Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 6/11/2015 11:20'(GMT+7)

Tiếp tục nhiều ý kiến bất đồng về Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung

Giải quyết thủ tục bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Giải quyết thủ tục bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội.

Đối tượng bị giới hạn

Dự thảo quy định đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, theo phân tích của ban soạn thảo và tổ biên tập dự thảo, đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang là những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nên không áp dụng chính sách này.

Góp ý với quy định về đối tượng này, ông Nguyễn Hùng Cường, Nguyên Phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, một trong những đối tượng của chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung là người lao động có lương hưu thấp. Thực tế, một số nhóm lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chính là những người lao động đang hưởng lương hưu thấp. Việc giới hạn đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung sẽ bỏ qua nhóm đối tượng lương hưu thấp này.

Trước lý giải của ban soạn thảo về việc nếu đối tượng người lao động trong khu vực nhà nước tham gia quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung thì khả năng ngân sách nhà nước đóng góp chi trả cho quỹ bảo hiểm này không khả thi. Các chuyên gia cho rằng, có thể không quy định cả chủ sử dụng và người lao động phải cùng phải đóng vào quỹ mà cho người lao động có quyền tự đóng 100% để có thể “gỡ khó” cho nhóm đối tượng là người lao động trong khu vực nhà nước.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, ban soạn thảo cũng đang lấy ý kiến cân nhắc việc quy định người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tự tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong trường hợp người sử dụng lao động không tham gia vào loại hình này.

Theo dự thảo, đối tượng tham gia quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Thanh Long/TTXVN)


Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, do đây là một chính sách mới nên cần có lộ trình và bước đi thích hợp, trước mắt quy định người sử dụng lao động đóng một phần hoặc toàn bộ phí bảo hiểm hưu trí bổ sung để thể hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như sự gắn kết trong quan hệ lao động, khuyến khích người lao động làm việc lâu dài cho người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, ông Trương Hồng Dương, Vụ Pháp chế (Văn phòng Chính phủ) thì nhấn mạnh, quy định về chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung không chỉ áp dụng cho một nhóm đối tượng mà phải dự báo được cả những đối tượng nảy sinh trong tương lai.

Điều kiện khó khả thi

Trong dự thảo cũng quy định, người lao động và người sử dụng lao động thống nhất việc tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung trong thỏa ước lao động tập thể. Quy định này được các chuyên gia đánh giá là một trong những điều kiện trở ngại khiến việc xây dựng quỹ hưu trí bổ sung khó khả thi.

Ông Trương Hồng Dương cho rằng, dự thảo đề xuất quy định ràng buộc với thỏa ước lao động tập thể nhưng thực tế tỷ lệ doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể là bao nhiêu ngoài những doanh nghiệp lớn. Đưa thỏa ước lao động tập thể liệu có cần thiết hay chỉ cần thỏa thuận của hai bên.

Đồng tình với ý kiến của ông Trương Hồng Dương, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, thỏa ước lao động tập thể là một quá trình thương lượng tương đối phức tạp, hiện nay chỉ 40% doanh nghiệp có công đoàn xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Do đó, việc quy định sự tham gia và đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung phải được nêu trong thỏa ước lao động tập thể sẽ hạn chế số doanh nghiệp và người lao động tham gia quỹ này.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng chỉ nên quy định về việc tham gia và đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung trong văn bản thỏa thuận giữa chủ sử dụng và người lao động chứ không nhất thiết phải trong thỏa ước lao động tập thể để tăng tính khả thi cho quỹ bảo hiểm mới./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất