Các nhà thiên văn học hôm 27-11 công bố họ phát hiện bầu khí quyển của Rhea - mặt trăng lớn thứ hai của sao Thổ, có chứa khí oxy (O2) và cacbon điôxít (CO2).
Theo tờ Guardian (Anh), vào đầu tháng 3-2010, tàu thăm dò Cassini của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã “nếm” được O2 trong bầu khí quyển của mặt trăng băng giá Rhea trong lúc đang di chuyển quanh cực bắc của mặt trăng này ở độ cao khoảng 97km.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học cũng cho biết lượng O2 trong bầu khí quyển của Rhea chưa đủ cho sự sống tồn tại, bởi bầu khí quyển này cực mỏng, với 1m3 khí quyển chứa xấp xỉ 50 tỉ phân tử O2, trong khi tỉ lệ này trên Trái đất là 0,00000001%.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện O2 trực tiếp trong bầu khí quyển mặt trăng Rhea của sao Thổ nhờ sử dụng dụng cụ quang phổ kế của tàu thăm dò Cassini”, tiến sĩ Ben Teolis - công tác tại Viện nghiên cứu Tây Nam, bang Texas (Mỹ), nói trên Science. “Trước đây, O2 chỉ được nhận diện gián tiếp trong bầu khí quyển của các mặt trăng Europa và Ganymede của sao Mộc thông qua kính viễn vọng không gian Hubble".
Đối với khí CO2, CBC News cho biết sự xuất hiện của loại khí này trong bầu khí quyển mặt trăng Rhea vẫn còn là một bí ẩn. Có thể nó là kết quả của việc phún xạ CO2 nguyên thủy trong lớp băng của Rhea.
Theo các nhà thiên văn học, có 62 vệ tinh quay quanh sao Thổ. Trong đó, Titan - mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, cũng có bầu khí quyển nhưng lại chứa nhiều khí nitơ (N2) và mêtan (CH4), còn O2 và CO2 thì rất ít./.
Theo Tuổi trẻ online