Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 14/10/2008 19:51'(GMT+7)

Đề xuất 3 phương án tăng trưởng GDP năm 2009

Sau 2 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt, nhưng xuất khẩu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2008 tăng 33,9% so với năm 2007, (năm 2008 ước nhập siêu khoảng 19 tỷ USD, bằng 29,2% kim ngạch xuất khẩu và tương đương năm 2007).

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Võ Hồng Phúc, có được kết quả này là nhờ Chính phủ áp dụng mạnh mẽ nhiều biện pháp giảm nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, đã góp phần kiềm chế nhập khẩu và giảm nhập siêu một cách rõ rệt Đây là một trong những kết quả nổi bật nhất về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2008.

Kết quả nổi bật tiếp theo có thể kể đến là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Theo dự báo của Bộ KHĐT, ước vốn FDI năm 2008 thực hiện đạt 10 - 11 tỷ USD, vốn đăng ký tăng gấp 3 lần so với năm 2007. “Điều này thể hiện việc nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự phát triển trung và dài hạn của Việt Nam”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhận định.

Thu ngân sách nhà nước năm 2008 ước tăng 26,3% so với năm 2007 và số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập, đăng ký mới tăng mạnh, đặc biệt là đã xuất hiện số lượng đáng kể DN khoa học - công nghệ là những điểm sáng nổi bật trong việc thực hiện kinh tế - xã hội năm 2008.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cũng đã bày tỏ quan điểm đồng tình với những thành tựu kể trên và nhận định rằng: “Đến nay, tuy thời gian thực hiện các nhóm giải pháp chưa dài, nhưng từng nội dung của mục tiêu đề ra bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước, cộng đồng DN vào chính sách, sự điều hành và tính ổn định của nền kinh tế”, Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội năm 2008, Bộ KHĐT cũng nhận định vẫn còn 7 hạn chế, tồn tại, trong đó có việc tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra là 7% và cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, những chuyển biến trong phát triển kinh tế năm 2008 mới chỉ là bước đầu, kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc. Cụ thể, nhiều chỉ tiêu đã đạt được năm 2007 thì năm 2008 không đạt được. Nếu như năm 2007 chỉ có 2/21 chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch (tỷ lệ sinh và tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu) thì năm 2008 có tới 9 chỉ tiêu dự báo không hoàn thành kế hoạch.

Điều này cho thấy sự thiếu bền vững trong phát triển kinh tế trong trung hạn đã dẫn đến hệ quả là tốc độ tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu đề ra, lạm phát có xu hướng giảm dần nhưng vẫn ở mức cao, chi ngân sách vẫn nằm trong tình trạng bội chi sát mức cho phép, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm… Bên cạnh những khó khăn, yếu kém đã tích tụ từ những năm trước, những khó khăn mới phát sinh do tác động không mong muốn của việc thực thi các giải pháp về kiềm chế lạm phát.

Vì vậy, những hạn chế trong chỉ đạo điều hành cần phải được tập trung khắc phục sớm trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thiếu sự đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành. Cụ thể, theo ông Hiền, trong khi Quốc hội điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP từ 8,5% - 9,0% xuống còn 7,0% nhưng phần lớn các địa phương không điều chỉnh. “Từ đây đặt ra vấn đề về sự thiếu đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương”, ông Hiền nhấn mạnh.

Tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước những tác động của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Bộ KHĐT đề xuất 3 phương án tăng trưởng GDP năm 2009. Phương án 1 (GDP tăng trưởng 7%) dựa trên dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, lạm phát và giá cả các loại nguyên liệu cơ bản trên thế giới vẫn còn ở mức cao nhưng không có đột biến lớn.

Ở trong nước, đầu tư phát triển tiếp tục tăng cao trong điều kiện nền kinh tế còn tạm thời khó khăn; DN thuộc mọi thành phần kinh tế năng động trong việc xử lý các tác động của lạm phát để ổn định sản xuất - kinh doanh. Phương án 2 (tăng trưởng GDP là 7,5%) nếu tình hình kinh tế thế giới lạc quan hơn và phương án 3 (GDP tăng trưởng 6,5%) dựa trên cơ sở những khó khăn của hệ thống tài chính thế giới chậm được khắc phục, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng trì trệ, lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng cao… tạo ra những áp lực xấu tới kinh tế trong nước.

“Sau khi phân tích tình hình và các yếu tố hình thành 3 phương án tăng trưởng GDP, Bộ KHĐT đề nghị chọn phương án 1. Trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch, khi lạm phát được kiềm chế và các cân đối vĩ mô ổn định tốt hơn sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đề xuất và giải thích, phương án này có nhiều ưu điểm nổi trội, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế; có căn cứ thực tiễn trong phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát thời gian vừa qua để thực hiện.

Trang web bộ KHĐT

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất