Chủ Nhật, 22/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 16/8/2014 18:1'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Kỳ họp

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Kỳ họp

Ngày 16-8, tại Hà Nội, đã diễn kỳ họp thứ 10 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng). Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp.

Triển khai có hiệu quả những hoạt động về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, kỳ họp thứ 10 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ sau kỳ họp thứ 9 (tháng 3-2014) đến nay, bàn thảo phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2014. Những vấn đề mà kỳ họp lần này cần tập trung bàn thảo kỹ là: Việc thực hiện Đề án khoa học cấp Nhà nước “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – thực tiễn và định hướng phát triển”; chuẩn bị thực hiện Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”; công tác phối hợp thúc đẩy hoạt động lý luận, phê bình và tuyên truyền về văn học, nghệ thuật; cụ thể hóa việc thực hiện Quy chế  hoạt động của Hội đồng nhiệm kỳ Đại hội XI.

Về công tác triển khai, nghiên cứu Đề án khoa học cấp Nhà nước “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – thực tiễn và định hướng phát triển”, Ban Chủ nhiệm đề án, các đề tài đã tiến hành nhiều buổi họp bàn và thống nhất triển khai từng bước, trước mắt triển khai nhiều việc quan trọng như: xây dựng các bước triển khai đề án, đề tài khoa học, đi khảo sát thực tế để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức hội thảo “Quan điểm và phương pháp tiếp cận Đề án xây dựng định hướng lý luận văn nghệ Việt Nam”; phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức tọa đàm khoa học “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”. Những kết quả trên là cơ sở khoa học giúp Ban Chủ nhiệm Đề án xây dựng và triển khai Đề án đảm bảo mục tiêu, tiến độ Ban Bí thư giao.

Về việc chuẩn bị Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”, Hội đồng dự thảo 4 nội dung cơ bản cần tập trung là vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật nhìn từ lịch sử văn học, nghệ thuật thế giới và Việt Nam; Thực trạng đạo đức xã hội ở Việt Nam – những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tác, truyền bá, phê bình văn học, nghệ thuật (mở rộng là đối với công tác tư tưởng); Vai trò của văn học nghệ thuật, trách nhiệm của văn nghệ sỹ tham gia xây đắp những giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, trong việc bồi đắp xây dựng đạo đức con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Về công tác xét, tặng thưởng, hỗ trợ các tác giả có công trình, tác phẩm về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, Hội đã cân nhắc, lựa chọn và ký hợp đồng hỗ trợ theo phương thức đặt hàng 18 tác giả có 30 đề cương công trình, bài viết lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Thường trực Hội đồng đã tổ chức xét, trao tặng thưởng cho các tác giả có tác phẩm (công trình,  bài viết) lý luận phê bình văn học nghệ thuật có giá trị, xuất  bản năm 2013-2014. Thường trực Hội đồng đề nghị các Ủy viên Hội đồng, Chủ tịch các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Hội đồng văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tích cực tham gia và lan tỏa hoạt động có ý nghĩa này.

Các đợt khảo sát của Hội đồng về việc thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị tại Tổng cục Chính trị, Đảng ủy Công an nhân dân, tỉnh Thái Nguyên, Thành ủy Cần Thơ, Khoa Ngữ văn trường ĐH Thái Nguyên và ĐH Sư phạm 2 đã được các địa phương, đơn vị hoan nghênh, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp cấp ủy các cấp, cơ quan quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật nhận thức về vai trò, vị trí văn học, nghệ thuật trong đời sống chính tị, kinh tế - xã hội. Từ đó, quan tâm và chỉ đạo, tạo điều kiện, chăm lo đời sống vật chất cho đội ngũ văn nghệ sỹ, khuyến khích họ tiếp tục sáng tạo, xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Các đơn vị, địa phương cũng đề nghị Hội đồng quan tâm và thường xuyên  trao đổi góp ý, giúp địa phương thực hiện tốt hơn sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật xứng tới tiềm năng của địa phương.

Về một số hoạt động khác của Hội đồng theo Quy chế đã ban hành, đã thành lập 6 tiểu ban chuyên môn theo các lĩnh vực cụ thể, nhưng hoạt động chưa thường xuyên. Việc cung cấp thông tin và báo cáo tình hình trên lĩnh vực được phân công theo dõi chưa kịp thời. Hội đồng cũng đang triển khai xây dựng phòng thư viện – tư liệu, trong đó có tủ sách lý luận Mác-xít.

 
 

Coi trọng các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp, các đại biểu đã tập trung bàn thảo về hoạt động chính của Hội đồng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, trong công tác triển khai nghiên cứu Đề án khoa học cấp Nhà nước “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – Thực tiễn và định hướng phát triển”, cần chú trọng đến “sức sống” hay là hiệu quả của Đề án. Tức là, cần định hướng, gợi cho việc sáng tác, phê bình lý luận văn học, nghệ thuật. Cũng cần đặc biệt chú trọng định hướng, gợi mở cho việc giảng dạy và học tập văn học nghệ thuật, là tiền đề để chuẩn bị một thế hệ văn nghệ sỹ mới.

 
 Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại Kỳ họp

Về công tác hỗ trợ tác giả viết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, với những tác phẩm được hỗ trợ, cần có thời hạn đánh giá, nghiệm thu công trình. Nếu công trình tốt, nên xem xét có tiếp tục để biên tập, ấn hành, phát hành để quảng bá các công trình đó tới người dân hay không? Cần có cơ chế cụ thể, rõ ràng về việc xét, tặng thưởng, tham dự các công trình, tác phẩm được hỗ trợ.

Về Hội thảo “Vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật hiện nay”, các đại biểu đều cho rằng các tham luận tại hội thảo cần có sự liên hệ thực tiễn, nêu tác phẩm cụ thể hoạt động quảng bá, biểu diễn và phê bình cụ thể, tránh chung chung.

Từ nay đến cuối năm 2014, Hội đồng lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật Trung ương tập trung vào các nhiệm vụ chính như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai Đề án khoa học “Lý luận văn nghệ Việt Nam – Thực tiễn và định hướng phát triển”. Ban Chỉ đạo và Ban Chủ nhiệm Đề án sẽ đôn đốc Ban Chủ nhiệm các đề tài, quán triệt quan điểm phương pháp luận nghiên cứu, triển khai đạt tiến độ sớm nhất, chất lượng cao theo kế hoạch năm 2014; hoàn thành khảo sát ở nước ngoài và trong nước; hoàn thành 70% khối lượng các chuyên đề.

Thứ hai, tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc, dự kiến trong khoảng từ ngày 5-15/11/2014; cải tiến hội thảo theo hướng tăng cường thời gian thảo luận ở tổ kết hợp ở Hội trường.

Thứ ba, tổ chức việc xét, trao tặng thưởng các tác phẩm, công trình lý luận, phê bình văn học nghệ thuật có giá trị, xuất bản trong các năm 2013-2014. Thời gian tổ chức tặng thưởng dự kiến vào dịp Tết Nguyên đán 2015.

Thứ tư, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014, dự kiến trong tháng 8-2014.

Thứ năm, tiếp tục khảo sát 5 năm thực hiện tình hình thực  hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và  một số chỉ thị của Ban Bí thư ở một số đơn vị, địa phương.

Thứ sáu, tham gia cuộc đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, đồng chí Đinh Thế Huynh đánh giá cao và biểu dương những công việc Hội đồng đã thực hiện trong những tháng đầu năm qua. Hội đồng đã có những cuộc khảo sát tại các địa phương, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý các hoạt động sáng tác, quảng bá lý luận, phê bình, thúc đẩy công tác đào tạo; đấu tranh chống các quan điểm lệch lạc trong văn học, nghệ thuật. Hội đồng đã chủ động phối hợp với báo chí để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền văn nghệ.

Về phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng chí Đinh Thế Huynh cũng nhất trí với Thường trực Hội đồng và nhấn mạnh một số vấn đề như sau:

Về đề án khoa học “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam – Thực tiễn và định hướng phát triển”, xác định nhiệm vụ bao trùm của Đề án là tổng kết thực tiễn – lý luận văn nghệ nước ta trên các lĩnh vực: nghiên cứu tổng kết đường lối, quan điểm văn nghệ của Đảng ta từ đầu thế kỷ XX đến nay, nghiên cứu tiếp thu quan điểm văn nghệ truyền thống; nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc quan điểm văn nghệ từ bên ngoài, tổng kết thực tiễn hoạt động các loại hình văn học, nghệ thuật. Để từ đó, có kiến nghị xây dựng định hướng phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Để thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn cho Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết mới 23 của Bộ Chính trị về Phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ, Hội đồng cần tổ chức đạt kết quả thiết thực Hội thảo khoa học “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. Cần chú trọng một số vấn đề: vấn đề đạo đức, lối sống trong văn học, nghệ thuật nhìn từ lịch sử văn học Việt Nam và thế giới. Thực trạng đạo đức lối sống trong xã hội Việt Nam hiện nay, những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tạo, truyền bá, biểu diễn, phê bình văn nghệ. Vai trò của văn học, nghệ thuật và trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của văn nghệ sỹ tham gia bồi đắp phẩm chất đạo đức và những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.  Đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng đạo đức, lối sống của con người Việt Nam.

Đồng chí Đinh Thế  Huynh cũng đề nghị Hội đồng cần bàn các giải pháp để đổi mới nội dung và phương pháp, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng, Thường trực Hội đồng và các tiểu ban, bám sát vào các hoạt động sáng tác, quảng bá, biểu diễn, lý luận, phê bình, để tiếp tục tư vấn cho Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật. Nên coi trọng các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ phóng viên, biên tập viên văn nghệ của các cơ quan báo chí.  Tập hợp, động viên lực lượng phê bình văn nghệ, kịp thời có tiếng nói thẩm định, đánh giá, định hướng trước các sự kiện, tác phẩm văn nghệ được công chúng quan tâm.

Thu Hằng


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất