Phát hiện này mang đến nhiều triển vọng cho việc điều trị, đặc biệt cho việc phòng chống căn bệnh hen suyễn.
Đối với người mắc hen suyễn, trong cơ thể có các tế bào bạch cầu ưa
eosin (bạch cầu ái toan) là bạch cầu hạt được sinh ra từ tủy xương và
lưu thông trong mạch máu, chảy vào phổi và tham gia vào các biểu hiện
bệnh lý liên quan đến hen. Đây là những bạch cầu ái toan viêm.
Các nhà nghiên cứu ULg lần đầu tiên chứng minh sự tồn tại trong phổi một
nhóm nhỏ bạch cầu ái toan, trú ngụ tại đây (được gọi là bạch cầu ái
toan cư trú), có vai trò điều tiết và bảo vệ trong việc duy trì sự cân
bằng hệ thống miễn dịch chứ không giống các bạch cầu ái toan viêm.
Bạch cầu ái toan cư trú trong phổi cho phép hệ thống miễn dịch tránh phản ứng sai lệch, như là trường hợp của bệnh hen suyễn.
Nhóm các nhà nghiên cứu do giáo sư Fabrice Bureau và Giáo sư Thomas
Marichal đứng đầu, phát hiện tế bào bạch cầu ái toan cư trú này đầu tiên
trong phổi của những con chuột và sau đó trên người.
Ở chuột, bạch cầu ái toan cư trú có thể dễ dàng phân biệt với bạch cầu ái toan viêm khác. Đây không phải là trường hợp ở người.
Ở người, bạch cầu ái toan cư trú thể hiện trên bề mặt dấu hiệu giống hệt
nhau, là protein CD62L nhằm giúp phân biệt với bạch cầu ái toan viêm.
Tiếp tục các nghiên cứu, các nhà khoa học quan sát thấy ở những con
chuột có các bạch cầu ái toan cư trú ở phổi giảm thì việc đáp ứng của hệ
miễn dịch kiểu "dị ứng" càng trầm trọng hơn rất nhiều sau khi hít phải
chất gây dị ứng liều thấp.
Do đó, họ kết luận rằng những bạch cầu ái toan đặc biệt đóng một vai trò hiệu quả trong việc phòng chống bệnh hen suyễn.
"Trong tương lai, vấn đề làm thế nào để ưu tiên việc sản xuất bạch cầu
ái toan cư trú từ tủy xương hơn là bạch cầu viêm. Bằng cách cung cấp các
phương tiện can thiệp ngay từ khu vực ban đầu, chúng tôi sẽ có các vũ
khí mới để phòng chống các bệnh viêm nhiễm như dị ứng hoặc các bệnh tự
miễn dịch," các nhà nghiên cứu cho biết./.
Theo TTXVN