Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã xác định được hợp chất có thể chống lại virus corona, đã gây ra đại dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp) và MERS (Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông), hiện vẫn chưa có phương pháp chữa trị. Thông tin đặc biệt này được công bố trên Tạp chí chuyên ngành PLOS Pathogens số ra ngày 30/5.
Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Gothenburg và Đại học Bern, Thụy Sĩ, do nhà khoa học Edward Trybala đứng đầu, đã khám phá ra hợp chất có tên K22, ngăn chặn được khả năng lây nhiễm virus corona sang người.
Trong bài viết, các nhà khoa học giải thích virus corona được tái tạo trong những tế bào nằm trong hệ thống hô hấp của người với vòng đời như sau: virus xâm nhập vào màng ngăn cách có nhiệm vụ phân chia các phần khác nhau của tế bào, sau đó biến màng ngăn cách thành màng bảo vệ virus, tạo điều kiện cho virus tiếp tục sinh sôi.
Các nhà khoa học nhận định nghiên cứu cho thấy việc sử dụng màng ngăn cách của tế bào chủ là một giai đoạn rất quan trọng trong vòng đời của virus và đây là một giai đoạn nhạy cảm, có thể ngăn chặn được bằng các phương thuốc chống virus.
Từ nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phát hiện ra hợp chất K22 có khả năng ngăn chặn virus kiểm soát màng ngăn cách của tế bào, giai đoạn đầu trong vòng đời của virus sau khi xâm nhập vào cơ thể người. Các chuyên gia cho biết K22 có thể chống lại các chủng virus corona từ chủng yếu - gây ra những triệu chứng cảm lạnh nhẹ, đến các chủng nghiêm trọng hơn, trong đó có chủng gây ra dịch SARS và MERS - được cho là lây truyền từ con dơi.
Từ thành công bước đầu này, nhóm nghiên cứu kêu gọi sự đầu tư khẩn cấp vào thử nghiệm K22 ngoài phạm vi phòng thí nghiệm và phát triển chế tạo thuốc điều trị.
Virus corona tác động tới các cơ quan hô hấp của người, và là nguyên nhân dẫn tới 30% trường hợp cảm lạnh thông thường trên thế giới. Chủng nguy hiểm hơn của virus này, được cho là đến từ loài dơi, đã gây ra dịch SARS trên toàn cầu hồi năm 2002 cướp đi sinh mạng của gần 800 người.
Trong khi đó, virus gây ra MERS là chủng virus corona mới được phát hiện ở Saudi Arabia năm 2012 và được cho là lây nhiễm từ lạc đà.. Loại virus này, có nguy cơ gây tử vong cao hơn song khả năng lây nhiễm lại thấp hơn, đã gây ra 193 trường hợp tử vong trong số 636 trường hợp nhiễm bệnh. Hầu hết trường hợp nhiễm và tử vong do MERS là tại Saudi Arabia, tuy nhiên virus MERS đã lây lan ra hàng chục quốc gia khác chủ yếu là từ những người bị ốm trong thời gian lưu tại khu vực Trung Đông./
TTXVN