Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 14/9/2012 21:37'(GMT+7)

Thường vụ Quốc hội góp ý đề án lấy phiếu tín nhiệm

Đề án được xây dựng nhằm tạo điều kiện để Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thay mặt nhân dân giám sát những người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; qua đó, tăng cường trách nhiệm của những người này, đồng thời, cụ thể hóa một bước quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến pháp và pháp luật quy định theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; gắn kết việc lấy phiếu tín nhiệm với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm...

Dự thảo Đề án cũng nêu rõ Quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cần được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, chặt chẽ, thận trọng, có cơ sở pháp lý, bảo đảm sự ổn định của bộ máy Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ; ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để gây khó khăn cho việc thực hiện công tác cán bộ của Đảng.

Thảo luận về Đề án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc xây dựng Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; đồng thời tham mưu, giúp Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tìm ra các giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần đưa các quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống.

Việc xây dựng Đề án cũng phù hợp với yêu cầu và để triển khai Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến thẳng thắn, cởi mở về quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Các nội dung được tập trung thảo luận là phạm vi những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm; định kỳ lấy phiếu tín nhiệm; tiêu chí đánh giá, mức độ thể hiện sự tín nhiệm; định kỳ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm; xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm...

Đa số ý kiến tán thành với phương án đối tượng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, phù hợp với yêu cầu tổng quát của Nghị quyết Trung ương 4 là tập trung vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Ở Trung ương là từ cấp Bộ trưởng trở lên, ở địa phương gồm thường trực Hội đồng Nhân dân và các thành viên Ủy ban Nhân dân. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm theo phương án này sẽ có tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến tán thành việc tiến hành định kỳ hằng năm theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Có ý kiến đề nghị chỉ lấy phiếu tín nhiệm từ năm thứ hai kể từ năm được bầu hoặc phê chuẩn và không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm năm cuối cùng của nhiệm kỳ. Cũng có ý kiến đề nghị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ vào thời gian giữa và cuối nhiệm kỳ.

Liên quan đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm để làm căn cứ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm và thực hiện công tác cán bộ, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự khác nhau giữa hai cấp độ “lấy phiếu tín nhiệm” và “bỏ phiếu tín nhiệm.”

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hai giai đoạn trong một quy trình dân chủ, chặt chẽ, công khai. Lấy phiếu tín nhiệm nhằm xin ý kiến thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp và luật.

Hai tiêu chí cơ bản làm cơ sở cho việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm gồm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc. Mức độ thể hiện sự tín nhiệm được chia theo các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Bỏ phiếu tín nhiệm được tiến hành với thủ tục, quy trình chặt chẽ hơn, theo quy định của Hiến pháp, luật, quy chế; thể hiện quyền của đại biểu lựa chọn: Tín nhiệm hay không tín nhiệm.

Tán thành sự cần thiết của việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh cần rất thận trọng, chặt chẽ, có bước đi phù hợp để vừa đạt hiệu quả vừa giữ sự ổn định, đúng độ, không gây xáo trộn; tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ với quy trình, thủ tục, cách thức đơn giản, rõ ràng, tránh hình thức.

Có ý kiến cho rằng một trong những khâu quan trọng cần quan tâm là việc cung cấp thông tin như thế nào để đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân có cơ sở thuận lợi để đánh giá, thể hiện mức độ tín nhiệm một cách chính xác, khách quan, công bằng, không cảm tính./.

Thanh Hòa - TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất