Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự bùng nổ về thông tin đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội giúp con người thu nhận, trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng qua nhiều phương tiện, công cụ cả truyền thống và phi truyền thống. Xu hướng dân chủ hóa đời sống chính trị cùng với trình độ dân chí ngày càng cao đòi hỏi thông tin phải đa dạng, đa chiều, nhanh chóng, kịp thời và minh bạch. Bên cạnh đó các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, phức tạp. Các thế lực thù địch, cơ hội, phản động tăng cường chống phá trên nhiều lĩnh vực nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn hóa với những âm mưu thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.v.v..
Tất cả những vấn đề nêu trên đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với công tác tuyên giáo nói chung và những người trực tiếp làm công tác tuyên giáo nói riêng. Để cán bộ tuyên giáo nói chung và nhất là đối với lực lượng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh có đủ năng lực để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình hiện nay và những năm tới, công tác bồi dưỡng cho cán bộ tuyên giáo cho cấp tỉnh ngày càng cần được chú trọng.
THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ VÀ VIỆC BỒI DƯỠNG CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CẤP TỈNH HIỆN NAY
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, thành ủy luôn được củng cố, kiện toàn theo hướng nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có sự phát triển về số lượng, chất lượng, trẻ hóa về độ tuổi, cơ cấu cán bộ nữ tăng so với trước. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo được đào tạo bài bản: 88,63% cán bộ có trình độ đại học và sau đại học (trong đó có 59,16% cán bộ, công chức có chuyên ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội); 11,37% cán bộ còn lại có trình độ cao đẳng, trung cấp hoặc chưa qua đào tạo làm các công việc hành chính, phục vụ; 52,38% cán bộ, công chức có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị, 16,87% cán bộ, công chức có trình độ Trung cấp lý luận chính trị.
Thanh Hóa có 34 đảng bộ trực thuộc với 1.718 tổ chức cơ sở đảng, 278.271 đảng viên. Hệ thống ngành tuyên giáo ở Thanh Hóa hiện nay có 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp phường, xã.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa có 38 cán bộ, chuyên viên; trong đó, trình độ đào tạo Tiến sỹ là 2 đồng chí, trình độ thạc sỹ là 16 đồng chí. Về trình độ lý luận chính trị cao cấp là 24 đồng chí, trung cấp lý luận là 14 đồng chí.
Ban tuyên giáo của các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có 126 cán bộ, chuyên viên. Trong đó, trình độ đào tạo Thạc sỹ là 26 đồng chí; trình độ đại học là 100 đồng chí; trình độ cao cấo lý luận làp 65 đồng chí, trình độ trung cấp lý luận là 61 đồng chí.
Ban tuyên giáo xã, phường, thị trấn có 3.083 thành viên kiêm nhiệm, do đồng chí Bí thư (hoặc Phó Bí thư Thường trực) làm Trưởng ban.
|
Chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp tỉnh và huyện có trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn cao.
100% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng đều có trình độ cao cấp lý luận chính trị và chuyên môn đại học trở lên; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo được đào tạo sau đại học ngày càng tăng (hiện nay chiếm 25,68%), cơ bản đáp ứng yêu cầu mới của công tác tuyên giáo. Khoảng cách giữa các độ tuổi (dưới 30 tuổi là 134 người, chiếm 7,83%; từ 30-40 tuổi là 785 người, chiếm 45,85% và trên 40 tuổi là 792 người chiếm 46,26%) cơ bản đảm bảo tính kế cận của đội ngũ.
Công tác đào tạo cán bộ tuyên giáo tại một số địa phương cũng đã được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, có kế hoạch đào tạo gắn với định hướng quy hoạch, tạo nguồn phát triển cán bộ, có tính tới sự kế thừa và định hướng phát triển lâu dài, đảm bảo được quy hoạch cán bộ kế cận và kế tiếp một cách khoa học. Hiện nay, số cán bộ tuyên giáo tại ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy được đào tạo sau đại học và cao cấp lý luận chính trị ngày một tăng. Các chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm kịp thời, trên cơ sở quy hoạch và khả năng, trình độ, phẩm chất và năng lực cán bộ, nhìn chung đủ năng lực thực thi nhiệm vụ được giao.
Về công tác bồi dưỡng, phần lớn các địa phương đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác tuyên giáo. Hàng năm, kế hoạch bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với thực tế đặc điểm tình hình của địa phương, có sự phối hợp với các đơn vị đào tạo tại chỗ, mở các lớp tập huấn với sự tham gia giảng dạy của cán bộ từ trung ương và lãnh đạo chủ chốt của địa phương.
Năm 2016, ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đã chú trọng đến công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp. Phần lớn ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy đều mở lớp tập huấn tập trung vào các lĩnh vực như: công tác điều tra, phản ánh, nắm bắt dư luận xã hội, công tác lý luận chính trị, kỹ năng tuyên truyền miệng, công tác khoa giáo, văn hóa văn nghệ, nghiên cứu Lịch sử Đảng…
Thông qua các hoạt động bồi dưỡng đã thúc đẩy và thực hành tốt công tác tuyên truyền ở cấp cơ sở, đưa những chủ trương chính sách của Đảng tới nhân dân, định hướng dư luận trước những vụ việc nhạy cảm chính trị, những thông tin độc hại trên mạng...
Tuy nhiên, công tác cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh hiện nay cũng gặp không ít khó khăn và còn một số hạn chế. Đó là:
Thứ nhất, sự hụt hẫng về đội ngũ cán bộ tuyên giáo, sự tiếp nối, kế thừa giữa các thế hệ, độ tuổi chưa bảo đảm; sự chênh lệch về năng lực tham mưu giữa lực lượng nòng cốt với lực lượng đại trà còn khoảng cách khá xa. Đội ngũ có năng lực còn rất mỏng, chưa có những chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực công tác tuyên giáo; sự kết nối lực lượng trong hệ thống tuyên giáo chuyên trách và các ngành bên ngoài chưa chặt chẽ.
Thứ hai, trên thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém, nổi lên những vấn đề như: Số cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh được đào tạo chuyên sâu về nghề nghiệp tuyên giáo còn chiếm tỷ lệ thấp, năng lực chuyên môn, năng lực tham mưu hoạch định chính sách trên các lĩnh vực công tác tuyên giáo như giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ, văn hóa, văn nghệ, lịch sử Đảng; tham muuw định hướng quản lý báo chí – xuất bản còn nhiều bất cập; năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công tác tuyên giáo hiện nay.
Năng lực tuyên truyền, cổ động còn yếu, tính thuyết phục còn hạn chế; khả năng tham mưu và thực hiện việc đấu tranh phản bác những tư tưởng, quan điểm sai trái còn hạn chế và thiếu sắc bén, sức chiến đấu chưa cao. Vẫn còn tình trạng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho công tác còn rất hạn chế. Kỹ năng nói và viết của đội ngũ cán bộ tuyên giáo còn rất hạn chế, chưa thể hiện tầm nhìn chiến lược; còn thiên về thực thi nhiệm vụ một cách thụ, làm theo lối sự vụ hành chính.
Nguyên nhân của những hạn chế này là do, công tác tuyên giáo hiện nay có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, gây nhiều khó khăn cho cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh: sự bùng nổ phương tiện truyền thông mới, mức độ tiếp cận thông tin đa chiều của người dân; thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, khó phản bác; mặt trái của kinh tế thị trường tác động đến đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Hai là, nhận thức của một số cấp ủy đảng và người đứng đầu trong các cơ quan về vai trò, vị trí của công tác tuyên giáo chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác cán bộ ngành Tuyên giáo, thiếu sự chỉ đạo sát sao, còn xem công tác này là nhiệm vụ riêng của ngành tuyên giáo.
Ba là, việc đánh giá, phân loại cán bộ tuyên giáo và các phòng chuyên môn có lúc, có thời điểm còn chưa sát, có tư tưởng “cào bằng” nên chưa phát huy được hết khả năng, tư duy sáng tạo của cán bộ tuyên giáo.
Bốn là, công tác điều động, luân chuyển cán bộ quản lý cấp phòng sang các cơ quan khác hoặc xuống các địa phương còn hạn chế; chưa xây dựng được kế hoạch dài hạn về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên sâu, chuyên gia giỏi gắn với sắp xếp, tổ chức bộ máy và điều động, luân chuyển hợp lý.
Năm là, một số nơi có hiện tượng cán bộ làm công tác tuyên giáo lâu năm, dày dặn kinh nghiệm nhưng không được đề bạt, bổ nhiệm; trong khi một số nơi còn có hiện tượng đưa con em của các đồng chí lãnh đạo, chưa có đủ năng lực, trình độ, không đúng chuyên môn về làm công tác tuyên giáo, làm nơi “ghé chân” để chờ luân chuyển đi các vị trí khác, tạo tâm lý không tốt trong đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo.
ĐỀ RA YÊU CẦU BỒI DƯỠNG ĐỘI NGŨ TUYÊN GIÁO CẤP TỈNH
Để góp phần khắc phục những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, cần sớm xây dựng được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, dám phản ánh, dám thể hiện chững kiến, mạnh dạn tham mưu, đề xuất các giải pháp để xử lý tình hình, có khả năng nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; có trình độ chuyên môn tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học thì công tác đạo tạo, bồi dưỡng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Cần có những cán bộ có am hiểu những lịch vực khoa giáo, báo chí, văn học nghệ thuật... để tham mưu cho lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực này sâu sát và hiệu quả hơn, có khả năng nói, viết, thảo luận, tranh luận, bàn luận tốt và phải có năng lực thực tiễn.
Như vậy yêu cầu năng lực đối với cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh nói chúng cơ bản như đề xuất ở trên. Qua khảo sát, trao đổi với một số tỉnh và thực tế tại địa phương cho thấy, đối với cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh hiện nay có một nhu cầu bồi dưỡng cụ thể như sau:
Về kiến thức, tổng quan về công tác tuyên giáo một cách đầy đủ và hoàn thiện về nhận thức nội dung chủ yếu của công tác tuyên giáo, về nhiệm vụ công việc cần thực hành theo vị trí việc làm, theo các chức danh và hệ thống kiến thức mới về công tác tuyên giáo, tránh học lại các kiến thức lý luận chính trị đã học qua các lớp lý luận chính trị. Có khả năng nắm được, giải thích được và có khả năng vận dụng các kiến thức nhớ được, hiểu được về nội dung chuyên môn, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phân tích, tổng hợp và đánh giá thực trạng công tác tuyên giáo trên từng lĩnh vực cụ thể để từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp thực tiễn.
Về kỹ năng, nhu cầu cần thiết nhất hiện nay là bồi dưỡng theo các phương pháp khoa học sao cho cán bộ tuyên giáo sau khóa bồi dưỡng phải thành thực và có khả năng vận dụng và nâng cao được kỹ năng lắng nghe, nắm bắt tư tưởng; kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận, thuyết trình, nghệ thuật nói chuyện, truyền cảm hướng trước đông người; kỹ năng viết những thể loại chính luận, bình luận; kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin; kỹ năng phản bác, đấu tranh với những quán điểm sai trái của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội; khả năng tuyên truyền, phản bác với các thông tin và dư luận xã hội không đúng, sai sự thật; kỹ năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đánh giá, phân tích tình hình, phát hiện các điểm mạnh, điểm yếu, dự báo được xu thế về vấn đề thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Các kỹ năng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh cần có và cần được quan tâm bồi dưỡng đó là kỹ năng thuyết trình; kỹ năng thiết kế bài giảng; kỹ năng thực hiện bài giảng; kỹ năng giao tiếp sư phạm.
Về nghiệp vụ, để có được nghiệp vụ chuyên môn vững chắc thì cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh tùy theo vị trí việc làm cần được thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tham mưu cho lãnh đạo, hướng dẫn tuyên giáo cấp dưới thực hiện chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực công tác được phân công phụ trách một cách thuần thục, sáng tạo; hướng dẫn nghiệm vụ công tác triển khai học tập quán triệt chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng, của cấp ủy một cách có hiệu quả, nghiệp vụ về cách xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy đảm bảo thực hiện thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, sao chép; nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, công tác sơ kết tổng kết; nghiệm vụ công tác tuyên truyền, công tác điều tra dư luận xã hội; nghiệp vụ định hướng, chỉ đạo công tác báo chí, xuất bản; nghiệp vụ tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo công tác trên các lĩnh vực công tác khoa giáo; nghiệm vụ tham mưu xử lý những vẫn đề nảy sinh trên lĩnh vực được phân công phụ trách.
Với số lượng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh hiện nay, việc tổ chức bồi dưỡng cần đưỡng thực hiện theo từng lớp chuyên sâu riêng cho từng lĩnh vực hay cho vị trí việc làm. Mỗi năm được tham dự bồi dưỡng kiến thức khoảng từ 5 - 7 ngày; những lớp bồi dưỡng chuyên sâu thời gian khoảng 10 ngày.
Bồi dưỡng kết hợp lý luận với thực tế và viết chuyên đề gắn với vị trí việc làm và địa phương, đơn vị công tác. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ chuyên viên làm công tác tuyên giáo các tỉnh.
Mỗi một cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh trong một nhiệm kỳ ít nhất cần được tham dự 2 khóa bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, chuyên sâu phù hợp với vị trí việc làm của mình.
ĐẢM BẢO CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC, KỸ NĂNG, NGHIỆP VỤ CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TUYÊN GIÁO CẤP TỈNH
Để đảm bảo công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới hình thức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng nâng cao chất lượng cả về tư tưởng chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng bảo đảm đội ngũ cán bộ tuyên giáo vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định và tuyệt đối trung thành với Đảng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, vừa phải thực sự tinh thông, nhanh nhạy và sáng tạo, góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ tuyên giáo là những chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực công tác. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo chuyên trách phải được thường xuyên bồi dưỡng kiến thức mới một cách định kỳ một cách bài bản.
Thứ hai, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh cần được xác định là một trong những khâu đột phá trong đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo, trong từng nhiệm kỳ đại hội đảng của cấp tỉnh và cần được xây dựng thành đề án của nhiệm kỳ và được triển khai từng năm nhằm đảm bảo đồng bộ và thiết thực hiệu quả, gắn với các đối tượng làm công tác tuyên giáo cả chuyên trách và kiêm nhiệm. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ cấp ủy tỉnh.
Thứ ba, cần có chương trình bồi dưỡng riêng cho từng nhóm đối tượng: Đối tượng lãnh đạo, quản lý đương nhiệm và quy hoạch chuyên trách công tác tuyên giáo của Đảng; đối tượng lãnh đạo, quản lý các ngành trong khối tuyên giáo; đối tượng cán bộ, chuyên viên làm công tác tuyên giáo (tuyên huấn) cấp tỉnh, gắn với kiến thức chuyên đề riêng của từng khối chuyên sâu (đối với khối khoa giáo, báo chí – tuyên truyền – xuất bản, khối đoàn thể…).
TS. Nguyễn Văn Phát
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa