Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 15/10/2008 16:29'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô

Về kiềm chế lạm phát
Số liệu đã chứng minh tốc độ tăng lạm phát đã được kiềm chế theo xu hướng giảm dần, nhất là sau khi thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, tập trung. (Tháng 1: 2,38%; tháng 2: 3,56%; tháng 3: 2,99%; tháng 4: 2,2%; tháng 5: 3,9%; tháng 6: 2,1%; tháng 7: 1,3%; tháng 8: 1,56%; tháng 9: 0,18%).
Về ổn định kinh tế vĩ mô
Xét trên các lĩnh vực chủ yếu ta thấy sản xuất nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn đạt kết quả tốt 9 tháng tăng 5,43% (tăng 4,2 % cùng kỳ).
Công nghiệp 9 tháng tăng 16% (tăng 17,1% cùng kỳ). Thương mại nội địa mức bán lẻ 9 tháng tăng 30% so với cùng kỳ. Du lịch tính chung 9 tháng đạt 3,35 triệu lượt khách, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung lĩnh vực dịch vụ tăng 29% (tăng 23% cùng kỳ).
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2008 đạt 48,6 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2007. Với hạn chế nhập khẩu, nhập siêu đã giảm nhanh. Nhập siêu 9 tháng bằng 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thu ngân sách 9 tháng đạt 83% dự toán năm.
Cùng với kết quả kinh tế trong nước vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. Vốn thực hiện 9 tháng đạt 8,1 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ.
Thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ từng bước khắc phục và đang dần đi vào ổn định.
Về đảm bảo an sinh xã hội
Chính phủ và các địa phương, bộ, ngành đã khẩn trương thực hiện những chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống nhân dân như tăng vốn cho hộ người nghèo, tín dụng cho sinh viên, học sinh; bổ sung điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người nghèo các huyện nghèo, trợ giúp lương thực, tiền vốn bù đắp cho thiệt hại về gia súc, gia cầm do thiên tai và dịch bệnh gây ra, v.v...
Những kết quả trên đây được thực hiện trong điều kiện diễn biến kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhất là kinh tế Mỹ, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra ở một số vùng.
Đây là kết quả của những nỗ lực chủ quan, sự đồng thuận cao và quyết tâm thực hiện của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp - và sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ và các ngành các cấp. Qua thực tế vừa qua chúng ta có thể rút ra một số nguyên nhân và kinh nghiệm trong điều hành. Tập trung ở 3 điểm lớn sau:
Một là, các nhóm giải pháp đưa ra đúng hướng vừa sát tình hình thực tiễn diễn ra trong nước và phù hợp với kinh nghiệm, môi trường và yếu tố cam kết khi chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, điều hành đồng bộ các giải pháp trọn gói tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhóm giải pháp, giữa các lĩnh vực và địa phương, vùng, miền, ngành và lĩnh vực.
Ba là, sử dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn hơn các giải pháp, giữa vận động thuyết phục; giữa nguyên tắc thị trường và biện pháp hành chính chú ý những vấn đề đang nảy sinh như: đầu cơ, găm giữ hàng hoá; đầu cơ buôn lậu; phao tin đồn nhảm.
Những vấn đề nêu trên đã góp phần quyết định tạo nên kết quả khá khả quan trong thời gian qua, đồng thời cũng là những kinh nghiệm tốt cho việc thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội cho những tháng còn lại của năm 2008 và kế hoạch năm 2009.
Những kết quả đã đạt được rất đáng phấn khởi, nhưng thực tế đang diễn ra, chúng ta nghiêm túc kiểm điểm và nhận ra rằng, kinh tế đang bộc lộ những hạn chế.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và thấp hơn mục tiêu kế hoạch đã được điều chỉnh (9 tháng đầu năm 2008 đạt 6,52%).
- Chỉ tiêu giá tiêu dùng tuy tốc độ tăng đã giảm nhưng cao hơn nhiều so với các năm trước. Tháng 9 tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá vàng tăng 6,4%.
- Nhập siêu so với kim ngạch nhập khẩu vẫn ở mức cao. Kim ngạch nhập khẩu 9 tháng năm 2008 64,4 tỷ USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 39%.
- Tình hình thực hiện giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển thuộc vốn vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ thấp và chậm so tiến độ đề ra. Hết tháng 9 năm 2008 vốn tín dụng đầu tư mới đạt 59% kế hoạch năm, vốn ODA 55%.
Hoạt động tiền tệ tài chính hoạt động vốn gặp nhiều khó khăn. Huy động vốn qua kênh ngân hàng đang khó khăn, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Một số khó khăn trong lĩnh vực xã hội vẫn tiếp diễn. Chỉ tiêu sinh đẻ kế hoạch cao, trẻ em sinh tăng 5,4%. Việc làm ít việc làm tăng. Biểu tình, bãi công không giảm. Thu nhập thực tế của hộ nghèo giảm, khả năng thoát nghèo thấp. Có vùng hộ nghèo có xu hướng tăng, đời sống của những người làm công ăn lương tiếp tục giảm (bộ phận lương thấp, không có nguồn thu nhập ngoài lương).
Những khó khăn trên cộng với tình hình kinh tế thế giới đang xấu đi do khủng hoảng tài chính của Mỹ không dừng lại và lan ra toàn cầu; cùng tình hình sản xuất và chi dùng cuối năm tăng cao đòi hỏi chi tiêu vẫn tăng, gây áp lực lạm phát lớn, là những thách thức rất lớn cho cả mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Theo mục tiêu chung là năm 2008 và tiếp theo năm 2009 chương trình chỉ đạo của Chính phủ tiếp tục tập trung “kiềm chế lạm phát - ổn định vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội”. Với 5 nhiệm vụ trọng tâm với các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng linh hoạt trong điều hành hơn. Rà soát chấn chỉnh hoạt động của cán ngân hàng thương mại kể cả việc thành lập mới, đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng. Lo và đáp ứng vốn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp trong nước nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ hai, thực hiện hơn nữa tiết kiệm chi tiêu trong các lĩnh vực, theo dõi chặt chẽ cung cầu, hàng trọng yếu không để thiếu hàng cục bộ, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập để giảm áp lực nhập siêu.
Thứ ba, duy trì tăng trưởng bền vững tranh thủ mượn thời cơ khai thác mọi thuận lợi phấn đấu nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng hợp lý với mức cao, với những điều kiện cho phép. Bãi bỏ quy định không phù hợp, đáp ứng vốn cho doanh nghiệp và xuất khẩu, áp dụng thuế linh hoạt hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, ổn định đời sống kinh tế - xã hội, trước hết là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ thuộc diện chính sách, vùng bị thiên tai, người lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khó khăn.
Thứ năm, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, khiếu kiện, đình công, trợ cấp người hưởng lương thấp.
Tất cả giải pháp này cùng với việc nâng cao khả năng dự báo, tăng dự phòng, đối phó có hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh nhất định chúng ta sẽ trụ vững thực hiện thắng lợi chương trình kiềm chế lạm phát để cuối năm 2009 đến năm 2010 kéo chỉ số lạm phát xuống một con số./.
TS Cao Sỹ Kiêm
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất