Thứ Bảy, 27/7/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Ba, 6/12/2022 9:59'(GMT+7)

Tiết kiệm năng lượng: Phải hành động thực tế

Tắt đèn, hưởng ứng Giờ Trái đất - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Tắt đèn, hưởng ứng Giờ Trái đất - Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, một vấn đề mang tính quốc sách được đặt ra, đó là phải bảo vệ môi trường, làm giảm sự nóng lên của toàn cầu. Do vậy việc khai thác và sử dụng năng lượng phải gắn với yêu cầu xanh hơn, sạch hơn và việc chuyển dịch năng lượng phải gắn với phát triển bền vững.

1. Vấn đề an ninh năng lượng đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, trong quá trình hoạch chính sách những năm qua, đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước nhấn mạnh đến việc cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai; quan tâm chú trọng đến việc xây dựng, thực thi các chính sách tiết kiệm năng lượng. Tính đến nay, đã có gần 100 văn bản, các quy định hỗ trợ, bao gồm các văn bản liên quan trực tiếp, Thông tư, Quyết định của Thủ tướng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực từ đầu năm 2011…

Trong số các văn bản đã ban hành, Nghị định 102/2003/NĐ-CP (năm 2003) về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là văn bản pháp lý quan trọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống ở cấp quốc gia. Đồng thời, đây là cũng dấu mốc đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp về tiết kiệm năng lượng, sau đó chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chương trình này đã cụ thể hóa tất cả các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước.

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành hơn 10 năm, tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi cả về cách nhìn của xã hội. Mặc dù các văn bản pháp luật tuy nhiều nhưng chưa đồng bộ, do đó Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 55), đã yêu cầu phải sớm xây dựng chính sách đồng bộ với các chế tài cụ thể.

Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 55 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, coi đó là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm , xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.

Việt Nam cần phải phát triển ngành năng lượng gắn liền với phát triển kinh tế, để các ngành kinh tế nhận thức được giới hạn của ngành năng lượng, từ đó xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp. Khi toàn bộ nền kinh tế không còn sức ép lên ngành năng lượng, mới có khả năng bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia.

Đồng thời, Nghị quyết 55 đặt ra những mục tiêu cụ thể:

Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷKWh. Đáng chú ý, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% - 20% vào năm 2030; 25% - 30% vào năm 2045.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420 - 460kgOE/1.000 USD GDP; năm 2045 từ 375 - 410kgOE/1.000 USD GDP. Bên cạnh đó, các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Diễn đàn “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế” do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Điện lực cùng Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam tổ chức ngày 25/10/2022.

2. Hiện nay, cùng với việc chủ động đảm bảo các nguồn năng lượng như: Đầu tư sản xuất than, điện, xăng dầu… phục vụ cho sản xuất và đời sống, Việt Nam đã coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ rất sớm. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng cần được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, là nguồn năng lượng “kinh tế nhất”, “rẻ nhất” để tăng cường nguồn cung năng lượng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia.

Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng đa dạng. Ngành năng lượng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cung cấp năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp.

Dự báo, giai đoạn từ năm 2021-2025, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII cho thấy, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn từ năm 2021-2030 với điện thương phẩm, năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ thấp hơn 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay - khoảng 550 - 600 tỷ kWh điện.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Do đó, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn phải là hành động thực tế - đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp rẻ tiền nhất chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa tới phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng. Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện lập kho dự trữ năng lượng là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực. Cùng với đó là ẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất