Thứ Ba, 26/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 4/9/2016 9:30'(GMT+7)

"Tìm lối thoát trong nghiên cứu từ ý tưởng nhỏ"

Ông cũng cho rằng, trong nghiên cứu, từ ý tưởng rất nhỏ, nhưng để ý một chút, cứ đắm đắm vào thì sẽ tìm ra lối thoát và bật ra được hướng tốt.

Chỉ nghiên cứu từ bức xúc thực tế

- Xin chúc mừng ông là một trong số các tác giả được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ sẽ được trao vào giữa tháng Chín. Là người được xướng tên trong rất nhiều giải thưởng, khi nhận thông tin này, cảm giác của ông thế nào?

Ông Hoàng Đức Thảo:
Tôi thực sự bất ngờ khi nhận được thông báo cụm công trình của mình được đề cử. Bất ngờ hơn bởi năm nay, số lượng công trình được đề cử là khoảng 100, song chỉ có 16 công trình, trong đó có 9 công trình được đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh và 7 công trình đề cử Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ.

Điều này chứng tỏ các sản phẩm, cụm công trình của tôi được các nhà khoa học ở các hội đồng đánh giá tốt. Trong quá trình nghiên cứu, tôi chuyên về ứng dụng và chỉ nghiên cứu cái gì thực tế, được người dùng và thị trường cần đến, có thể tiêu thụ được.

- Ông bắt đầu nghiên cứu cụm công trình của mình khi nào?

Ông Hoàng Đức Thảo: Tôi nghiên cứu từ năm 2003. Công trình đầu tiên đưa vào ứng dụng là Cụm tời máy nạo vét cống ngầm thoát nước đô thị.

Lúc bấy giờ, tôi được giao làm Giám đốc Công ty thoát nước đô thị. Hồi đó, việc nạo vét cống hầu hết là thủ công do đó không thể kiểm soát được. Bởi lẽ, công nhân chui vào trong cống tối tăm, ô nhiễm và không thể một người chui vào thông tắc nạo vét và một người chui vào kiểm tra. Do đó, tôi trăn trở suy nghĩ vừa kiểm soát được thông cống và bảo vệ sức khỏe cho người lao động…

Sau đó, tôi thấy các bể phốt truyền thống không gom được nước thải đi xử lý tập trung, làm ô nhiễm nước mặt, nước ngầm. Người dân mỗi lần thông tắc, hút cặn phải đục ra và gây xú uế. Vì vậy, tôi nghĩ nếu xử lý nước thải đô thị thì phải kiểm soát tận gốc, từ bể phốt. Tôi đã nghiên cứu ra bể phốt với dung tích chỉ bằng 1/3 so hiện hữu và khi hút cặn, thông tắc bên ngoài hàng rào có thể làm được.

Việc thông tắc từ bên ngoài xuất phát từ ý tưởng bác sĩ ngày xưa mổ hở, giờ có thể mổ nội soi; ngăn mùi hôi thì xuất phát từ ý nghĩ tại sao trong bụng mình có xú uế mà khi mình uống nước, mùi hôi không bốc ra được.

Tôi cho rằng, trong nghiên cứu từ ý tưởng rất nhỏ, nhưng để ý một chút, cứ đắm đắm vào cái đó sẽ tìm ra lối thoát và bật ra được ý tốt.

- Hiện Busadco có bao nhiêu nhân viên và mức thu nhập có tốt không, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Thảo: (Cười). Hiện biên chế chính thức của chúng tôi là 800, cả số lao động thời vụ cả ba miền là 2.000 người, tổng thu nhập của công nhân là 10 triệu đồng/tháng, kỹ sư được 12-13 triệu đồng/tháng.

Để duy trì điều này, tôi lấy mỡ nó rán nó. Vòng quay của tôi là thứ nhất là chất xám, thứ hai là sản phẩm của tôi không bao giờ có hàng tồn kho. Đây là sản phẩm kỹ thuật theo đơn đặt hàng, tùy thuộc từng công năng, công trình cụ thể, tùy địa chất địa hình khí tượng thủy văn cụ thể, đưa ra yêu cầu cụ thể và chúng tôi đáp ứng yêu cầu đó…

Chúng tôi phải có nhiều kiến thức, không những kiến thức nhà khoa học phải có kiến thức của nhà tư vấn, chủ đầu tư, chính quyền đô thị, cơ quan quản lý chuyên ngành về đất đai, tư vấn, tài chính, kế hoạch…

Nếu chỉ có một kiến thức thì không thể đưa sản phẩm ra thị trường được.

Đi lên từ thợ

- Thực tế trong thời gian qua, cơ quan quản lý có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp thực sự thành công như Busadco. Theo ông, lý do ở đây là gì?

Ông Hoàng Đức Thảo: Tôi nghĩ các doanh nghiệp có nhiều khả năng sáng tạo và tiềm năng sáng tạo lớn. Tuy nhiên phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, cơ chế chính sách khuyến khích sáng tạo này như thế nào là điều cần phải tính đến.

Chúng ta hay nói tới chuyện các tổ chức khoa học cần liên kết với doanh nghiệp. Song thực tế thì chưa đáp ứng được. Một số đơn vị chưa thành công vì các đề tài chưa ra được sản phẩm. Mà, phải đưa ra sản phẩm, thiết lập trên dây chuyền sản xuất, đưa ra tiêu thụ và được xã hội chấp nhận thì mới là khép kín cho một đề tài.

Cái khó nhất của doanh nghiệp khoa học công nghệ chính là thiết lập được cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

- Nhiều người rất băn khoăn muốn hỏi, làm thế nào mà ông có thể vừa là nhà quản lý bảo đảm công ăn việc làm cho hàng ngàn người, lại vừa làm khoa học và có nhiều thành công như vậy?

Ông Hoàng Đức Thảo: Tôi đi lên từ người thợ, học và làm thợ sau đó làm quản lý rồi mới làm khoa học. Trong quá trình làm quản lý, tôi tích lũy những kinh nghiệm cả về kinh tế, kỹ thuật, tài chính, hành chính, pháp lý…

Khác với mọi người, tôi không để ý người khác làm. Tôi chỉ quan sát hực tế, thấy công việc đó hạn chế, bất cập thì tôi tìm cách thay đổi nó để làm sao nhanh hơn, chất lượng hơn và rẻ hơn.

Trong quá trình làm, tôi xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở. Từ các tiêu chuẩn này, cơ quan chức năng đã nâng cấp và ban hành 13 tiêu chuẩn quốc gia…

- Ông có dự tính xuất khẩu sản phẩm, công nghệ của mình ra nước ngoài không?

Ông Hoàng Đức Thảo: Chúng tôi từng xuất sang Lào, Malaysia nhưng chỉ là hợp đồng đơn lẻ chứ không thành chương trình. Mục tiêu của Busadco là phục vụ thị trường trong nước.

Giờ tôi trung vào nghiên cứu, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hào kỹ thuật; các giải pháp bảo vệ bờ, chống xói lở; kênh mương nội đồng…

- Theo ông, việc làm giàu từ nghiên cứu có dễ không? Lời khuyên của ông từ việc làm giàu bằng chất xám thế nào?

Ông Hoàng Đức Thảo: Bây giờ thì dễ chứ ban đầu thì khó vì đã vượt qua giai đoạn đó rồi. Tôi cho rằng, làm khoa học phải vô tư, lúc đầu làm thì đừng nghĩ tới tiền nhưng rồi nó tự dưng sẽ tới…

- Xin cảm ơn ông!

Trung Hiền/Vietnam+


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất