Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 19/4/2009 11:15'(GMT+7)

Đất nông nghiệp đang bị biến tướng

Nông dân có ít quyền với đất nông nghiệp

Anh Tăng Xuân Trường, xóm May, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc (Hải Dương) được mọi người trong vùng tôn là đại ca trồng rau”. Vụ đông vừa qua, anh lãi hơn 1 tỷ đồng từ gần 30 mẫu, đất trồng rau hầu hết là đi thuê.

Anh Trường cho biết: “Nếu trồng rau theo cách của tôi, với một sào người nông dân có thể lời tới 1,5 triệu đồng, nếu có nhiều ruộng thì số tiền lời sẽ là hàng trăm triệu. Với diện tích 50-60 mẫu ruộng, mỗi năm vợ chồng tôi thu về hàng trăm triệu là chuyện bình thường”.

Chính vì vậy, ngoài hơn 1 mẫu đất ruộng của bố mẹ và những người thân thích nhất, anh và vợ đã đến từng hộ dân ở xã Gia Xuyên, Tân Hưng - nơi có nhiều đất bỏ không, đặt vấn đề cho thuê để trồng rau, nhưng người dân nhất định không cho thuê mà chỉ... cho mượn. Trồng rau xong cày lại, trả họ là được. Họ bảo, biết thế nào mà cho thuê, đất đai nông nghiệp là “nhạy cảm” lắm.
 

Chưa có quy hoạch rõ ràng về đất công nghiệp, đô thị và nông nghiệp nên nông dân vẫn đang "ngõi" giá đất trồng trọt tăng.


Do vậy, dù anh trả dân 150kg thóc/vụ từ mượn đất, tính ra gấp 4-5 lần thu nhập từ cấy lúa, người dân vẫn không cho thuê. Anh Trường nói muốn có vài trăm mẫu ruộng để làm nhưng đành chịu. Thậm chí, kể cả khi anh bỏ ra nhiều tiền để mua đứt của dân, họ cũng không bán.

Lý giải điều này, TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách Chiến lược PTNN-NT, cho rằng, luật pháp và chính sách đất đai hiện hành thiếu minh bạch, chưa rõ ràng, những hành động lấy đất bấy lâu nay của chúng ta làm cho người nông dân, đặc biệt là nông dân Đồng bằng sông Hồng, luôn trong tình trạng sợ sệt, lo lắng, không biết mình bị lấy đất lúc nào.

Theo TS. Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin NN&PTNT, trong khi đất công nghiệp, đô thị rất rõ ràng về mặt sở hữu, thì với đất nông nghiệp điều này thể hiện không rõ ràng. Chính vì thế, việc nông dân dùng giá trị đất để cho thuê, bán hay thế chấp, lấy vốn đầu tư kinh doanh là hạn chế vì đất nông nghiệp không phải tài sản của họ.

Do vậy, người nông dân không có quyền gì nhiều với đất nông nghiệp, mà lẽ ra, đây là tài sản duy nhất họ có thể thế chấp lấy tiền đầu tư sản xuất. Trong khi đó, đất nhà ở, đô thị và công nghiệp hoàn toàn có thể thế chấp được.

Luật Đất đai sửa đổi, ông Bình lập luận, nếu không sửa được về mặt sở hữu thì phải quy định quyền của nông dân lớn hơn trong việc sử dụng đất đai cũng như thời gian sử dụng ổn định, lâu dài.

"Muốn quy định thế nào thì quy định, mục đích cuối cùng phải để nông dân yên tâm đầu tư. Đất đó phải thế chấp được ngân hàng với giá trị thực trên thị trường, mà không sợ bị lấy đi lúc nào và có thể mua bán một cách minh bạch, thoải mái.

Đất đai mà không thành vốn cho nông dân được trong đầu tư thì quy định sở hữu đó không có giá trị và quyền của người nông dân bị hạn chế", ông Bình nhận xét.

Tốc độ tích tụ = tốc độ rút lao động khỏi nông nghiệp

TS. Vũ Trọng Bình nhấn mạnh, cái chính là quá trình tích tụ giờ cấp bách hơn nhưng có giải quyết được vấn đề người dân ở nông thôn hay không?

Nếu rút nông dân ra làm công nghiệp và dịch vụ thì đương nhiên đất tích tụ, nhưng nếu cho tích tụ nhưng lao động nông nghiệp không được rút ra mà lại trở thành người làm thuê, không có đất, bị bần cùng ở nông thôn thì cái đấy là vấn đề cần phải giải quyết.

"Do vậy, tốc độ tích tụ ruộng đất phải bằng đúng tốc độ nông dân rút khỏi nông nghiệp, còn không thì phải xem lại. Chúng ta không phản đối tích tụ nhưng phải tích tụ giải quyết được vấn đề nông dân", ông Bình khẳng định.

Quan trọng hơn, cần tạo ra sự tách bạch giữa các thị trường đất, vốn đang lẫn lộn hiện nay, như đất nông nghiệp lẫn lộn đất công nghiệp, đô thị nên giá bị đội lên.

Ở Việt Nam, nông dân vẫn hy vọng mai sau đất nông nghiệp thành đất đô thị nên đất nông nghiệp bị biến tướng, nửa nông nghiệp nửa đô thị, giá bị đẩy lên tiếp cận thị trường đất đô thị, làm cho nông dân không thể tích tụ được ruộng đất.

Điều này chỉ có thể giải quyết bằng cách quy hoạch rõ ràng, công bố minh bạch, tách đất nông nghiệp ra khỏi đất đô thị, công nghiệp để giá đất nông nghiệp tụt xuống.

Đừng để ông đầu cơ đất thắng

Nếu tích tụ đất mai sau làm trang trại, dịch vụ thì đó là tích tụ để đầu cơ, chứ không phải cho sản xuất nông nghiệp. "Chúng ta không phản đối người khác tích tụ nhưng nên ưu tiên cho người trực tiếp làm nông nghiệp, người gắn bó với mảnh đất thì mới ổn định cuộc sống xã hội", ông Bình nói. 

Theo ông Bình, nói hạn điền cản trở tích tụ cũng không hoàn toàn đúng. Qua một số nghiên cứu, tổng kết cho thấy số lượng nông dân có diện tích tiếp cận với hạn điền hoặc trên hạn điền là rất ít.

Chẳng hạn tại Đồng bằng sông Cửu Long, con số này chỉ dưới 1%, Đồng bằng sông Hồng còn thấp nữa. Bức xúc hạn điền cứ cho là của 1% nông dân nhưng 99% còn xa mới với tới hạn điền.

Ông Bình cho rằng, cũng không nên giới hạn hạn điền bởi không giải quyết được vấn đề, cái chính là khi giới hạn người ta vẫn tích tụ, mua bán và quá trình này lại diễn ra ngầm, khó kiểm soát. Vì vậy, nên có những điều kiện kèm theo việc tăng hạn điền, không phải là thuế.

Chẳng hạn, khi xây dựng trang trại lớn, người chủ hoặc quản lý trang trại phải có trình độ, sản phẩm phải đạt chất lượng; tài chính, thuế cũng cần minh bạch, lao động có hợp đồng, mua bảo hiểm nông nghiệp... tức là điều kiện của một nền nông nghiệp hiện đại.

Quan điểm của TS. Vũ Trọng Bình là nếu tích tụ ruộng đất từ bao nhiêu hecta trở lên thì anh phải là nông dân, có chứng chỉ, được công nhận nghề nghiệp, như vậy sẽ loại bỏ được những đối tượng lắm tiền nhiều của.

"Một ông Hà Nội lắm tiền về cạnh tranh với một ông ít tiền hơn ở nông thôn, nếu cùng trên một thị trường, chắc chắn anh nông dân sẽ thua. Mà cái ông lẽ ra sống dựa vào đất đai thì lại thua, ông đầu cơ thì lại thắng. Nhà nước nên hỗ trợ cho vay vốn để người dân tích tụ, nếu người Hà Nội muốn tích tụ thì về làm nông dân đi", ông Bình phân tích.

Mô hình doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, rất khác với việc nông dân trực tiếp làm việc. Doanh nghiệp theo đuổi mục đích lợi nhuận, trong khi trang trại không hẳn là lợi nhuận mà phải đảm bảo cuộc sống cho người khác.

Trên thực tế, nhiều DN Việt Nam liên doanh nước ngoài đã mất hết. Nguy cơ này cũng có thể xảy ra nếu nông dân góp đất vào DN, họ có thể mất sạch. Như vậy, nông dân phải trực tiếp quản lý trang trại, sản xuất, trực tiếp tính toán.

"Ở tất cả các nước, DN nông nghiệp chỉ sản xuất những sản phẩm liên quan đến công nghệ cao và con giống, dịch vụ cung ứng cho nông dân, còn sản xuất hàng thương phẩm thì kể ở các nước nhỏ, kể cả nước lớn là Mỹ, vẫn là những nông trang", ông Bình đúc kết.

(Theo VietNamNet)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất