Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 14/11/2018 10:24'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới

Học sinh một trường trung cấp trong giờ thực hành ẢNH: M.Q

Học sinh một trường trung cấp trong giờ thực hành ẢNH: M.Q

Cùng với giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trong những năm qua đã đạt được một số thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của đất nước. Dự bảo đến năm 2025, lao động Việt Nam sẽ có sự dịch chuyển nhanh từ ngành nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó chủ yếu chuyển sang ngành dịch vụ. Giai đoạn 2016 – 2020 cần đào tạo giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 12 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng là 1,44 triệu người (chiếm khoảng 12%), trình độ trung cấp là 1,76 triệu người (chiếm khoảng 14,5%), trình độ sơ cấp là 8,8 triệu người (chiếm khoảng 73%).

Với Mục tiêu chủ yếu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các vùng, miền, ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó một bộ phận nhân lực chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước phát triển, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cụ thể:

Đến năm 2020: Tỷ lệ đào tạo trình độ trung cấp trở lên trong tổng số quy mô tuyển sinh GDNN đạt khoảng 30%, trong đó ít nhất 10% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm; Ít nhất 75% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; Phát triển 70 trường chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; có khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm quốc gia, 50 ngành, nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 hoặc các nước phát triển trong nhóm G20.

Đến năm 2030: Tỷ lệ đào tạo trình độ trung cấp trở lên trong tổng số quy mô tuyển sinh đạt khoảng 40%, trong đó ít nhất 20% được đào tạo theo các ngành, nghề trọng điểm; Khoảng 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; Phát triển 120 trường chất lượng cao, trong đó 10 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 70 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; có 200 ngành, nghề trọng điểm quốc gia, 90 ngành, nghề tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 hoặc các nước phát triển trong nhóm G20; GDNN Việt Nam đạt trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực ASEAN.

Để thực hiện được mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp là: Đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN; Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDNN; Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; Tăng cường quản lý chất lượng GDNN; Gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội; Phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động; Tăng cường công tác truyền thông, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới cần tập trung làm tốt nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đầy đủ, toàn diện, có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Nghị quyết 29-NQ/TW và Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề ra.

Thứ hai, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và tổ chức chính trị-xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp. Các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW.

Thứ ba, Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân đối với giáo dục nghề nghiệp. 

Thứ tư, Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý, coi trọng quản lý chất lượng tạo sự đột phá trong giai đoạn tới: Đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phân định công tác quản lý nhà nước với quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tập trung triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả  hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, công vụ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thứ năm, Sắp xếp và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên yên tâm làm việc.

Thứ sáu, Tiếp tục rà soát, sắp xếp để quy hoạch, phát triển mạng lưới hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo yêu cầu phát triển về quy mô, chất lượng; chú trọng việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường được quy hoạch thành các trường trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thứ bảy, Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng kế hoạch, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; huy động toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tám, Đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học giáo dục nghề nghiệp; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh tham gia học nghề; trong đó, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, vận động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp, đảm bảo hiệu quả của việc phân luồng học sinh. Triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.

Thứ chín,
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. 

Thứ mười, Đổi mới cơ chế chính sách đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, nhất là công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, trong các khu công nghiệp và khu chế xuất.

Trong đó 3 nhóm giải pháp đột phá là: Trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng; Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội./.

Nguyễn Thu Thủy-Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất