Thứ Bảy, 21/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 17/11/2017 20:39'(GMT+7)

Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của các nhà giáo tiêu biểu

Đồng chí Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì buổi gặp gỡ.

Đồng chí Tất Thành Cang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM chủ trì buổi gặp gỡ.


Các nhà giáo cho rằng, giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã có sự phát triển rõ nét với những thành tựu nhất định, tuy nhiên để phát triển bền vững, cần có chế độ đãi ngộ thật tốt để giáo viên yên tâm, gắn bó, dành nhiều tâm huyết với nghề. 

Ông Phan Văn Quang, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Bình bày tỏ mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế riêng để nâng cao thu nhập cho đội ngũ làm công tác giáo dục. Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh đang hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, do vậy cũng cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với định hướng này. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, giao quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường kiểm tra giám sát. 

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho rằng chọn hướng đi tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao thu nhập giáo viên là đúng đắn và tất yếu. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, giáo dục nghề nghiệp gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ. Thành phố nên có lộ trình để các trường từng bước tự chủ và có sự hỗ trợ ban đầu đối với các trường trong thời gian nhất định. Mặt khác, cần có chính sách để doanh nghiệp cùng tham gia vào các chương trình đào tạo của trường, hỗ trợ nhà trường đưa sinh viên, giảng viên đi thực tế tại các doanh nghiệp. 

Trao đổi với các đại biểu, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Thành phố xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, vì vậy dù ngân sách đang trong điều kiện khó khăn nhưng thành phố luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Mỗi năm, thành phố xây dựng mới hơn 1.000 phòng học, phấn đấu đến năm 2020 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Thành phố cũng đã hoàn tất quy hoạch quỹ đất cho phát triển mạng lưới trường lớp ở các quận, huyện. Tuy nhiên, với tốc độ tăng dân số cơ học cao, số học sinh tăng nhanh thì quy hoạch này không đáp ứng tiến độ thực hiện mục tiêu trên. Do vậy hiện nay các ngành và địa phương đang tiếp tục khảo sát và dành thêm quỹ đất, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trường học. 

Thành phố cũng đã thực hiện nhiều chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; hỗ trợ giáo viên mầm non; hỗ trợ viên chức y tế trong trường học, giáo viên giảng dạy học sinh khuyết tật... Sắp tới, cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho giáo viên các bậc học khác đang công tác trên địa bàn. 

Đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của đội ngũ nhà giáo đối với sự phát triển của thành phố, đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố sẽ tiếp thu và chỉ đạo giải quyết một cách nhanh chóng và phù hợp nhất; đặc biệt là việc giải quyết những bất cập trong chế độ tiền lương cho giáo viên, phụ cấp cho cán bộ quản lý ngành giáo dục. Lãnh đạo thành phố tin tưởng và kỳ vọng đội ngũ nhà giáo sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố trong quá trình phát triển bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất