Quan
chức Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề Triều Tiên Grigory Logvinov kêu
gọi các bên "kiềm chế và thể hiện trách nhiệm tối đa, không bên nào vượt
quá giới hạn". Ông Logvinov nhấn mạnh Nga "không thể tiếp tục thờ ơ khi
căng thẳng leo thang tại biên giới phía Đông của Nga", đồng thời cho
biết Nga đang "tham vấn chặt chẽ" với các bên đối tác trong tiến trình
đàm phán sáu bên là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bà
Caitlin Hayden, cho biết Mỹ đang nghiêm túc xem xét đe dọa chiến tranh
của Triều Tiên và sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc. Theo
bà Hayden, Mỹ sẽ cân nhắc các biện pháp bổ sung đối phó với đe dọa của
Triều Tiên, trong đó có kế hoạch tăng cường hệ thống đánh chặn mặt đất,
triển khai rađa cảnh báo sớm và duy trì theo dõi thường xuyên tại Mỹ.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Pháp Philippe Lalliot cho biết Pháp quan ngại sâu sắc về tình hình trên
bán đảo Triều Tiên. Pháp yêu cầu Triều Tiên thực thi các cam kết quốc tế
nhằm giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ các nghị quyết liên quan của
Liên Hợp Quốc, cũng như nhanh chóng nối lại các cuộc đối thoại.
Hiện tại, về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn
đang trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 -
1953 mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không có hiệp
ước hòa bình.
Chỉ vài giờ sau khi tuyên bố "bước vào tình trạng
chiến tranh" với Hàn Quốc, Triều Tiên đe dọa sẽ đóng cửa khu công nghiệp
chung Kaesong, nếu Seoul tiếp tục có các hành động xúc phạm Bình
Nhưỡng. Khu công nghiệp Kaesong được thành lập năm 2004 tại TP biên giới
Keasong của Triều Triên và được coi là biểu tượng cho sự hợp tác liên
Triều. Hiện ở đây đang có khoảng 120 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động, sử
dụng khoảng 50.000 lao động Triều Tiên.
Theo Bảo Trâm/Chinhphu.vn