Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 1/11/2008 20:30'(GMT+7)

Tiếp tục kiềm chế lạm phát, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế

Các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về một số diễn biến phức tạp gần đây của nền kinh tế thế giới.

Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng khá

Thảo luận báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 do Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, các thành viên Chính phủ cho rằng: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2008 có những chuyển biến tích cực, nông nghiệp phát triển thuận lợi, công nghiệp tăng 15,8%; xuất khẩu 10 tháng qua đạt 53,8 tỷ USD, nhập khẩu 70,1 tỷ USD. Thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài, tháng 10 thu hút hơn 2,1 tỷ USD, tính chung cả 10 tháng thu hút 59,3 tỷ USD, gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn thực hiện là 9,1 tỷ USD.

Các hoạt động dịch vụ phát triển khá tốt. Lạm phát được kiềm chế; tốc độ tăng giá giảm dần; chỉ số giá tháng 9 chỉ tăng 0,18% và chỉ số giá tháng 10 giảm 0,19% so với tháng 9. Chỉ số giá 10 tháng năm 2008 tăng 21,64% so với tháng 12/2007.

Các lĩnh vực tài chính, tiền tệ có chuyển biến tích cực: Lãi suất tín dụng đang từng bước được điều chỉnh giảm là tín hiệu tích cực giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn. Thu ngân sách đạt khá, một số lĩnh vực xã hội có chuyển biến tích cực. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Văn Giàu cho biết: Hoàn toàn có thể yên tâm về mức độ nợ xấu của các ngân hàng thương mại, hiện nay chỉ chiếm trung bình gần 3% tổng dư nợ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chú trọng phân tích các dự báo, điều hành linh hoạt để có hiệu quả cao nhất - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Khủng hoảng tài chính thế giới và những thách thức mới

Các thành viên Chính phủ cùng tập trung phân tích, nhận định: Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đã lan rộng đến các nền kinh tế lớn của nhiều nước châu Âu, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN…và đang có xu hướng lan rộng sang các nước đang phát triển. Một số nước bước vào suy thoái, tốc độ tăng trưởng âm liên tục. Nhiều nước tập trung vào việc giải quyết khủng hoảng, ổn định hệ thống tài chính, thực hiện các chính sách kích thích nhu cầu trong nước.

Do khủng hoảng, nhu cầu tiêu dùng và đầu tư sẽ giảm sút ở tất cả các nước, điều này sẽ tác động đến nước ta. Kim ngạch xuất khẩu, du lịch đang có xu hướng giảm dần; trong những tháng cuối năm xuất khẩu tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, sức mua giảm sút.

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể sẽ chậm hơn tiến độ đã đề ra. Thị trường chứng khoán vẫn trong tình trạng chưa ổn định. Chỉ số Việt Nam – Index giảm mạnh và hiện đang dao động trong khoảng 330 – 340 điểm.

Nguy cơ bão lụt ở các tỉnh miền Trung vẫn còn tiềm ẩn trong những tháng cuối năm; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa khống chế được triệt để và có nguy cơ bùng phát trở lại...Do vậy tốc độ tăng GDP năm nay có thể đạt 6,7%, (báo cáo Quốc hội đạt khoảng 6,5% - 7%); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 64 tỷ USD. Đồng thời với những kết quả kiềm chế lạm phát trong thời gian qua và các cân đối về nguồn hàng khá dồi dào trong 2 tháng cuối năm, trong xu hướng giá thế giới đang giảm, dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm 2008 sẽ tăng khoảng 22% (báo cáo trình Quốc hội dự báo giá tăng khoảng 24%).

Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Làm tốt công tác dự báo và điều hành quyết liệt, linh hoạt

Trước những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ thế giới, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát, chủ động phòng ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội - kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh : Đất nước ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, do vậy trong điều hành của các Bộ, ngành, địa phương phải luôn luôn tính đến các yếu tố tác động của nền kinh tế toàn cầu, chú trọng phân tích các dự báo, điều hành linh hoạt để có hiệu quả cao nhất.

Thủ tướng khẳng định, bên cạnh những yếu tố khó khăn, bất lợi của nền kinh tế thế giới, Việt Nam có những yếu tố thuận lợi như: Chính trị xã hội ổn định, thị trường rộng lớn, lao động không thiếu, nguồn vốn đảm bảo…

Thủ tướng nhất trí với mục tiêu mà các thành viên Chính phủ đã thảo luận là Tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, và cho rằng: Năm 2009 phải phấn đấu quyết liệt để đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6- 6,5%, nếu thuận lợi thì đạt mức cao hơn 6,5%; xuất khẩu cố gắng đảm bảo tăng khoảng 10% và phấn đấu 12%. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, tiếp tục thực hiện 8 nhóm giải pháp đã ban hành, trong đó chú trọng Chính sách tiền tệ phải linh hoạt để đảm bảo mục tiêu vừa kiềm chế lạm phát, vừa duy trì tăng trưởng. Các ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất cho vay; chính sách tỷ giá, thuế phải linh hoạt để kích thích sản xuất, xuất khẩu.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng cần chủ động mở rộng các thị trường nước ngoài, kích thích sức mua trong nhân dân, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản, giữ vững tiến độ các công trình trọng điểm. Năm 2009, giá điện, giá than sẽ điều hành theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cố gắng bảo đảm an sinh xã hội, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân./.

Kinh tế- xã hội 10 tháng đầu năm 2008

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 15,8%; kim ngạch xuất khẩu 53,8 tỷ USD ( tăng 36,7%); kim ngạch nhập khẩu 70,1 tỷ USD (tăng 42,6%); dự kiến năm 2008 nhập siêu 19 tỷ USD (bằng 29,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu); tốc độ tăng tổng mức bán lẻ 30,7%; vốn FDI cấp mới và tăng thêm 59,3 tỷ USD, vốn FDI thực hiện 9,1 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng (so với tháng 12 năm 2007) tăng 21,6%; giải quyết việc làm cho 1,36 triệu lượt người.


 (Cổng TTĐT Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất