Những thông tin này vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, thành viên đoàn cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị, thông báo tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 19/12.
Đánh giá “Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu tại Copenhaghen đã kết thúc mà không đưa ra được cam kết cụ thể như các nước mong muốn”, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao về quan điểm xây dựng tích cực.
“Việt Nam đã đạt nhiều thành quả bên lề hội nghị, khẳng định vị trí là một trong những nước tiên phong chống BĐKH”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.
PV: Theo Bộ trưởng, những hoạt động nào của Việt Nam tại Copenhagen được thế giới đánh giá cao nhất?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham gia Hội nghị với mục tiêu phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu.
Được trình bày thứ 5 trong tổng số hơn 150 bài tại Hội nghị, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được các nước đồng tình và chia sẻ, bởi đã góp phần giúp các nước phát triển và đang phát triển xích lại gần nhau hơn.
Thủ tướng kêu gọi các nước phát triển có cam kết cụ thể về lượng khí phát thải, hỗ trợ kinh phí giúp các nước đang phát triển nâng cao năng lực chống BĐKH. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị các nước đang phát triển phải có chương trình hành động quốc gia để chống BĐKH bền vững.
Trong khuôn khổ hội nghị, Việt Nam cũng đã tổ chức hơn 30 cuộc tiếp xúc song phương và đa phương nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, kêu gọi đầu tư của các nước vào Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH. Đáng chú ý là Hội nghị bên lề của Việt Nam tổ chức vào tối 14/12 (giờ địa phương) đã thu hút hơn 100 đại biểu của các nước tham gia.
PV: Vậy đâu là những hỗ trợ cụ thể mà các nước cam kết dành cho Việt Nam trong việc chống BĐKH?
- Sau các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và cam kết giúp đỡ của nhiều nước. Đan Mạch sẽ hỗ trợ 53 triệu USD, Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) tài trợ 8 triệu USD; Nhật Bản cho Việt Nam vay ưu đãi 450 triệu USD, Ngân hàng thế giới (WB) cũng cam kết giúp Việt Nam nguồn tài chính chống BĐKH trong thời gian tới.
Ngoài ra, Hà Lan hứa sẽ giúp Việt Nam công nghệ củng cố đê biển; Đan Mạch giúp hệ thống xử lý rác thải y tế tại Hà Nội và TP.HCM; Mỹ cũng bày tỏ sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực của hệ thống quan trắc, đo đạc, khí tượng thuỷ văn và đối phó với triều cường tại các tỉnh phía Nam.
PV: Vậy còn về phía chúng ta, xin Bộ trưởng cho biết những nỗ lực sắp tới của Việt Nam trong việc chống BĐKH?
- Việt Nam là một trong các nước có chương trình mục tiêu quốc gia chống BĐKH sớm nhất (từ tháng 12/2008). Đây là cơ sở để chúng ta có những hành động cụ thể để ứng phó với BĐKH.
Các Bộ, Ngành sẽ nỗ lực hoàn thiện chương trình hành động chống BĐKH vào cuối quý III/2010 với những dự án cụ thể để kêu gọi tài trợ từ các nước. Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến 2015 sẽ vận động được nguồn tài trợ 3 - 5 tỉ USD chống BĐKH.
Sắp tới, kế hoạch chống BĐKH sẽ tập trung vào 5 vấn đề lớn: Khẩn trương xây dựng và gia cố hệ thống đê biển, quai đê ở ĐBSCL; chú trọng đến rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, đặc biệt là rừng ngập mặn có tác dụng tiêu lực sóng biển, giảm bão lũ; phòng chống triều cường tại các tỉnh phía Nam; đưa ra đề án chống BĐKH tại ĐBSCL; hoàn thiện hệ thống quan trắc, đo đạc, dự báo thời tiết.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Thu Cúc (Chinhphu.vn)