ĐIỀU CHỈNH VÀ THÍCH ỨNG VỀ CHIẾN LƯỢC
Mặc
dù chiến lược tổng thể đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố tương đối muộn - một
năm sau khi lên nắm quyền, song những nội dung của chiến lược đã phản
ánh sự quan tâm và gắn kết sâu sắc hơn của Mỹ đối với khu vực. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố ngày 12/2/2022, khẳng định năm mục tiêu mà Mỹ theo đuổi(1):
Một là,
thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở,
nhấn mạnh sự ủng hộ quyền tự quyết và tự chủ phù hợp với luật pháp quốc
tế của các chính phủ trong khu vực, cũng như sự quản lý hợp pháp vùng
biển, vùng trời và các không gian chung được quản lý hợp pháp.
Hai là,
xây dựng kết nối trong và ngoài khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc
Mỹ thúc đẩy năng lực tập thể bằng cách xây dựng mạng lưới các liên minh
mạnh mẽ và hỗ trợ lẫn nhau tại khu vực. Trong đó, nhấn mạnh vào 5 đồng
minh hiệp ước của Mỹ là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và
Thái Lan; đồng thời, bao gồm các đối tác hàng đầu của Mỹ tại khu vực.
Ba là,
thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực. Chiến lược nhấn mạnh việc Mỹ đưa
ra một khuôn khổ kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hỗ
trợ các nền kinh tế khu vực nhanh chóng khai thác, chuyển đổi công nghệ,
bao gồm cả nền kinh tế kỹ thuật số, thích ứng với quá trình chuyển đổi
năng lượng và khí hậu.
Bốn là,
tăng cường an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ cam kết
duy trì sự hiện diện quốc phòng để hỗ trợ hòa bình, an ninh, ổn định và
thịnh vượng tại khu vực.
Năm là,
xây dựng khả năng phục hồi của khu vực đối với các mối đe dọa xuyên
quốc gia. Nhấn mạnh cam kết của Mỹ hỗ trợ các quốc gia trong khu vực ứng
phó với khủng hoảng khí hậu, chấm dứt đại dịch COVID-19 và các mối đe
dọa chung.
Những
mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng đến tại khu vực cho thấy
sự tiếp nối quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được
nêu cụ thể trong các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Bộ Quốc
phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành năm 2019(2). Theo đó, Mỹ
nêu cao sự ủng hộ quyền tự do, không bị ép buộc của các quốc gia trong
khu vực và quyền tiếp cận mở đối với các vùng biển, vùng trời và các
không gian chung khác như không gian mạng; thúc đẩy sự thịnh vượng kinh
tế của khu vực thông qua các lĩnh vực hạ tầng cơ sở, năng lượng, kết nối
số; tăng cường các quan hệ đồng minh, đối tác, củng cố các thể chế và
kết nối khu vực; ứng phó với các nguy cơ an ninh truyền thống cũng như
an ninh phi truyền thống.
Mặc
dù có sự tương đồng về mục tiêu, nhưng cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ
Joe Biden đối với khu vực vẫn có sự khác biệt. Điều này cho thấy sự
điều chỉnh và thích ứng về chiến lược của Mỹ trước những thách thức đặt
ra sau một giai đoạn thực thi tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định tầm quan trọng của sự tương tác và phối hợp với các quốc gia trong khu vực để đạt được các mục tiêu chung.
Mỹ sẽ không nhìn về châu Á đơn thuần như một đấu trường cạnh tranh địa -
chính trị, mà là cách tiếp cận của những nước đồng minh của Mỹ trong
khu vực (cụ thể là của Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc,...). Mỹ cũng
nhấn mạnh vào mục đích không chỉ nhằm tăng cường vai trò của mình, mà
còn củng cố và hướng đến lợi ích chung của khu vực. Những mục tiêu đặt
ra cần có sự hợp tác giữa các nước có chung tầm nhìn trong khu vực. Vai
trò của các đồng minh, đối tác được đề cao, quyết định sự thành công của
các mục tiêu. Điều này đã được minh chứng qua một loạt động thái của
Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi nắm quyền nhằm củng cố và tăng cường
với các nước đồng minh và đối tác tại khu vực, cũng như sự tái tham gia
của Mỹ vào các diễn đàn và các tiến trình đa phương tại đây.
Ngoài ra, chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy sẽ phát triển một mối quan hệ “toàn diện” với các đối tác trong khu vực, chứ không chỉ tập trung vào khía cạnh an ninh. Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)(3)
được đưa ra nhằm bù đắp cho việc thiếu vắng một khuôn khổ hợp tác kinh
tế toàn diện của Mỹ tại khu vực sau khi chính quyền tiền nhiệm rút khỏi
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính Mỹ khởi xướng.
Các quan tâm của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hướng vào việc hỗ trợ khu
vực phục hồi sau đại dịch COVID-19, viện trợ vaccine, tăng cường hợp
tác y tế, chống biến đổi khí hậu và đẩy mạnh hợp tác giải quyết các vấn
đề an ninh phi truyền thống khác. Cách tiếp cận của Mỹ đang tiệm cận hơn
với lợi ích và sự quan tâm của các quốc gia trong khu vực, vốn luôn
theo đuổi một mối quan hệ cân bằng và toàn diện hơn với Mỹ.
Trong quan hệ với khu vực Đông Nam Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục xác định “Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là trung tâm của kiến trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và cam kết sẽ “ủng hộ ASEAN với tư cách là một tổ chức mạnh mẽ, độc lập, dẫn đầu ở khu vực”(4).
Trên
thực tế, quan điểm đặt ASEAN vào vị trí trung tâm của Chiến lược Ấn Độ
Dương - Thái Bình Dương đã được đưa ra dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đó Mỹ xác định “ASEAN đóng vai trò là xương sống của chính trị
khu vực” và bày tỏ sự ủng hộ đối với sự ổn định và thịnh vượng của Đông
Nam Á. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khẳng định tầm quan trọng
của các mối quan hệ đồng minh với Thái Lan và Philippines, cũng như các
đối tác ưu tiên của Mỹ tại khu vực là Indonesia, Malaysia,
Singapore... Bên cạnh việc bảo đảm hỗ trợ cho các nước ASEAN một cách
toàn diện, từ năng lượng, an ninh mạng, thương mại kỹ thuật số đến thúc
đẩy hoạt động kinh doanh, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cam
kết tham gia tích cực các thể chế của ASEAN như Hội nghị Thượng đỉnh
Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc
phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Dưới thời kỳ Tổng thống Mỹ Joe Biden, vai
trò của ASEAN đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực tiếp tục được
đề cao, là động lực dẫn dắt các diễn đàn quan trọng như EAS, ADMM+, ARF
và Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF)(5). Đặc biệt, Tổng
thống Mỹ Joe Biden mong muốn đẩy mạnh và nâng cấp các quan hệ đối tác
trong khu vực. Tháng 5/2022, Mỹ đã tiếp đón 10 nước ASEAN tại Thủ đô
Washington trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm
quan hệ giữa hai bên. Tại đây, quan hệ Mỹ - ASEAN đã được thống nhất
nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11/2022(6).
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thông điệp rằng Mỹ sẽ tôn trọng chính sách và lựa chọn của các nước ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực. Cách
tiếp cận này cho thấy Mỹ nhận thức rõ quyết tâm của các quốc gia Đông
Nam Á mong muốn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tự
quyết, cân bằng và không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh chiến lược
giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Theo đó, Mỹ tôn trọng và ủng hộ những
mong muốn của các nước trong khu vực trở thành một Cộng đồng ASEAN mạnh
mẽ, độc lập và dẫn đầu, hay một khu vực Đông Nam Á hòa bình, không có
vũ khí hạt nhân... Việc Mỹ đang đứng từ góc độ các nước ASEAN để xây
dựng chính sách khu vực của mình được cho là sự bảo đảm của mối quan hệ
song phương gắn kết và bền vững hơn trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội
nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN tại Nhà Trắng, ngày 12/5/2022. (Ảnh:
AFP/TTXVN)
THÚC ĐẨY NHỮNG TRỤ CỘT HỢP TÁC TRONG GIAI ĐOẠN TỚI
Về hợp tác kinh tế
Trụ
cột kinh tế vẫn được đánh giá là một điểm hạn chế trong chính sách Ấn
Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Dưới thời kỳ chính quyền Tổng thống
Mỹ Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi TPP mà không đưa ra phương án thay thế. Đồng
thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng theo đuổi một chương trình nghị sự
thương mại song phương, đi ngược lại với cách tiếp cận của các quốc gia
trong khu vực vốn theo đuổi chủ nghĩa đa phương và liên kết để cân bằng
với các nước lớn trong hoạt động thương mại. Điều này, theo nhận định
của nhiều chuyên gia, đã làm hạn chế kết quả của hợp tác thương mại giữa
Mỹ và các nước trong khu vực.
Cách
tiếp cận kinh tế đa phương đã quay trở lại dưới thời kỳ chính quyền
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tháng 10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa
ra sáng kiến IPEF. Đến tháng 5/2022, nội dung của sáng kiến được xác
định, theo đó, khuôn khổ kinh tế đa phương bao trùm toàn bộ khu vực Ấn
Độ Dương - Thái Bình Dương tập trung vào bốn trụ cột chính(7): 1) Nền kinh tế kết nối:
Nhấn mạnh vào việc Mỹ tham gia toàn diện với các đối tác về nhiều vấn
đề trong lĩnh vực thương mại và theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao về
nền kinh tế kỹ thuật số. Mỹ cũng hướng đến các chuẩn mực mạnh mẽ về lao
động và môi trường, các điều khoản truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp
nhằm thúc đẩy cuộc cạnh tranh về thương mại; 2) Nền kinh tế phục hồi: Mỹ
hướng đến các cam kết về chuỗi cung ứng thông qua việc thiết lập một hệ
thống cảnh báo sớm, cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc trong các
lĩnh vực chủ chốt và phối hợp để đa dạng hóa chuỗi cung ứng; 3) Nền kinh tế sạch: Mỹ ưu tiên các cam kết về năng lượng sạch, trung hòa carbon và kết cấu hạ tầng; 4) Nền kinh tế công bằng: Mỹ
tìm kiếm những cam kết để ban hành và thực thi những cơ chế về thuế,
chống rửa tiền và chống hối lộ hiệu quả, phù hợp với các nghĩa vụ đa
phương hiện có của Mỹ nhằm thúc đẩy một nền kinh tế công bằng.
Như
vậy, mặc dù IPEF không phải là một thỏa thuận thương mại tự do truyền
thống với khả năng tiếp cận thị trường như các nước ASEAN mong muốn,
nhưng vẫn có thể tìm thấy những điểm hợp tác nhiều triển vọng. Trong đó,
những trụ cột liên quan đến chuỗi cung ứng, kết cấu hạ tầng, năng lượng
sạch và trung hòa carbon đều là những lĩnh vực hợp tác đáng quan tâm.
Trên thực tế, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng sản xuất đã được phía Mỹ đề
cập nhiều lần trong khuôn khổ hợp tác thương mại với khu vực. Chuỗi
cung ứng ổn định đã trở thành một ưu tiên của Mỹ trong bối cảnh sự gián
đoạn toàn cầu của chuỗi cung ứng do đại
dịch COVID-19 gây ra. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á đang đóng
vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu và có khả năng
trở thành nguồn cung tiềm năng. Ngoài ra, các nền kinh tế ASEAN cũng
đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tiềm ẩn và có nhu cầu
chuyển đổi sản xuất nhiệt điện than, hướng đến những nguồn năng lượng ít
phát sinh các-bon như điện gió, năng lượng mặt trời, đồng thời tăng
cường sử dụng khí đốt tự nhiên ngoài khơi và khí đốt tự nhiên hóa lỏng
nhập khẩu. Thực tế này giúp đẩy mạnh hợp tác song phương trong tương lai
vì các nước ASEAN cần sự hỗ trợ từ phía Mỹ.
Về hợp tác an ninh hàng hải
Mỹ
và ASEAN cam kết đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hàng hải thông qua các
cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Cả hai bên đều đạt được tiếng nói chung trong
công nhận lợi ích của việc xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn
định và thịnh vượng; nhấn mạnh sự cần thiết theo đuổi giải quyết hòa
bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế;
tầm quan trọng của việc triển khai đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên
ở Biển Đông (DOC); sự cần thiết duy trì và thúc đẩy môi trường thuận
lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hợp tác song
phương trong an ninh biển tập trung vào nhiều lĩnh vực như tìm kiếm và
cứu nạn, an ninh biển và ngăn chặn đánh bắt cá bất hợp pháp, thông tin
liên lạc trên biển, bảo vệ, phục hồi và quản lý bền vững môi trường
biển. Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước ASEAN nâng cao năng lực thực
thi luật pháp hàng hải đa phương, thúc đẩy hợp tác kỹ thuật, chia sẻ
nhận thức, nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức,
chuyên môn.
Hợp tác chống biến đổi khí hậu
Tổng
thống Mỹ Joe Biden đã đặt vấn đề giải quyết những thách thức do biến
đổi khí hậu lên hàng đầu và xem đây là một trong những ưu tiên trong hợp
tác Mỹ - ASEAN. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Mỹ tới khu
vực, những thảo luận liên quan đến chống biến đổi khí hậu được đề cập
thường xuyên. Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN vào tháng
10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản tài trợ trị giá 102
triệu USD để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN, trong đó
20,5 triệu USD được dành cho các sáng kiến Tương lai Khí hậu Mỹ - ASEAN(8). Trong
Tuyên bố chung sau Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN vào tháng
5/2022, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục nhấn mạnh vào
chuyển đổi năng lượng sạch, bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên
nhiên. Các quốc gia Đông Nam Á, vốn đang phải đối mặt với những tác
động nặng nề từ mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực
đoan, đã hoan nghênh các sáng kiến của Mỹ và dành nhiều quan tâm cho
lĩnh vực hợp tác này.
Hỗ trợ khu vực phục hồi sau đại dịch COVID-19
Mỹ
nhấn mạnh vào mục tiêu hỗ trợ khu vực Đông Nam Á phục hồi sau đại dịch
COVID-19 thông qua những cam kết tăng cường các hệ thống và năng lực y
tế của các quốc gia và khu vực; hỗ trợ tài chính cho phòng, chống, chuẩn
bị sẵn sàng và ứng phó với đại dịch; tạo điều kiện tiếp cận công bằng
đối với các dịch vụ y tế và thuốc điều trị an toàn, chất lượng, giá cả
phù hợp; chuyển giao chuyên môn; đầu tư và tăng cường các hệ thống y tế,
tăng cường, đào tạo lực lượng nhân viên y tế của khu vực.
Với
mục tiêu này, thông qua Sáng kiến Tương lai Y tế Mỹ - ASEAN, Mỹ cam kết
dẫn dắt cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19 với khoản tài trợ
có thể lên tới 40 triệu USD cho những nỗ lực mới nhằm thúc đẩy nghiên
cứu chung, tăng cường năng lực hệ thống y tế và phát triển nguồn vốn con
người trong lĩnh vực y tế (9). Mỹ cũng đẩy mạnh chiến dịch
cung cấp vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho Đông Nam Á. Đến
cuối năm 2021, Mỹ cung cấp hơn 42 triệu liều vaccine và hỗ trợ hơn 200
triệu USD cho các nước ASEAN nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19(10).
Tháng 8/2021, Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ
(CDC) của khu vực Đông Nam Á được đặt tại Hà Nội - đây là một trong bốn
văn phòng đại diện của CDC Mỹ trên toàn cầu.
Về các hợp tác an ninh phi truyền thống khác
Các
vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục là một trọng tâm trong hợp tác
Mỹ - ASEAN. Bên cạnh chống biến đổi khí hậu và dịch bệnh, hợp tác an
ninh phi truyền thống giữa hai bên nhấn mạnh vào tăng cường hợp tác
phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong các lĩnh vực, như mua bán
trái phép chất ma túy, buôn bán người, rửa tiền, buôn lậu vũ khí, cướp
biển, chống khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan, tội phạm mạng, tội
phạm kinh tế quốc tế...
Đặc
biệt, tại khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, sự hợp tác và hỗ trợ của Mỹ
tiếp tục được khẳng định nhằm giải quyết các thách thức an ninh phi
truyền thống đặt ra liên quan đến quản lý bền vững nguồn nước và tài
nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nông nghiệp và an ninh lương
thực, an ninh năng lượng, kết nối kinh tế, phát triển nguồn nhân lực.
Sáng kiến Hạ nguồn Mê Công (LMI) do Mỹ khởi xướng năm 2009 đã được nâng
cấp thành Quan hệ đối tác Mê Công - Mỹ (MUSP) năm 2020, theo đó các đối
thoại chính sách định kỳ được triển khai. Điều này cho thấy sự quan tâm
lớn hơn của Mỹ đối với Tiểu vùng và kèm theo là những cam kết mạnh mẽ
hơn giúp tăng cường năng lực và khả năng phục hồi của khu vực Mê Công,
gắn phát triển Tiểu vùng với phát triển toàn diện của ASEAN.
Như
vậy có thể thấy, Mỹ đã có sự thích ứng linh hoạt về mặt chiến lược và
những cam kết theo đuổi một chương trình nghị sự sâu rộng đối với khu
vực. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà phân tích, chính quyền Tổng
thống Mỹ Joe Biden cũng cần đánh giá nhằm khắc phục những hạn chế trong
chính sách đối với khu vực Đông Nam Á. Trước hết, sự chậm trễ
về mặt chiến lược đối với khu vực. Trong năm đầu tiên của chính quyền
Tổng thống Joe Biden, Mỹ chưa đưa ra được một chiến lược Ấn Độ Dương -
Thái Bình Dương mặc dù liên tục khẳng định khu vực này là ưu tiên của
Mỹ. Trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh quốc gia tạm thời được công bố
vào tháng 3/2021, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có
Đông Nam Á, cũng chỉ được đề cập đến một cách thiếu cụ thể. Điều này gây
quan ngại đối với các quốc gia trong khu vực, nhất là các nước Đông Nam
Á, vốn đã bị “bỏ quên” trong nửa năm đầu tiên cầm quyền của chính quyền
Tổng thống Mỹ Joe Biden(11). Theo đó, Đông Nam Á đã không
phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và khu
vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được xếp sau những vấn đề đối nội cấp
bách mà nước Mỹ đang đối mặt.
Hai là,
tầm nhìn chiến lược của Mỹ đối với khu vực đang được định hình bởi cuộc
cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, do vậy các chính sách của chính quyền Tổng
thống Mỹ Joe Biden dù đã có sự điều chỉnh và thích ứng, nhưng vẫn không
tránh khỏi khả năng đặt khu vực vào tình thế chia rẽ, thậm chí mất an
toàn. Đơn cử như việc Mỹ củng cố và thiết lập mới các liên kết an ninh
trong khuôn khổ hẹp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như nhóm Bộ Tứ
(QUAD), Ngũ Nhãn (Five Eyes) hay Thỏa thuận quốc phòng ba bên giữa
Australia, Anh và Mỹ (AUKUS). Điều này gây ra những phản ứng trái
chiều từ các nước ASEAN, trong đó phần lớn nghi ngại về kịch bản leo
thang căng thẳng, quân sự hóa và chạy đua vũ trang trong khu vực. Trong
khi các nước Đông Nam Á muốn ASEAN giữ vai trò trung tâm trong giải
quyết các vấn đề tại khu vực, những liên kết mới này có thể ảnh hưởng
đến vai trò dẫn dắt của khối.
Ba là,
một chính sách kinh tế tổng thể đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình
Dương đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sau nhiều
trông đợi. Mười ba quốc gia trong khu vực, trong đó có 7 nước ASEAN, đã
cam kết tham gia sáng kiến IPEF của Mỹ. IPEF được kỳ vọng giải quyết các
thách thức của thế kỷ XXI chứ không chỉ là một hiệp định thương mại
truyền thống với các điều khoản tiếp cận thị trường. Do vậy, việc hiện
thực hóa IPEF đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên. Trong bối cảnh mà IPEF
mang ý nghĩa biểu tượng là “phương tiện cho sự tái can dự của Mỹ về kinh
tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”(12), sự thực chất của
sáng kiến kinh tế này là điều mà các nước trong khu vực mong đợi từ Mỹ.
Tuy nhiên, các thảo luận về việc triển khai cụ thể khuôn khổ hợp tác này
mới này vẫn đang ở giai đoạn khởi động.
* * *
Như
vậy, trong hơn nửa nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, những
cách tiếp cận mới trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á đã
được triển khai. Trên cơ sở đó, Mỹ nhấn mạnh việc đề cao sự phối hợp
giữa Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á cả về nhận thức và hành động để đạt
được các mục tiêu chung. Sự tôn trọng vai trò trung tâm và dẫn dắt của
ASEAN cũng như quyền tự chủ và tự quyết của tổ chức này đối với các vấn
đề của khu vực được thừa nhận trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Với
cách tiếp cận mới này, các lĩnh vực hợp tác then chốt giữa hai bên đã
được xác định ở một khuôn khổ sâu rộng và thiết thực hơn. Bên cạnh hợp
tác về an ninh, bao gồm an ninh hàng hải và an ninh phi truyền thống,
hợp tác về kinh tế cũng đã được chú trọng hơn và nhìn nhận như một động
lực trong quan hệ Mỹ - ASEAN. Hợp tác nhằm hỗ trợ khu vực phục hồi sau
đại dịch COVID-19, khắc phục những hệ quả của biến đổi khí hậu, hỗ trợ
Tiểu vùng sông Mê Công cho thấy hình ảnh một đối tác Mỹ thực sự quan tâm
đến các vấn đề của khu vực. Mặc dù còn có những hạn chế, song chính
sách của Mỹ đối với khu vực đang mở ra nhiều triển vọng và tiềm năng cho
quan hệ Mỹ - ASEAN trong thời gian tới./.
TS. NGUYỄN KHÁNH VÂN - PGS. TS. NGUYỄN XUÂN TRUNG
Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
_____________________
(1) (4) The White House: Indo - Pacific Strategy of The United States (Tạm dịch: Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương của Mỹ), https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf, tr.8-14.
(2) The Department of Defense: Indo - Pacific Strategy Report: Preparedness, Partnerships, and Promoting a Networked Region (Tạm dịch: Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Sự chuẩn bị, quan hệ đối tác và thúc đẩy một khu vực kết nối), https://media.defense.gov/2019/Jul/01/2002152311/-1/-1/1/department-of-defense-indo-pacific-strategy-report-2019.pdf; US Department of State: A Free And Open Indo - Pacific: Advancing A Shared Vision (Tạm dịch: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Tiến đến tầm nhìn chung), https://www.state.gov/a-free-and-open-indo- pacific-advancing-a-shared-vision/.
(3) (7) The White House: In Asia, President Biden and a Dozen Indo - Pacific Partners Launch the Indo - Pacific Economic Framework for Prosperity (Tạm dịch: Tại châu Á, Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn và mười hai đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng), https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/05/23/fact-sheet-in-asia-president-biden-and-a-dozen-indo-pacific-partners-launch-the-indo-pacific-economic-framework-for-prosperity/.
(5) ASEAN: Plan of Action to Implement the ASEAN - United States Strategic Partnership (2021 - 2025) (Tạm dịch: Kế hoạch Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ (2021 - 2025), https://asean.org/wp-content/uploads/2021/03/15.-ASEAN-US-Plan-of-Action-2021-2025-Final.pdf.
(6) (9) Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam: Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ năm 2022, Tuyên bố Tầm nhìn chung, https://vn.usembassy.gov/vi/hoi-nghi-cap-cao-dac-biet-asean-hoa-ky-nam-2022-tuyen-bo-tam-nhin-chung/.
(8) Thanh Hà: Mỹ sắp công bố chương trình 102 triệu USD tăng cường hợp tác với ASEAN, https://laodong.vn/thoi-su/my-sap-cong-bo-chuong-trinh-102-trieu-usd-tang-cuong-hop-tac-voi-asean-967819.ldo.
(10) Mạnh Hùng: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ, https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/ thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-asean-hoa-ky-609626.html.
(11) Derek Grossman: Biden’s Southeast Asia Policy Still Has Much to Prove (Tạm dịch: Chính sách Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Bai-đơn vẫn còn nhiều điều phải chứng minh), https://www.rand.org/blog/2021/12/bidens-southeast-asia-policy-still-has-much-to-prove.html.
(12) Minh Hải: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý, https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/an-do-duong-thai-binh-duong-tiep-tuc-la-tam-diem-cua-su-chu-y-i657595/.
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)