'
Hoạt động đờn ca tài tử của các nghệ sỹ Tiền Giang
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, tạo điều kiện về vật chất và tinh thần cho hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Trong đó, phê duyệt Đề án Phát triển văn học, nghệ thuật Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2024; Đề án Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020; quyết định thành lập Giải thưởng văn học, nghệ thuật Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân (năm 2011), định kỳ 5 năm xét khen thưởng một lần (theo nhiệm kỳ đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật) cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh có nhiều đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật của tỉnh, đến nay đã xét trao giải thưởng 2 lần, có 40 tác giả nhận giải thưởng. Hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh diễn ra đúng với đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) của tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật trên địa bàn như: cấp giấy phép hoạt động trưng bày, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật theo đúng quy định hiện hành.
Từ năm 2011 đến nay, Sở VHTT&DL đã thực hiện đề tài nghiên cứu được Bộ VHTT&DL nghiệm thu như: Nghề làm bánh phồng Cái Bè - Tiền Giang; Nghệ thuật xây chầu - đại bội ở Tiền Giang; Các món mắm vùng Gò Công; Nghề làm hủ tiếu ở Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho); Nghề dệt chiếu Long Định (huyện Châu Thành). Năm 2015, Sở VHTT&DL đã lập hồ sơ 5 nghệ nhân đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú và 5 nghệ nhân đã được xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vào năm 2016. Năm 2017, Sở VHTT&DL đã lập hồ sơ 7 nghệ nhân đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú vào năm 2018.
Công tác giới thiệu tác giả, tác phẩm và giao lưu văn hóa, văn nghệ được các ngành văn hóa, văn nghệ quan tâm. Tạp chí Văn nghệ nâng số lượng xuất bản từ 4 số lên 6 số/năm; xuất bản hơn 200 đầu sách của hội viên, gồm: truyện ngắn, ký, thơ, lý luận phê bình văn học,… được phát hành rộng rãi trong tỉnh và giao lưu với các tỉnh bạn trên toàn quốc; tổ chức biểu diễn trên 600 chương trình ca khúc, ca cổ, sân khấu… được giới thiệu qua hình thức biểu diễn, qua sóng phát thanh, truyền hình.
Năm 2008, Website Văn nghệ Tiền Giang đưa vào hoạt động đã giới thiệu rộng rãi trong và ngoài nước hàng nghìn tác phẩm của tác giả Tiền Giang về các loại hình văn học, nghệ thuật cùng các thông tin về hoạt động văn học, nghệ thuật trong tỉnh; tổ chức nhiều cuộc biểu diễn, triển lãm, trưng bày tượng mỹ thuật, ảnh nghệ thuật, thư pháp… trong tỉnh và tham gia các cuộc thi được tổ chức ở các tỉnh bạn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong nước. Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình xây dựng chuyên trang, chuyên mục văn hóa, văn nghệ đăng tải và phát sóng, phát hình giới thiệu, quảng bá tác giả, tác phẩm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của công chúng, tạo sự kích thích sáng tạo và cống hiến của văn nghệ sĩ.
Cứ đến 10/3 Âm lịch hàng năm, nhân dân ở vùng biển Gò Công lại kéo về huyện Gò Công Đông (Tiền Giang)
để dự lễ hội Nghinh Ông.
Hội Văn học - Nghệ thuật quan tâm việc bồi dưỡng nghề nghiệp cho đội ngũ văn nghệ sĩ bằng nhiều hình thức như mở trại sáng tác, tọa đàm, hội thảo… đã thu hút đông đảo hội viên, cộng tác viên tham gia. Từ việc sử dụng quỹ sáng tạo, 10 năm qua, Hội mở gần 150 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho văn nghệ sĩ các chuyên ngành (30 lớp tập huấn sáng tác ca cổ, 15 lớp sáng tác kịch bản và chập cải lương, 8 lớp văn thơ, 9 lớp dàn dựng sân khấu, 12 lớp đào tạo diễn viên trẻ, 5 lớp sáng tác ca khúc, 16 lớp sáng tác ảnh nghệ thuật, 12 lớp biên đạo múa, 12 lớp viết thư pháp, 15 lớp ảo thuật căn bản…).
Ngoài ra, Hội tổ chức 40 trại sáng tác, 60 chuyến đi thực tế sáng tác cho các chuyên ngành; tổ chức 40 cuộc tọa đàm các chuyên ngành văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, lý luận phê bình để nâng cao chất lượng chuyên môn của các chi hội và hội viên; 8 cuộc hội thảo (về đổi mới phương thức quản lý, nâng cao sức sáng tạo văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ Tiền Giang; củng cố và nâng cao hoạt động lý luận phê bình văn học; bản sắc dân tộc trong văn học, nghệ thuật thời kỳ mới; văn học, nghệ thuật với sứ mệnh xây dựng con người Việt Nam mới…). Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo, các học viên được cung cấp kiến thức cơ bản của từng bộ môn, đóng góp thêm nhiều gương mặt mới cho phong trào văn nghệ của tỉnh; giúp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và hội viên nâng cao chất lượng quản lý chuyên môn và kiến thức nghề nghiệp.
Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, số lượng tăng; nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, múa… thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân; chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao; văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội. Tiền Giang hiện có 01 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và 11 đơn vị nghệ thuật hoạt động theo phương thức xã hội hóa.
Thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang và chủ trương “Sáng đèn Rạp hát Thầy Năm Tú” của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong 3 năm 2015 - 2017, Hội Văn học - Nghệ thuật kết hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập hợp trên 500 tài tử trong và ngoài tỉnh, xây dựng 30 trích đoạn cải lương, tổ chức trên 100 buổi biểu diễn giao lưu đờn ca tài tử, thu hút đông đảo tài tử và khán giả mộ điệu đến biểu diễn giao lưu, góp phần khơi dậy mạnh mẽ phong trào đờn ca tài tử của tỉnh; từ tháng 5-2017 đến nay, định kỳ vào tối ngày 17 hàng tháng, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh (thuộc Sở VHTT&DL) tổ chức biểu diễn miễn phí Chương trình nghệ thuật “Dạ khúc tri âm” thu hút đông đảo khán giả dự xem. Đây là hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật cải lương của tỉnh - nơi được xem là cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ.
Đặc biệt, sau 4 đợt phát động cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc thi tìm hiểu 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp nhận hơn 7.200 tác phẩm dự thi trong các loại hình văn học, nghệ thuật thu hút đông đảo văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân tham gia; nhiều bài dự thi đạt giá trị tư tưởng và nghệ thuật đã thể hiện được trình độ nhận thức chính trị, tình cảm của tác giả đối với Bác Hồ, với Đảng rất tâm huyết, sâu sắc, đồng thời đánh thức tiềm năng sáng tác văn học, nghệ thuật của địa phương.
Cùng với hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh cũng phát triển mạnh ở cấp xã, khối cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang. Toàn tỉnh hiện có trên 100 đội văn nghệ quần chúng, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan gắn với các ngày lễ, tết, thu hút nhiều giới công chúng tham dự, tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần tích cực vào công tác xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh có trên 60 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm đờn ca tài tử, tổ chức biểu diễn thường xuyên tại các Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện, Nhà Văn hóa cấp xã.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW các cấp ủy cần quán triệt và tổ chức thực hiện gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của văn hoá, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Tăng cường lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đảm bảo định hướng chính trị đi đôi với vận dụng đúng đắn những đặc trưng của văn học, nghệ thuật; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Văn học - Nghệ thuật, các chi hội chuyên ngành, xây dựng Hội Văn học - Nghệ thuật thật sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao tương xứng với sự nghiệp kháng chiến, công cuộc đổi mới và xây dựng bảo vệ Tổ quốc của nhân dân tỉnh nhà. Nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để thẩm định đúng giá trị tác phẩm và hướng dẫn dư luận xã hội; đấu tranh chống các khuynh hướng sáng tác chạy theo thị hiếu tầm thường hoặc trái với đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng.
Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, chuyên môn, đạo đức cho đội ngũ cán bộ quản lý, trí thức, văn nghệ sĩ; phổ biến thông tin thời sự và những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đồng thời định hướng đúng cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ có sự thống nhất cao về quan điểm, lập trường chính trị làm nền tảng tư tưởng cho hoạt động sáng tác; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ một cách toàn diện, thường xuyên tổ chức cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế nhằm nâng cao tay nghề và tạo cảm hứng sáng tác./.
Tấn Quân - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang