Nghiên cứu của EU dựa trên những đánh giá về hoạt động sáng tạo,
những điểm mạnh và điểm yếu một cách tương đối trong các hệ thống đổi mới sáng
tạo của 27 quốc gia thành viên.
Theo báo cáo 2013, các quốc gia sáng tạo
nhất đều có chung một số điểm mạnh, như các hệ thống nghiên cứu và sáng tạo quốc
gia đóng vai trò chủ chốt đối với hoạt động kinh doanh cũng như vai trò lĩnh vực
giáo dục.
Báo cáo nghiên cứu năm 2013, nhấn mạnh, mặc dù Thụy Sĩ không
phải quốc gia thành viên EU, song nước này vẫn tiếp tục vượt trội tất cả các
quốc gia châu Âu khác với các điểm mạnh như các hệ thống nghiên cứu có sức lôi
cuốn, tuyệt vời và rộng mở.
Thụy Sĩ nổi trội ở ba chỉ số hàng đầu như
các tài sản sở hữu trí tuệ, phạm vi tác động của những sáng kiến đổi mới và
những ảnh hưởng về kinh tế.
Tuy nhiên, Thụy Sĩ vẫn còn điểm yếu tương
đối như tỷ trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tham gia vào hoạt động đổi
mới sáng tạo, sự hợp tác của SME với các khu vực khác và hoạt động xuất khẩu
dịch vụ gia tăng giá trị phần mềm.
Kết quả dẫn đầu của Thụy Sĩ được đánh
giá không phải là bất ngờ.
Báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2012-2013 của
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đã xếp Thụy Sĩ dẫn đầu trong lĩnh vực sáng
tạo nhờ hệ thống giáo dục, mức chi tiêu cao của các công ty hoạt động R&D
(Nghiên cứu và phát triển), việc hợp tác chặt chẽ giữa giới trí thức và khu vực
doanh nghiệp.
Theo báo cáo của WEF, trong 4 năm liên tiếp, Thụy Sĩ giữ
vị trí quán quân về một số lĩnh vực như thị trường lao động hiệu quả, môi trường
kinh tế vĩ mô ổn định.
Hoạt động đổi mới sáng tạo luôn đóng vai trò trung
tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm mới và chất lượng, đồng thời có
tầm quan trọng hàng đầu để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy
nhiên, một nền kinh tế không thể đổi mới và sáng tạo nếu không đầu tư thời gian,
nỗ lực cũng như các nguồn tài lực và nhân lực trình độ cao./.
Theo TTXVN