Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 20/5/2010 21:37'(GMT+7)

Tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XII, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo của Chính phủ về “ Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra”.

Phó Thủ tướng Thường trưc Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo trước Quốc hội 

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày một số tình hình của năm 2009, kết quả bước đầu thực hiện nhiệm vụ 2010 và một số giải pháp chủ yếu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Theo đó, tốc độ tăng GDP quý 1 năm 2010 là 5,83% cao hơn so với quý 1 năm 2009 là 3,14% và của cả năm 2009 là 5,32%.

Cả ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều có những chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp quý 1 tăng 13,6%, gấp nhiều lần so với quý 1 năm ngoái (2,1%) và cao hơn kế hoạch năm đề ra là 12%; giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá thực tế) tăng 17,4%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,8%; giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,64%.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm đạt gần 159 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán cả năm và tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó, thu nội địa đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng, bằng 34,6% dự toán cả năm và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực ngoài nhà nước tăng tới 48,4%. Bốn tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ đạt 26% kế hoạch cả năm, nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tăng đáng kể năng lực sản xuất và phục vụ cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô chưa thật ổn định, nhiều khó khăn, thách thức mới nảy sinh. Xuất khẩu từ tháng 4 đến nay đã bắt đầu tăng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Các biện pháp quản lý nhập khẩu thiếu đồng bộ và hiệu quả thấp; nhiều loại vật tư, thiết bị, công nghệ và hàng tiêu dùng trong nước có khả năng đáp ứng được nhu cầu nhưng vẫn nhập khẩu với số lượng lớn. Một số nguồn thu ngoại tệ gần đây đã tăng lên, nhưng do nhập siêu lớn nên cán cân thanh toán tổng thể vẫn còn khó khăn.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 4 tháng đầu năm tăng 4,27% so với tháng 12-2009, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. Trong đó, đáng chú ý là giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ giao thông tăng khá cao, đặc biệt là trong dịp Tết; 4 tháng đầu năm, giá vàng tăng 41,6% so 4 tháng đầu 2009.  

Lãi suất ngân hàng, sau khi Nhà nước dừng các khoản hỗ trợ, đang đứng ở mức cao (tuy gần đây đã có chiều hướng giảm) đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống các định chế tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) chưa thật lành mạnh, tính công khai, minh bạch thấp, còn tiềm ẩn rủi ro.

Chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhất là trong xây dựng thể chế, triển khai, kiểm tra thực hiện các chính sách và trong điều hoà, phối hợp giữa các ngành, các cấp; vẫn còn 24 nghị định hướng dẫn thực hiện các luật và pháp lệnh chưa được ban hành. Phản ứng chính sách trong quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường bất động sản còn lúng túng và chậm; quản lý, điều hành giá một số mặt hàng chưa thật linh hoạt. Việc xử lý những vấn đề xã hội bức xúc như nạn chặt phá và cháy rừng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, chất lượng giáo dục và khám chữa bệnh,... hiệu quả chưa cao.  

Xuất phát từ những kết quả đã đạt được trong những tháng vừa qua, nhất là từ đầu tháng tư đến nay và những triển vọng phục hồi kinh tế trong nước cũng như ngoài nước sắp tới, Chính phủ đề nghị tiếp tục kiên định các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch cả năm 2010 mà Quốc hội đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

Ngay từ những tháng đầu năm nay, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ KT-XH theo Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, tình hình KT-XH 4 tháng đầu năm đã chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá trên hầu hết các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Thị trường trong nước phát triển tốt, doanh thu bán lẻ tăng; đầu tư phát triển được đẩy mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm. Thị trường ngoại hối dần ổn định, tính thanh khoản của thị trường được cải thiện; tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do giảm xuống sát với tỷ giá giao dịch chính thức của các ngân hàng thương mại.

Mặc dù vậy, việc đảm bảo giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát vẫn là một thách thức. Ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Để tăng trưởng hợp lý và kiềm chế lạm phát thì phải lựa chọn ngành sản xuất, lĩnh vực sản xuất, đặc biệt ưu tiên cho xuất khẩu, tháo gỡ các khâu tín dụng cho vay vốn doanh nghiệp. Điều hành để đảm bảo hàng hóa nội địa tốt, cung ứng dồi dào, kích thích sản xuất”.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ sẽ có thời gian 2 ngày rưỡi. Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận về Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo giám sát chuyên đề, giám sát kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam và VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

(Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt lưu ý về những thách thức mới gây áp lực đối với nền kinh tế nước ta, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, nhập siêu trong 4 tháng đầu năm đã ở mức 4,7 tỷ USD, trong khi cán cân thanh toán năm 2009 đã thâm hụt khoảng 8 tỷ USD. Điều này khiến thị trường ngoại hối và tỷ giá có nhiều diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến quản lý công tác xuất nhập khẩu và cân bằng cán cân thanh toán. Mức độ thắt chặt tiền tệ mạnh để giảm độ nới lỏng chính sách tiền tệ, ngăn ngừa lạm phát cao trở lại đã gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất. Việc điều chỉnh giá một số nguyên liệu đầu vào như điện, than, nước, xăng dầu đã tạo hiệu ứng cộng hưởng, đẩy chỉ số CPI tăng cao bất thường, gây tâm lý lo lắng cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những hạn chế trong nội tại nền kinh tế vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH đã đặt ra như: chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện; giá trị gia tăng trong công nghiệp thấp; hiệu số sử dụng vốn cao. Ông Bùi Văn Tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, ủy viên ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH, đề xuất: “Lãi suất đang rất cao so với điều kiện sản xuất của doanh nghiệp. Phải có lộ trình giảm dần lãi suất tiền vay của ngân hàng Thương mại cho doanh nghiệp và nhà sản xuất thì mới tăng xuất khẩu. Từng bước đẩy nhanh chất lượng hàng hóa thông qua kỹ thuật, đặc biệt là khâu chế biến nông sản. Phải có quy hoạch tổng thể cho xuất khẩu trong tương lai, xuất khẩu các mặt hàng chiến lược về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông sản”.

Ông Dương Anh Điền, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng, ủy viên ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao giá trị sản phẩm: “Tiềm năng nâng cao kim ngạch xuất khẩu còn rất lớn. Một số sản phẩm nếu được quan tâm đầu tư chế biến sâu thì chúng ta có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn. Ví dụ chúng ta xuất khẩu quặng ti-tan, giá trị thu lại trên một tấm sản phẩm không nhiều. Mà tiềm năng quặng ti-tan và cát ven biển là rất lớn. Nên chăng chúng ta nhập khẩu một số nhà máy chế biến sâu,  nâng cao giá trị lên 10 lần và đó là giải pháp quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô với một hiệu quả ngày càng cao hơn”.

Tới nay, tác động từ bên ngoài đến nền kinh tế còn nhiều biến cố chưa lường hết. Điều hành bên trong nền kinh tế cũng còn nhiều vấn đề về các chỉ tiêu, nhất là lạm phát, giá trị đồng tiền, tỷ giá. Do đó, điều hành nền kinh tế từ nay tới cuối năm rất quan trọng, trên quan điểm giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô. Cùng với 8 giải pháp cần tập trung thực hiện được Chính phủ đề ra, trong đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng để duy trì tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý, phù hợp với mục tiêu phát triển và yêu cầu kiềm chế lạm phát. Tổ chức tốt việc theo dõi diễn biến cung - cầu và bình ổn thị trường. Rà soát, đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá… Đây cũng là những nội dung quan trọng sẽ được các đại biểu thảo luận trong kỳ họp này.

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri. Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, thay mặt Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm./.

7 nhóm công tác trọng tâm

Xuất phát từ những kết quả đã đạt được trong những tháng qua, nhất là từ đầu tháng 4 đến nay và triển vọng phục hồi kinh tế trong và ngoài nước sắp tới, Chính phủ đề nghị tiếp tục kiên định các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch cả năm 2010 mà Quốc hội đã đề ra. Để đạt được kết quả đó, trong công tác từ nay đế hết năm, Chính phủ tập trung vào 7 nhóm trọng tâm.

Thứ nhất, nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc.

Thứ hai, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

Thứ ba, triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thứ năm, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác phục vụ phát triển đất nước.

Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực điều hành.

Thứ bảy, Chính phủ chỉ rõ, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động từ trung ương đến địa phương và tạo sự đồng thuận xã hội cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2010.

“Chính phủ tin tưởng rằng, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn xã hội, huy động tối đa sức mạnh nội lực, tận dụng tốt nhất ngoại lực, chúng ta sẽ phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu cao quyết tâm của Chính phủ.

Một số chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đề ra năm 2010:

- Tăng trưởng GDP 6,5 %

- Lạm phát 7%

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP...

- Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10% 

TG (Tổng hợp theo: ND, VOV, chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất