Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 12/12/2022 10:18'(GMT+7)

Triển vọng không mấy lạc quan của kinh tế toàn cầu năm 2023

Một góc khu chợ ở Nice, Pháp. (Ảnh: Reuters)

Một góc khu chợ ở Nice, Pháp. (Ảnh: Reuters)

Ngày 5/12, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 xuống 1,4% từ mức 1,7% trước đó. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu (GEO) của Fitch Ratings có đoạn: “Dự báo GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh giảm một lần nữa khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc xấu đi”.

Fitch Ratings cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2% “bởi tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng”. Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm từ 4,5% xuống còn 4,1% do “triển vọng phục hồi xây dựng nhà ở suy yếu”.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây cũng cảnh báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có nguy cơ chậm lại do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và kinh tế giảm tốc tại các nền kinh tế lớn. Phát biểu tại Hội nghị Reuters NEXT ngày 1-12, bà Georgieva cho biết, các chỉ số đánh giá gần đây cho thấy nguy cơ kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, ở dưới mức 2%.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2023 xuống còn 2,7%, so với mức dự báo 2,9% được đưa ra hồi tháng 7, trong bối cảnh áp lực từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá lương thực và năng lượng tăng cao.

IMF dự báo hơn 1/3 số nền kinh tế toàn cầu có thể suy giảm trong năm nay hoặc năm sau, trong đó hoạt động kinh tế tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) bị đình trệ. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Trung Quốc phải hứng chịu những gián đoạn liên quan đến đại dịch và sự suy thoái ngày càng sâu sắc của thị trường bất động sản, trong khi đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ cũng đang chậm lại... “Tất cả những yếu tố này buộc chúng tôi phải đưa ra cảnh báo nguy cơ suy thoái đang ngày càng gia tăng”, Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh.

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, thế giới chứng kiến nhiều cú sốc kinh tế. Sau đại dịch COVID-19, nguồn cung hàng hóa toàn cầu không bắt kịp sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng, khiến giá cả leo thang trên toàn thế giới. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức hơn khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát và thảm họa tự nhiên khiến giá lương thực gia tăng. Lãnh đạo IMF thúc giục các nhà hoạch định chính sách tiếp tục chống lạm phát. Tuy nhiên, bà Georgieva cảnh báo thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức sẽ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kéo dài.

Trước đó, ngày 30/11, công ty dịch vụ tài chính Citigroup cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống mức 2%. Các chiến lược gia thuộc Citigroup nêu ra những thách thức kéo dài mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt như đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine vốn đã khiến lạm phát tăng phi mã, buộc các nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Theo các chuyên gia của Citigroup, kinh tế toàn cầu sẽ dần suy yếu khi các quốc gia lần lượt bị cuốn vào vòng suy thoái trong năm 2023.

Có thể thấy, thế giới đang phải trải qua một giai đoạn chưa từng có, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung, năng lượng, cho tới thời tiết cực đoan hay tổng thể hơn là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Những thách thức này tạo ra một môi trường không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời có thể tạo ra những biến động ngoài dự đoán trên các thị trường vốn, tài chính, tiền tệ trên toàn cầu./.

HÙNG HÀ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất