Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 23/11/2010 8:15'(GMT+7)

“Giải thưởng của đất mẹ Việt cho các nhà khoa học Việt Nam”

Giáo sư Đào Tiến Khoa nhận giải thưởng do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao

Giáo sư Đào Tiến Khoa nhận giải thưởng do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao

Sau khi nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt về lĩnh vực Khoa học tự nhiên năm 2010, GS.TS Đào Tiến Khoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cơ bản và tính toán (Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã chia sẻ niềm vinh dự này.

So với nhiều ngành khoa học tự nhiên khác, vật lý hạt nhân là chuyên ngành còn chưa được phát triển mạnh ở Việt Nam. Đây là năm thứ 2 giải thưởng Nhân tài Đất Việt về Khoa học tự nhiên và GS đã được vinh danh. GS cảm thấy thế nào khi nhận giải?

Thú thật khi còn là sinh viên đại học ở Liên Xô tôi đã rất ngại học vật lý hạt nhân vì đây là một môn khó và vì thế tôi đã theo học chuyên sâu về vật lý chất rắn. Sau khi về nước nhận công tác tại Trường đại học tổng hợp Hà Nội, tôi đã được một nhà khoa học đàn anh (GS Cao Chi) chú ý đến và mời sang làm việc tại Viện năng lượng nguyên tử VN. Theo nhu cầu phát triển chuyên môn lâu dài của Viện NLNTVN, tôi đã thực sự bước vào lĩnh vực vật lý hạt nhân cách đây đúng 30 năm.

Ngẫm lại quãng đường dài từ đó cho đến nay, với những thành quả đã đạt được, tôi phải thừa nhận rằng được làm nghiên cứu trong lĩnh vực này là một may mắn của đời tôi. Nó đã và đang mang lại cho tôi rất nhiều niềm hứng thú và đam mê. Mỗi khi một công trình nghiên cứu được hoàn thành và công bố trên tạp chí quốc tế là tôi luôn có một cảm giác vui nho nhỏ như của một nhà thơ, một nhạc sĩ tâm đắc với một sáng tác mới của mình. Có lẽ chính niềm đam mê, yêu khoa học này đã giúp tôi vượt qua được rất nhiều khó khăn trong điều kiện làm việc ở Việt Nam.
 
Tôi rất cảm động được nhận giải thưởng này và cảm nhận rằng đây là giải thưởng của đất mẹ Việt cho những người con Việt Nam đã gắn cuộc đời mình với nghiên cứu khoa học. Những giải thưởng như thế này chắc chắn sẽ khích lệ và động viên các bạn trẻ đi vào con đường nghiên cứu khoa học. Mặc dù nghiên cứu khoa học là công việc không dễ dàng, đôi khi là khổ hạnh và không mang lại một thu nhập như mong muốn, tôi xin khẳng định với các bạn trẻ rằng làm nghiên cứu khoa học là một trong những ngành nghề cao đẹp nhất trong xã hội và rất tuyệt vời khi khoa học nước nhà được tôn vinh hàng năm tại giải thưởng NTĐV.

Cả 2 năm trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, người đoạt giải đều là những nhà khoa học “gạo cội”, phải chăng các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nay chưa thể sánh với thế hệ đàn anh?

Việc các nhà khoa học đang ở tuổi "U60" được vinh danh tại giải thưởng NTĐV năm ngoái và năm nay phản ánh sự đánh giá của đất nước đối với các nhà khoa học đã và đang cặm cụi cống hiến cho nền khoa học nước nhà. Tuy nhiên, việc này hoàn toàn không có nghĩa là thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam hiện nay chưa thể sánh được với thế hệ đàn anh. Dân ta có truyền thống hiếu học và thế hệ các nhà khoa học trẻ ngày nay không thiếu những tên tuổi rất xuất chúng, rất tài giỏi như Ngô Bảo Châu (Toán học), Đàm Thanh Sơn (Vật lý học)… Có điều, đa số các nhà khoa học Việt trẻ này lại đang cư trú và làm việc tại các quốc gia phát triển. Rõ ràng là điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ khoa học trong nước vẫn còn bất cập và chúng ta vẫn chưa thu hút được các tài năng trẻ vào đội ngũ nhân lực khoa học nước nhà.    

Trong giai đoạn hiện nay, ngoài việc đổi mới chính sách đầu tư và đãi ngộ khoa học, chúng ta cần  tiến hành những hoạt động quảng bá cho trí tuệ Việt Nam, phổ biến kiến thức khoa học phổ thông cho đông đảo tầng lớp nhân dân để có lại được sự quan tâm của toàn xã hội đối với tri thức và khoa học. Những gì mà Quỹ Nhân tài Đất Việt đã và đang làm là những việc vô cùng cần thiết để động viên và khích lệ sự đam mê của thế hệ trẻ đối với khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sẽ rất tốt nếu Quỹ Nhân tài Đất Việt đưa ra thêm được một giải thưởng cho nhà khoa học Việt trẻ dưới 40 tuổi trong lĩnh vực khoa học tự nhiên để tạo thêm cơ hội cho các bạn trẻ phấn đấu.

Sau khi đoạt giải Nhân tài Đất Việt, GS có định hướng gì tiếp theo cho vật lý hạt nhân và việc đào tạo thế hệ kế cận?

Chúng ta phải thừa nhận rằng trong thế hệ trẻ kế cận hiện nay có ít người thực sự đam mê khoa học tự nhiên, đặc biệt là vật lý hạt nhân cơ bản. Cho nên, tôi rất lo là khi thế hệ các nhà khoa học thế hệ chúng tôi về hưu thì sẽ không có những người xứng đáng tiếp tục sự nghiệp. Cũng vì thế mà tôi luôn rất tâm huyết đối với việc đào tạo cán bộ trẻ và đó cũng là một trong những định hướng quan trọng của tôi trong thời gian sắp tới. Cụ thể, sau khi đoạt giải tôi sẽ dùng tiếng nói và kinh nghiệm của mình để giáo dục và động viên thế hệ trẻ, tìm cách “bơm” niềm đam mê khoa học vào trong các em.

GS có nói nhiều về ứng dụng của vật lý hạt nhân trong cuộc sống. Vậy, sự quan tâm đối với ngành hiện nay như thế nào thưa GS?

Mặc dù hiểu biết của xã hội về vật lý hạt nhân còn rất hạn chế, đa số thường chỉ nghĩ đến vũ khí hạt nhân hay nhà máy điện hạt nhân. Các thế hệ lãnh đạo nhà nước ta từ những năm 80 đã xác định được rất rõ ràng mục tiêu phát triển vật lý hạt nhân và triển khai rộng rãi những ứng dụng khác nhau của nó trong cuộc sống, đặc biệt là trong y tế, công nghiệp và nông nghiệp.
 
Việc quốc hội vừa thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký chương trình tổng thể cho ứng dụng năng lượng nguyên tử ở nước ta và việc nhà nước quyết định chi từ ngân sách hàng ngàn tỷ đồng để đào tạo nhân lực hạt nhân là những minh chứng mới nhất cho thấy quyết tâm của lãnh đạo nhà nước trong việc phát triển mạnh mẽ nền khoa học hạt nhân nước nhà.
 
Quang Phong (thực hiện)

Nguồn: Dân Trí
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất