Năm nay, điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều hành động cụ thể để tạo những
"bước tiến" mới có thể bắt kịp với xu thế chung của điện ảnh thế giới. Những hành động nhằm “hút” khán giả tới rạp, nâng cao chất lượng các
sản phẩm phục vụ công chúng, đầu tư cho cơ sở vật chất, đặt hàng làm
phim… là những công việc được quan tâm hơn.
Đầu tư phòng chiếu hiện đại
Khoảng chục năm trước, nhận thấy việc phát hành phim ở Việt Nam đầy
triển vọng, rất nhiều nhà đầu tư đã "nhảy" vào đầu tư, hoàn thiện cơ sở
vật chất để thu hút khán giả. Kết quả là số lượng các cụm rạp, phòng chiếu và số lượt khán giả đến rạp
không ngừng tăng. Đến cuối năm 2017, Việt Nam có 760 phòng chiếu, tăng
32% so với năm 2016.
Đặc biệt, từ tháng 6/2017 ở nhiều cụm rạp CGV, giá vé xem phim 2D giảm
chỉ còn 49.000 đồng/vé, phim 3D còn 69.000 đồng/vé. Các hệ thống rạp
Galaxy, BHD, Lotte Cinema... cũng áp dụng giá vé tương tự hoặc thấp hơn.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
tổng doanh thu phòng vé năm 2017 ở Việt Nam là 3.250 tỷ đồng với 45
triệu lượt khán giả đến rạp xem phim, tăng 16% so với năm 2016 (thống kê
của Cục Điện ảnh).
Bước sang năm nay, các đơn vị phát hành vẫn tiếp tục đầu tư, xây dựng nhiều cụm rạp, phòng chiếu hiện đại, nhằm “hút” khán giả.
Trung tâm chiếu phim quốc gia là doanh nghiệp phát hành phim của nhà
nước là đơn vị rất tích cực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng
các cụm rạp.
Ban đầu, Trung tâm chỉ có ba phòng chiếu phim nhựa và hai phòng chiếu
video. Đến nay, đơn vị đã có 13 phòng chiếu với các định dạng 2D, 3D, 4D
và hệ thống kỹ thuật âm thanh hiện đại. Nếu năm 2012, trung tâm chỉ
thực hiện hơn 16.600 buổi chiếu, hiện nay có thể phục vụ 30.000 buổi
chiếu và 2,3 triệu lượt khán giả/năm. Năm 2017, ước tính tổng doanh thu của Trung tâm đạt trên 172 tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương cho biết, trong năm nay, Trung tâm sẽ triển khai hàng loạt các dự án lớn. Trước mắt, Trung tâm cải tạo cơ bản những phòng chiếu hiện chưa đạt
chuẩn. Khu văn phòng sẽ trở thành các phòng chiếu phim mới, toàn bộ tầng
một được biến thành khu vui chơi giải trí. Dự kiến, Trung tâm sẽ đưa
vào phục vụ công chúng thêm tám phòng chiếu hiện đại vào đầu Xuân 2019.
Mặt khác, với sự ủng hộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Phim
Việt Nam, Trung tâm chiếu phim quốc gia sẽ mở cơ sở mới tại Thành phố
Hồ Chí Minh với ít nhất bảy phòng chiếu; tiến tới xây dựng một cơ sở nữa
tại miền Trung.
Hy vọng trong tương lai không xa, với ba cơ sở phát hành ở cả ba miền
Bắc, Trung, Nam, Trung tâm sẽ thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ chính trị
được giao.
Công chúng yêu điện ảnh cũng sẽ cảm thấy tự hào vì Việt Nam có một cơ sở
phát hành phim của nhà nước hoạt động “ngang ngửa” với các hãng tư
nhân, đơn vị nước ngoài.
Năm nay, tiếp tục đặt hàng làm phim
Trong lễ tổng kết hoạt động ngành điện ảnh năm năm mới đây, tiến sỹ Ngô
Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu rõ, trong năm nay, Cục Điện ảnh
tiếp tục tổ chức các tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị của
đất nước; tập trung xây dựng, trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Dự án
Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện
ảnh.
Mặt khác, ngành đầu tư chiều sâu, tạo nguồn kịch bản các thể loại phim
cho giai đoạn 2018-2020; tăng cường quảng bá điện ảnh thông qua các liên
hoan phim, tuần phim Việt Nam ở nước ngoài…
Vào thời điểm này, Cục Điện ảnh cũng đang gấp rút phối hợp cùng các đơn
vị liên quan triển khai kế hoạch, thực hiện đặt hàng sản xuất phim đảm
bảo đúng quy trình, đáp ứng tiêu chí, chất lượng, nội dung, đề tài đã
được quy định.
Đây là tín hiệu rất đáng mừng với các đơn vị sản xuất, phát hành và cả
những người yêu mến điện ảnh Việt Nam sau ba năm liên tiếp (từ
2015-2017) không có bộ phim truyện nào do Nhà nước đặt hàng được sản
xuất, phát hành, phổ biến.
Tính đến ngày 20/12/2017, Cục Điện ảnh đã giám định 40 kịch bản phim tài
liệu và phim khoa học, 33 kịch bản phim hoạt hình của Hãng phim Tài
liệu khoa học Trung ương, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Hãng phim Giải
Phóng. Cục đã nhận được 19 kịch bản phim truyện do các đơn vị sản xuất
gửi tham dự tuyển chọn kịch bản sản xuất phim từ ngân sách nhà nước.
Cục Điện ảnh cũng đã giám định 21 kịch bản phim truyện có yếu tố nước
ngoài và chỉ đạo sản xuất; nghiệm thu ba phim truyện miền núi và năm
chương trình miền núi dành cho đồng bào dân tộc, miền núi vùng sâu, vùng
xa.
Theo đánh giá của Cục Điện ảnh, năm 2017 có 38 phim Việt ra mắt khán
giả, ít hơn ba phim so với năm 2016. Tuy số lượng phim công chiếu giảm
so với năm 2016, nhưng lượng phim để dành cho năm 2018 lại khá dồi dào
và đa dạng về thể loại cũng như đề tài.
Số phim đang, đã quay xong đến thời điểm giữa tháng 1/2018 lên tới con
số trên 40. Trong số đó, có thể điểm mặt một số phim của những đạo diễn
thời gian qua đã ít nhiều tạo được dấu ấn trong làng phim Việt như “Những tháng năm rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “Em trên 18” và “Chàng vợ của em” của Charlie Nguyễn, “Lật mặt” 3 của Lý Hải, “100 ngày bên em” của Vũ Ngọc Phượng, “Bất tử” của Victor Vũ, “79810” của Dustin Nguyễn...
Bên cạnh đó, năm nay khá nhiều đạo diễn mới như Duy Josep, Đỗ Nam,
Nguyễn Phúc Huy Cương, Phan Minh… xuất hiện cũng hứa hẹn đem lại sinh
khí mới cho phim Việt.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam mới được thành
lập chưa lâu (năm 2015) nhưng bước đầu đã có được tiếng nói trong việc
bảo vệ quyền lợi của các đơn vị phát hành phim trong nước trước hiện
tượng chèn ép, hoạt động kinh doanh trái phép trong lĩnh vực phát hành,
phổ biến phim.
Có thể nói rằng bức tranh điện ảnh đầy màu sắc của Việt Nam trong năm
2018 có những nét phác thảo của năm 2017, thậm chí nhiều năm trước.
Với tất cả những tín hiệu vui trên, hy vọng điện ảnh Việt Nam sớm đủ nội
lực để tiếp tục có bước “bật nhảy” tốt trong năm 2018 và tương lai./.
Mỹ Bình (TTXVN)