Thứ Ba, 26/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 7/7/2016 9:12'(GMT+7)

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp lớn về công tác xây dựng Đảng; đồng thời xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ, trong đó 2 nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên liên quan đến việc thực hiện 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đề ra, đó là: Vấn đề cấp bách thứ nhất: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Vấn đề cấp bách thứ hai: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Vấn đề cấp bách thứ ba: Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở cần tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Rà soát, tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra nhưng chưa thực hiện, đó là: (1) Quy định về thực hiện dân chủ trong Đảng. (2) Quy định về thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị trong quản lý, sử dụng cán bộ; (3) Xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh và tiêu chí để đánh giá theo chức danh cán bộ; (4) Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương; (5) Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp cần sắp xếp phù hợp, có cơ chế để kịp thời thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. (6) Xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng người tài để tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tham mưu, chuyên gia cấp chiến lược. (7) Thí điểm việc giao quyền cho bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; (8) Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý; (9) Thực hiện quy trình những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. (10) Định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đẩy mạnh thực hiện toàn diện, đồng bộ các nhóm giải pháp mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đề ra

Một là, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải đề ra các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể; kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng phù hợp với tình hình, đặc điểm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, nhất là những khâu, lĩnh vực vừa qua chưa thực hiện, hoặc thực hiện còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra và những vấn đề phức tạp mới phát sinh.

Hai là, các cấp ủy chủ động nghiên cứu, khẩn trương bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của cấp ủy phù hợp với Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của đại hội đảng bộ cấp mình và tình hình thực tế; trong đó, chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy trong công tác nói chung, công tác tổ chức cán bộ nói riêng.

Ba là, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Đồng thời, kiên quyết phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Bốn là, chủ động, kiên quyết, kịp thời đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cơ hội chính trị.

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Kịp thời bổ sung, sửa đổi các quy định, quy chế, tạo điều kiện, cơ sở cho việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Sáu là, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa các nguyên tắc về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu và liên thông giữa các cấp; đẩy mạnh công tác quy hoạch cán bộ, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Đổi mới phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch; đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, có phẩm chất và uy tín, đủ năng lực, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục xây dựng, ban hành và thực hiện cải cách chế độ tiền lương, nhà ở, an sinh xã hội, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, chống bình quân, chống độc quyền, đặc lợi; công khai chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nhân dân giám sát.

Bảy là, thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm trong cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, trọng tâm là kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm theo Nghị quyết, kiểm điểm hằng năm và những vấn đề mới phát sinh liên quan đến trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Tám là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 một cách cụ thể, phù hợp, thiết thực. Chú trọng kiểm tra ở những nơi có vấn đề nổi cộm qua kiểm tra hoặc phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm tra, giám sát tổ chức đảng phải gắn với kiểm tra cá nhân, nhất là người đứng đầu; xử lý nghiêm minh các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chín là, đẩy mạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quy định rõ việc kê khai, công khai và kiểm tra, xác minh về kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp để bảo đảm tính công khai, minh bạch nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, với 3 trụ cột chính là: Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Thứ hai, xây dựng cơ chế vận hành đồng bộ, liên thông, khoa học, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đối với tổ chức đảng: Nghiên cứu, sắp xếp lại mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các đảng bộ khối ở các địa phương; mô hình tổ chức đảng ở các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước theo quy định của Điều lệ Đảng và phù hợp thực tiễn. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế và nhiệm vụ của tình hình mới;

Đối với các cơ quan Nhà nước: Tiếp tục đổi mới hoạt động của Chính phủ theo hướng là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan chấp hành của Quốc hội với nền hành chính trong sạch vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, tinh gọn, hợp lý, hiệu quả. Hoàn thiện quy chế phân cấp cho các địa phương, đồng thời bảo đảm sự quản lý tập trung thống nhất của Trung ương. Thực hiện thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng với các cơ quan chuyên môn của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân; nghiên cứu, mở rộng mô hình Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, nhất là đối với cấp huyện, cấp xã. Đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giữa Ủy ban nhân dân cấp huyện với các sở, ngành cấp tỉnh cho phù hợp và sát thực tiễn.

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo. Tăng thêm tính tự chủ và chủ động trong hoạt động, khắc phục tình trạng “hành chính hóa” để gần dân, sát dân hơn. Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp, quy định về giám sát và phản biện xã hội, cơ chế để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đổi mới cơ chế quản lý và định hướng hoạt động của các hội theo hướng: Khoán kinh phí hoạt động đối với các hội được giao biên chế. Các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự bảo đảm kinh phí hoạt động; Nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với các nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) vềTinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Cụ thể là:

Sớm ban hành quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh cán bộ. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xác định rõ khối lượng công việc của mình, làm cơ sở cho việc giao và quản lý thống nhất biên chế của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện chế độ kiêm nhiệm và nhất thể hóa một số chức danh cán bộ phù hợp. Đẩy nhanh cơ cấu lại và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; có cơ chế, chính sách hiệu quả để thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Đẩy mạnh việc tinh giản biên chế một cách tích cực hơn. Thực hiện tuyển dụng mới không quá 50% số người được nghỉ chế độ và ưu tiên tuyển dụng những người có trình độ chuyên môn cao; tiếp tục thực hiện thí điểm khoán kinh phí hành chính để khuyến khích việc tinh giản biên chế.

Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về“Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá cán bộ. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, đối tượng cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính để đánh giá cán bộ. Đặc biệt, coi trọng và phát huy thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, người trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Quy hoạch cán bộ phải gắn với các khâu của công tác cán bộ, bảo đảm sự liên thông giữa cấp trên và cấp dưới, của đội ngũ cán bộ trong cả hệ thống chính trị; phải bảo đảm phương châm “động” và “mở” và cơ cấu 03 độ tuổi. Kết hợp việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương về địa phương, từ địa phương lên Trung ương với luân chuyển cán bộ từ địa phương này sang địa phương khác. Đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải căn cứ vào quy hoạch và tiêu chuẩn chức danh của cán bộ. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn. Sớm xây dựng chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; có cơ chế, chính sách để phát hiện, thu hút và sử dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.

Đổi mới công tác tuyển chọn, bố trí và sử dụng cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện chế độ bầu cử và mở rộng hình thức bầu cử trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội; cải tiến cách thức tuyển chọn, lấy phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm cán bộ để lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc. Thực hiện việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ, cấp sở trở xuống và giới thiệu nhiều phương án nhân sự để cấp có thẩm quyền xem xét, lựa chọn quyết định. Thực hiện nghiêm quy chế cho thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Cải cách hệ thống chính sách đối với cán bộ. Bảo đảm đồng bộ, thống nhất, công bằng trong thực hiện chính sách cán bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, các đối tượng cán bộ; gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với thẩm quyền, lợi ích của cán bộ; có cơ chế khuyến khích cán bộ công tác ở những địa bàn khó khăn; cải cách cơ bản chế độ tiền lương, tiền tệ hoá tiền lương và các chế độ theo lương; ban hành chính sách về nhà ở, nhà công vụ đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang.

Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tăng cường chất lượng, tinh giản biên chế hành chính. Bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý; các ngạch, bậc công chức, viên chức; tăng cường cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số; khắc phục tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ ở không ít cơ quan như hiện nay./.


Nhật Minh/ Tạp chí Cộng sản
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất