Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương
lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo. Dự kiến, Thủ tướng sẽ hội đàm với Thủ
tướng Shinzo Abe và diện kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.
Trước thềm chuyến thăm, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với
ông Phan Cao Nhật Anh – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản.
Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chuyến thăm này tới quan hệ Việt Nam-Nhật Bản?
Ông Phan Cao Nhật Anh: Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
chính thức thiết lập từ năm 1973, đến nay đã 44 năm. Hiện nay quan hệ
hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng
Shinzo Abe trở lại cầm quyền lần thứ 2 và ngay sau đó có chuyến thăm đầu
tiên ra nước ngoài là tới Việt Nam vào năm 2013, đến nay, năm nào hai
nước cũng có cuộc gặp cao cấp của lãnh đạo hai bên.
Năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe.
Cũng trong năm này, mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đã trở thành
quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sang Nhật Bản và gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe.
Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sang Nhật Bản để tham dự Hội nghị G7, Hội nghị các nước công nghiệp phát triển mở rộng.
Năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản đã thăm Việt Nam và tiếp đó là chuyến
thăm của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Tới đây sẽ là chuyến
thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Có thể nói rằng, chuyến thăm này có vai trò quan trọng, tiếp tục thúc
đẩy, tăng cường mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và làm sâu sắc thêm, xứng
tầm với tầm đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu
Á.
Được biết Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam,
là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam. Theo ông, với tiềm
năng của Việt Nam hiện nay đã thật sự thu hút đầu tư của Nhật Bản hay
chưa?
Ông Phan Cao Nhật Anh: Trước hết có thể khẳng định,
Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư từ Nhật Bản. Việt Nam như
là cầu nối giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Việt Nam có dân số trẻ, dồi
dào nguồn nhân lực, giá nhân công tương đối rẻ, phù hợp với Nhật Bản.
Chính vì vậy, sự hợp tác giữa hai bên sẽ có lợi cho cả hai và tăng cường
phát triển kinh tế cho mỗi nước.
Hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều đổi mới, đã có sự phát
triển và đạt được thành tựu tương đối khả quan. Đó là đã có sự thay đổi
về mặt luật pháp, môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài. Chúng
ta đã hội nhập vào kinh tế khu vực, hội nhập vào kinh tế thế giới. Thêm
nữa, nền chính trị Việt Nam rất ổn định, Việt Nam có nhiều điểm tương
đồng văn hóa đối với Nhật Bản, có nhiều quan điểm chung với Nhật Bản. Do
đó, đây là những yếu tố thu hút nguồn đầu tư từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng hiện nay Việt Nam, Nhật Bản có
trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Nhật Bản là nước có nền kinh tế
đứng thứ 3 trên thế giới. Việt Nam đang phát triển, mặc dù đã đạt được
nhiều thành tựu. Tuy nhiên, điều kiện để đầu tư cũng chưa đạt yêu cầu so
với Nhật Bản. Ví dụ như môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, về các chính
sách, về luật đầu tư cũng chưa được hoàn thiện. Nếu chúng ta khắc phục
được rào cản này sẽ thu hút được hơn nữa những đầu tư của Nhật Bản so
với tiềm năng của Việt Nam.
Hai nước đã ký kết hợp tác “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng
Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, ông đánh giá gì về
kết quả của quan hệ này trong năm qua?
Ông Phan Cao Nhật Anh: Từ năm 2014, Việt Nam-Nhật
Bản đã nâng cấp mối quan hệ trở thành đối tác quan hệ chiến lược sâu
rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Có thể nói từ đó đến nay, quan
hệ hai nước đã phát triển cả chiều sâu và bề rộng, trên tất cả các lĩnh
vực. Ngoài quan hệ về kinh tế, hiện nay, quan hệ
Việt Nam-Nhật Bản còn hướng đến các hoạt động văn hóa, giao lưu nguồn
nhân lực, an ninh quốc phòng. Việt Nam nhận được rất nhiều ODA từ Nhật
Bản, nhờ vốn ODA của Nhật Bản, Việt Nam xây dựng được rất nhiều hạ tầng
như trường học, cầu, bệnh viện… Về hợp tác nguồn nhân lực, ở Nhật Bản
hiện nay, số người Việt Nam học tập và sinh sống rất nhiều, theo ước
tính có khoảng 180.000 người, số lượng lưu học sinh khoảng 59.000 người.
Ngược lại, số lượng người Nhật Bản sinh sống ở Việt Nam cũng tăng
lên. Mặt khác, hai nước cũng là hai địa điểm du lịch ưa thích. Mỗi năm
có hàng trăm nghìn người Việt Nam tới Nhật cũng như người Nhật Bản đã
đến Việt Nam. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác ở trong vấn đề nổi bật khác
của khu vực như biến đổi khí hậu, hợp tác an ninh trên biển, tự do hàng
không, hàng hải, những vấn đề đòi hỏi thượng tôn của pháp luật.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản hiện nay phát triển toàn diện,
trên nhiều phương diện, trên nhiều mặt, cả chiều sâu và chiều rộng.
Việt Nam phải làm gì để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế Việt
Nam-Nhật Bản và nhất là đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược sâu
rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á?
Ông Phan Cao Nhật Anh: Nhật Bản là đối tác quan
trọng của Việt Nam không chỉ ngày hôm nay mà trong cả tương lai. Chính
vì vậy, trước hết chúng ta cần phải có chính sách hợp tác với Nhật Bản
lâu dài, có tầm nhìn xa, không chỉ năm 2020-2030 mà còn xa hơn nữa. Với
các chính sách này, chúng ta phải phát huy được lợi thế của Việt Nam,
tiềm năng về mặt nhân công giá rẻ, dân số, về nguồn lực lao động, từ đó
kết hợp với nguồn vốn của Nhật Bản, lợi thế về công nghệ để có thể phát
triển kinh tế của hai nước.
Từ trước tới nay, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản ở cấp
Chính phủ được thực hiện rất tốt. Chúng ta cần mở rộng ở cấp địa
phương, cấp bộ, ngành và đặc biệt trong nhóm các doanh nghiệp. Thêm nữa,
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta
cần phát huy hơn nữa giao lưu hợp tác giữa các nhóm doanh nghiệp này.
Chúng ta cần chú ý đến hiệu quả kêu gọi đầu tư cũng như sử dụng vốn
ODA. Việt Nam cần cải cách hành chính có hiệu quả để tạo điều kiện cho
hợp tác kinh tế với Nhật Bản được thuận lợi.
Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm chính thức thiết lập
quan hệ ngoại giao, chúng ta cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động văn hóa để
tăng cường mối quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực và thực chất hơn
nữa./.
Theo chinhphu.vn