Thứ Hai, 25/11/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 14/11/2017 16:21'(GMT+7)

Trao giải Cuộc thi viết "Tấm gương nhà giáo Việt Nam 2017"

Các tác giả đoạt giải đặt biệt.

Các tác giả đoạt giải đặt biệt.

Sáng nay 14/11 tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổng kết và trao giải cuộc thi viết 'Tấm gương nhà giáo Việt Nam 2017'.

Cuộc thi viết “Tấm gương nhà giáo Việt Nam” năm 2017 nhằm tôn vinh và tri ân những tấm gương nhà giáo có cống hiến xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, biểu dương và nhân rộng gương điển hình tiên tiến trong ngành GD&ĐT, khơi dậy những giá trị nhân văn và phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam. Cuộc thi cũng là hoạt động chào mừng 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017); chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XV.

Tác phẩm dự thi là những câu chuyện có thật, sinh động về tấm gương thầy giáo, cô giáo gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu, những gương nhà giáo vượt khó phấn đấu vươn lên, tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thi đua “Dạy tốt, học tốt” và “Đổi mới sáng tạo trong dạy học”; về những hi sinh thầm lặng, tấm lòng nhân hậu, nghĩa cử cao đẹp, tài năng, sự cống hiến đặc biệt đối với ngành giáo dục và xã hội.

Những gương mặt nhà giáo trong các tác phẩm dự thi đầy ắm tình cảm và sự chân thành, như câu chuyện của cô giáo mầm non Trần Thị Hồng Thái có chồng là lính hải quân đồn trú tại đảo Trường Sa lớn. Nhà nghèo nhưng cô lại bị mắc căn bệnh ung thư quái ác. Sau mỗi đợt xạ trị, cơ thể mệt mỏi đau đớn rã rời như cô vẫn đứng lớp đều đặn và không ngừng tìm tòi ra các cách dạy hay, những phương pháp giáo dục trẻ lôi cuốn hấp dẫn. Cô tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp trường, rồi cấp huyện và đoạt các giải cao. Hay như câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm, trong một lần đi vận động học sinh đến lớp cô bị chiếc xe tải tụt dốc cán nát một chân. Có thể tai nạn đó khiến cho ai đó gục ngã nhưng với cô giáo Minh Tâm như càng kiên cường hơn. Cô không xa rời bục giảng đã đành cô còn đến với những mảnh đời bất hạnh để truyền thêm cho họ nghị lực sống. Điển hình khác là nhân vật thầy giáo Mai Văn Vân, nhân vật tác phẩm dự thi khi nằm xuống chỉ mong được đi qua trường lần cuối. Năm 1981 thầy Vân tình nguyện về nhận nhiệm vụ tại Cù Lao Dung, một vùng đất huyền thoại đã được đi vào bài ca Du kích Long Phú, khi đó An Thạnh 2 chưa có trường cấp 2, chưa có học sinh, chưa có giáo viên. Thầy đã đến từng ấp để vận động học sinh ra lớp, sau nhiều ngày vận động đã có 34 em theo thầy đến lớp. Chưa có lớp học thì thầy trò xin cây xin lá về dựng lớp trên bãi đất hoang... Một ngôi trường đã được hình thành như thế một lớp, một thầy. Thầy xứng đáng được tôn vinh như những anh hùng mở mang sự nghiệp giáo dục đến vùng sâu, vùng xa... 

Cuộc thi được khởi động từ tháng 4/2017, trải qua vòng sơ khảo tại các tỉnh, thành phố, các trường đại học và các cơ sở giáo dục, từ khoảng 7.000 bài viết, Ban giám khảo đã lựa chọn được 325 bài viết xuất sắc vào vòng chung khảo cấp toàn quốc (trong đó có 294 bài nhà giáo viết về nhà giáo, 28 bài học sinh viết về nhà giáo).

Nhận xét về Cuộc thi, Trưởng ban Giám khảo nhà văn Y Ban đánh giá: "Làm giám khảo cuộc thi này chúng tôi lại có được một trải nghiệm như sự thâm nhập thực tế sống động vào cuộc sống, nghề nghiệp của nhà giáo Việt Nam, trải dài từ cao nguyên núi đá Hà Giang đến Cà Mau. Sự nghiệp giáo dục của chúng ta đôi khi còn vấp phải sự phản đối từ dư luận xã hội, cha mẹ học sinh... một phần là do họ chưa hiểu sâu, hiểu đúng về những thầy cô giáo âm thầm ngày đêm với sự nghiệp trồng người. Chính các cuộc thi như thế này sẽ mang đến cho xã hội một cái nhìn thấu đáo để tôn vinh sự cao đẹp và tạo ra một sự cảm thông và bao dung về những thầy cô giáo của chúng ta".

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét: Các bài viết đã phản ánh chân thực những cống hiến thầm lặng của rất nhiều nhà giáo, dù ở cương vị nào, là cô giáo mẫu giáo, dạy học tình thương hay một giáo sư tên tuổi… Tất thảy những hy sinh thầm lặng đó đã tạo dựng dạy dỗ nên những thế hệ tuổi trẻ. Cuộc thi là cuộc tôn vinh kép. Ban Giám khảo lọc tìm những bài viết hay, chân thực, đồng thời cũng tử những bài viết đó, tìm ra những chân dung nhà giáo tiêu biểu. Tôn vinh những người thầy, các cây bút cũng giúp cho chúng ta có được những nhìn nhận thực tế, nhận chân được những giá trị nhân văn từ các môi trường giáo dục. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức được một cuộc thi đầy ý nghĩa. Rất nên phát huy.

Ban Tổ chức đã trao 2 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 24 giải Tư. Ban Tổ chức cũng quyết định trao các giải phụ gồm: 1 giải dành cho người dự thi là khiếm thị và 1 giải dành cho người dự thi nhỏ tuổi nhất./.

Nguyễn Tùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất