Hai điểm quan trọng nhất của Luật thuế nhà đất đang được xây dựng là thay đổi cách tính thuế và thu thuế đối với nhà ở.
Bộ Tài chính (BTC) kiến nghị hai phương án đánh thuế đối với nhà ở. Theo phương án thứ nhất, chỉ đánh thuế đối với nhà có giá trị từ 600 triệu đồng trở lên, với thuế suất 0,05%.
Phương án thứ hai, đánh thuế luỹ tiến từng phần theo giá trị tài sản. Cụ thể, dưới 600 triệu đồng hưởng mức thuế suất 0%, từ 600 triệu đồng đến 1.200 triệu đồng chịu thuế suất 0,05% và trên 1.200 triệu đồng chịu thuế suất 0,1%.
Do phương án thứ nhất chưa điều tiết đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà, không góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà ở, nên BTC dự kiến sẽ trình Chính phủ phương án thứ hai. Phương án này có ưu điểm là không điều tiết đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, có thu nhập thấp và trung bình.
Như vậy, đại bộ phận người dân ở nông thôn và đô thị loại 4, loại 5 không phải nộp thuế, mà chỉ đánh thuế mạnh đối với nhà mới xây, biệt thự, căn hộ trung và cao cấp tại các đô thị lớn.
Theo tính toán của BTC, nếu áp dụng theo phương án thứ hai, người sử dụng căn nhà có diện tích sàn đến 200 m2, giá xây dựng là 5 triệu đồng/m2, thì mỗi năm cũng chỉ phải nộp 200.000 đồng tiền thuế nhà.
Ngoài thuế nhà ở, tổ chức, cá nhân còn phải nộp thuế đất. Khác với cách tính thuế hiện hành là thuế đất được tính dựa trên thuế sử dụng đất nông nghiệp với mức đóng không đáng kể, BTC dự kiến trình Chính phủ áp mức thuế suất 0,05% giá trị mảnh đất đối với đất ở và đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp.
Nếu tính theo phương án này thì số thu từ thuế đất (chưa tính số thu từ thuế nhà) sẽ đạt ít nhất 2.272 tỷ đồng/năm, bằng 2,7 lần số thu từ nhà đất năm 2008.
Ngoài phương án này, BTC còn kiến nghị thu thuế đất theo phương án khác, theo đó vẫn thu 0,05% giá trị mảnh đất đối với đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp và đất ở trong hạn mức, phần diện tích đất ở vượt hạn mức sẽ bị áp thuế suất gấp đôi là 0,1%.
Với phương án như vậy, chỉ riêng tiền thuế đất sẽ đóng góp cho ngân sách hàng năm ít nhất 2.290 tỷ đồng, gấp 2,4 lần số thu của năm 2009 đã được Quốc hội thông qua.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giá đất mà Nhà nước công bố hàng năm (làm cơ sở để tính thuế, lệ phí trước bạ, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...) mặc dù có điều chỉnh, nhưng chỉ bằng 30 - 50% giá đất thực tế giao dịch trên thị trường.
Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, bà Hường đề nghị hàng năm các địa phương phải xác định giá đất theo sát giá thị trường.
Nếu việc xác định giá đất đúng theo giá thị trường, khi Luật Thuế nhà đất có hiệu lực (dự kiến vào ngày 1/1/2011), thì số thu từ đất hàng năm không dừng ở con số 2.290 tỷ đồng như cách tính trên. Điều này cũng đồng nghĩa với đóng góp của người dân từ thuế nhà đất sẽ tăng mạnh.
Đơn cử, nếu áp dụng theo phương án này, người sử dụng căn nhà có diện tích sàn 200 m2 tại nhiều vị trí tại Hà Nội và TP.HCM, hàng năm ngoài phải nộp 200.000 đồng tiền thuế nhà, còn phải nộp thêm ít nhất 1,25 triệu đồng tiền thuế đất (nếu sử dụng 50 m2 đất), thay vì chỉ nộp tổng cộng khoảng 400.000 đồng như hiện nay.
Theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, nếu được thông qua, Luật Thuế nhà đất sẽ là công cụ quan trọng không chỉ để tăng thu ngân sách, mà còn góp phần bình ổn thị trường bất động sản, chống đầu cơ.
“Trong bối cảnh thị trường bất động sản mới hình thành và phát triển, Luật Thuế nhà đất phải làm sao chống được việc bỏ đất hoang, bỏ nhà hoang, đầu cơ mua nhà, đấu giá quyền sử dụng đất rồi để đấy chờ thị trường lên bán để thu lợi, chứ không nên đánh vào người sở hữu nhiều nhà, nhiều đất nhưng vẫn sử dụng dưới hình thức nào đó như để ở, kinh doanh, cho thuê”, ông Lịch phát biểu và cho rằng, việc đầu tư vào nhà đất để cho thuê, kinh doanh cần khuyến khích, không nên đánh thuế nhà đất và nên điều tiết bằng các luật thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Nếu Luật Thuế nhà đất được thiết kế theo hướng đánh thuế thật cao đối với nhà đất đầu cơ, không đưa vào sử dụng sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ, đồng thời khuyến khích người dân sở hữu nhiều nhà đất đưa tài sản vào hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc cho thuê.
(Theo VnMedia)