích, như: Về cơ sở vật chất - cảnh quan môi trường: Đến nay ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được hưởng lợi từ việc quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp của Nhà nước, học sinh vẫn phải học trong các phòng dựng tạm bằng tre, gianh, không đủ ánh sáng, điều kiện che gió rét vào mùa đông giá lạnh; một số vùng đô thị, quỹ đất dành cho xây dựng trường lớp quá hẹp, học sinh không có chỗ vui chơi, giải trí; nhiều trường học được xây dựng khang trang trong khuân viên rộng, nhưng việc quy hoạch, bố trí nơi học không hợp lý tạo phản cảm thẩm mỹ về cảnh quan môi trường; Môi trường nước và chất thải nhiều trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng...; giảng đường của nhiều trường ĐH, CĐ, chật hẹp, đặt giữa các khu dân cư đông đúc, ồn ào; một số trường ĐH dân lập hoặc cơ sở đào tạo liên kết mở rộng, phải thuê mướn cơ sở vật chất nên việc tổ chức dạy và học có tính chất tạm bợ, cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá và điều kiện giúp đỡ SV tham gia và hưởng thụ các hoạt động VHVN, TDTT còn khó khăn...; SV còn gặp nhiều khó khăn trong nơi ở, dẫn đến nhiều tiêu cực và hạn chế trong môi trường học tập và sinh hoạt... 

Về cán bộ, giáo viên: Còn những trường học phổ thông thiếu môi trường dân chủ. Có những hiệu trưởng điều hành công việc một cách độc đoán. Nhiều giáo viên không thực sự gương mẫu trong cách sống và trong giảng dạy, lời nói và việc làm chưa thống nhất với nhau, làm cho học sinh không khâm phục, thiếu tin tưởng. Tình trạng ép học sinh học thêm dưới nhiều hình thức để thu tiền đã làm giảm uy tín của người thầy đối với sự nghiệp trồng người. Một bộ phận giáo viên quan niệm mình là "thợ dạy" chỉ quan tâm đến dạy kiến thức chuyên môn mà không dành thời gian gần gũi, nắm băt, chia sẻ tâm tư, tình cảm với học sinh...; nhiều trường ĐH, CĐ mới thành lập phải thuê mướn thầy giảng, dẫn tới nhiều giáo viên dạy học theo kiểu "chạy sô", ít quan tâm nghiên cứu khoa học và hướng dẫn sinh viên học tập; một số giáo viên bị tha hoá như quấy rối tình dục nữ sinh, gạ tình lấy điểm, làm bài hộ, để lộ đề thi,...; đã có những giáo viên  nhân danh đổi mới, mượn diễn đàn lớp học đưa ra những quan điểm lệch lạc xa rời mục tiêu giáo dục đào tạo của Đảng, Nhà nước; quan hệ thầy trò có xu hướng bị "thương mại hoá", kỷ cương trong giảng dạy bị buông lỏng... 

Về đạo đức, lối sống văn hoá của học sinh: Hiện tượng học sinh thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng thầy cô giáo tăng lên dần theo cấp học phổ thông; hiện tượng chia bè phái, gây mất đoàn kết, đánh lộn nhau, thậm chí có vụ việc học sinh đánh nhau gây án mạng đã xảy ra ở học sinh phổ thông. Bạo lực học đường trước đây chỉ xảy ra ở học sinh nam, gần đây đã xuất hiện ở cả học sinh nữ...; một bộ phận học sinh THPT ở các thành phố, đô thị đua đòi ăn chơi, thường xuyên trốn học, tụ tập ngao du, gây mất trật tự công cộng...; quan hệ nam-nữ ở tuổi học trò có xu hướng gia tăng, cấp tiểu học đã có học sinh tỏ tình với nhau, ở cấp THCS và THPT quan hệ nam-nữ diễn ra công khai, trở thành phổ biến. Hiện tượng cặp đôi trong lớp, ngoài lớp, đưa nhau vào nhà nghỉ, đánh ghen trước mặt mọi người, mang thai ngoài ý muốn đã xuất hiện ở trường học...; thái độ lãnh đạm, vô cảm, ích kỷ, trốn tránh hay tham gia miễn cưỡng các phong trào của lớp, các sinh hoạt xã hội của học sinh đang trở thành xu hướng; tội phạm học sinh phổ thông có chiều hướng gia tăng; một bộ phận SV có lối sống thực dụng và cơ hội, xa rời các gí trị đạo đức truyền thống, hình thành tư tưởng hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, chịu tác động của tệ nạn xã hội; văn hoá phẩm độc hại, các dịch vụ phản văn hoá tác động, làm biến đổi đạo đức, lối sống của nhiều HSSV; thời gian gần đây mức độ phạm tội nghiêm trọng trong SV gia tăng. Vấn đề ma tuý học đưòng, trộm cắp chưa được ngăn chặn triệt để; xuất hiện xu hướng vọng ngoại, tiếp nhận "máy móc" thiếu chọn lọc nội dung và hình thức biểu hiện của văn hoá nước ngoài...

Về môi trường xã hội, các đại biểu tại Toạ đàm cũng tập trung các ý kiến phân tích, nêu lên những hạn chế tiêu cực, đồng thời coi đó là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng, tác động tới tình trạng suy thoái phẩm chất, đạo đức, lối sống trong một bộ phận HSSV hiện nay, như: Lối sống ích kỷ, vô cảm của người lớn, tình trạng tham nhũng, gian dối thương mại, sự mâu thuẫn, ly tán trong gia đình tác động đến HS làm một số em mất niềm tin vào xã hội, bế tắc về tương lai, có hành vi tiêu cực để trả thù đời; các sản phẩm văn hoá độc hại lưu truyền công khai ngoài xã hội và qua mạng internet tác động vào lối sống của HSSV; một số loại hình văn hoá mới như games, chat, blog... làm một số HS "nghiền", bỏ bê việc học tập; phần lớn SV các trường ĐH, CĐ và THCN sống xa gia đình, thiếu sự quản lý và chăm sóc của người thân nên dễ bị đối tượng xấu lôi kéo vào các tệ nạn xã hội; một số chương trình văn hoá, văn nghệ trên phương tiện thông tin đại chúng và sản phẩm văn hoá thiếu tính giáo dục tác động đến HSSV...  

Khái quát lên những nguyên nhân của các yếu kém, khuyết điểm nêu trên, Toạ đàm nêu rõ: Nước ta đang ở thời kỳ phát triển nên sự đầu tư của Nhà nước và xã hội cho giáo dục dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn ở mức thấp, hạn chế việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, các thiết chế văn hoá trong trường học; Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục chậm thể chế thành các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tăng cường nguồn nhân lực cho xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học; nhận thức của nhiều cấp uỷ, lãnh đạo ngành giáo dục-đào tạo và lãnh đạo các trường học về vai trò, vị trí của văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học chưa đúng tầm nên chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá trong trường học; sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý HSSV thiếu chặt chẽ, trách nhiệm chưa rõ ràng; tác động của kinh tế thị trường, nhất là những mặt trái của nó và tác động của quá trình hội nhập quốc tế trong đó có sự xâm thực văn hoá bên ngoài đã ảnh hưởng tới lối sống HSSV; đội ngũ giáo viên chưa nhận thức sâu sắc nội dung các điều luật trong Luật Giáo dục, do vậy chưa làm tốt trách nhiệm của thày cô giáo trong sự nghiệp giáo dục toàn diện; vai trò của tổ chức Đoàn, Đội ở nhiều trường học còn mờ nhạt chưa có giải pháp hữu hiệu thu hút HSSV tham gia vào việc xây dựng đời sống văn hoá; ngành văn hoá chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình đối với việc xây dựng chính sách và hướng dẫn tổ chức xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong các trường học; một bộ phận HSSV thiếu ý thức rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống trở thành những "nhân tố xấu" làm vẩn đục môi trường văn hoá trong các trường học...

Tại Toạ đàm, đa số các ý kiến của đại biểu về giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học đều tập trung vào những khía cạnh nội dung cần quan tâm, như: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí và ý nghĩa của xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học, trong đó nhấn mạnh đến việc huy động các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch tuyên truyền các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học, biểu dương kịp thời tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong đạo đức, lối sống và sinh hoạt văn hoá của HSSV...; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng đời sống văn hoá  trong các trường học; đẩy mạnh các phong trào văn hoá trong các trường học; đẩy mạnh xã hội hoá xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học; nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và vai trò của tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hoá trong các trưòng học; tổ chức nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng việc dự báo các xu hướng trong đời sống văn hoá của HSSV, kịp thời phát hiện những nhân tố mới trong xây dựng đời sống văn hoá để tuyên truyền nhân rộng, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hình thành cơ chế, chính sách về xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học...; mở rộng giao lưu, hợp tác với nước ngoài, khuyến khích những trường có điều kiện chủ động tổ chức các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hoá với các trường học tiên tiến ở khu vực và thế giới nhằm tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại và kinh nghiệm tổ chức xây dựng đời sống văn hoá trong trường học...

Kết luận Toạ đàm khẳng định: Xây dựng đời sống văn hoá trong các trường học đang là vấn đề bức xúc, thu hút sự quan tâm lo lắng của toàn xã hội. Những ý kiến tham luận của các đại biểu sẽ là cơ sở để  tổng hợp và xây dựng một Báo cáo toàn diện, tiến tới xây dựng một Đề án đánh giá khách quan, khoa học về thực trạng đời sống văn hoá trong các trường học hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cụ thể, để lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW kiến nghị Ban Bí thư TW đưa vào chương trình làm việc xem xét, từ đó có kết luận chỉ đạo kịp thời./.

Phương Hoa & AT

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất