Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
đã nhận định: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định
hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn
kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã
hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã
hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát
triển”(1). Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, đây là chủ
trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đã quyết định thành lập ngân hàng phục
vụ người nghèo - Ngân hàng Chính sách xã hội - để thực hiện tín dụng
chính sách xã hội cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm và đáp
ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng
chính sách khác.
Tín dụng chính sách xã hội đã phát huy vai trò to lớn
trong việc vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa giữ vững định hướng XHCN
của việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam. Điều này thể hiện ở
những điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, tín dụng chính sách xã hội là một công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng, Nhà nước thực hiện giảm nghèo bền vững
Thực tế cho thấy, hộ
nghèo, cận nghèo được tiếp cận tín dụng chính sách xã hội ngày càng
nhiều hơn, dư nợ bình quân trên hộ cũng tăng lên, số dư nợ để sản xuất
kinh doanh, học nghề, xuất khẩu lao động cũng tăng hơn. Chính sự hỗ trợ
kịp thời của tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho những người
nghèo, hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tạo sinh kế, việc làm, ổn định
đời sống, giảm nghèo thực chất.
Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội còn tạo điều kiện giúp giảm nghèo
đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới;
hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận được
các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đồng thời,
tín dụng chính sách xã hội giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách
tăng khả năng tích lũy tài sản, chống chịu được trước những cú sốc kinh
tế; tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng
suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong 10 năm từ
2011 - 2020, “đã có trên 21,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng
chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay các chương trình tín
dụng chính sách đạt 509.020 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát
huy hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần giúp trên 3,7 triệu lượt hộ vượt
qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ
Quốc gia về việc làm; giúp 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh
khó khăn được vay vốn học tập”(3).
Cùng với những công cụ khác, tín dụng chính sách xã hội là công cụ
thiết thực, hiệu quả để giảm nghèo bền vững. Tín dụng chính sách xã hội
đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% (năm
2010) xuống 4,25% (năm 2015); trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ
nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (đầu năm 2016) xuống còn 3,75% (năm 2019),
dưới 3% (năm 2020)(4). Qua đó, góp phần giữ vững định hướng XHCN của
phát triển kinh tế thị trường.
Thứ hai, tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo, các đối tượng
chính sách tiếp cận được tài chính phù hợp, tin cậy, tránh được “tín
dụng đen”
Lợi dụng những hoàn cảnh khó khăn của một số hộ, trong xã hội đã xuất
hiện “hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp
luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng
không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước”(5). Bi
kịch của người có thu nhập thấp, người nghèo, hộ nghèo cũng chính là thị
trường béo bở cho các hoạt động tín dụng, nhất là “tín dụng đen”.
Phương thức cho vay kiểu “tín dụng đen” đã gây ra những hệ lụy khôn
lường, nhiều người nghèo càng trở nên nghèo hơn. “Vay tín dụng đen sẽ
tạo ra những khoản nợ lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền vay ban đầu.
Điều này sẽ khiến cho người vay không có đủ khả năng chi trả, mất khả
năng chi trả khi số nợ quá lớn. Lúc này, người vay tiền tín dụng đen sẽ
bị uy hiếp, khủng bố, đe dọa tung hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân
phẩm, đánh đập,... Làm ảnh hưởng đến cuộc sống và cả tính mạng của bản
thân và những người thân xung quanh”(6). Từ đây gây ra bất ổn xã hội,
làm mất an ninh, an toàn trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến phát triển
kinh tế - xã hội.
Do vậy, tín dụng chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp
những hộ nghèo không mắc vào bẫy “tín dụng đen”. Bởi lẽ, tín dụng chính
sách xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội có tới 19 chương
trình(7) cho những người nghèo, đối tượng chính sách vay. Hơn nữa, Ngân
hàng Chính sách xã hội có tới 10.442/10.603 điểm giao dịch xã, liên xã,
phường, 87 xã, phường, thị trấn giao dịch tại trụ sở Ngân hàng.
Với mạng lưới rộng khắp cả nước và thực hiện ủy thác một số công đoạn
trong quy trình cho vay cho bốn tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông
dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt
Nam và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nên các hộ nghèo, hộ cận
nghèo, những đối tượng chính sách có cơ hội tiếp nhận dịch vụ của tín
dụng chính sách xã hội.
Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức được trên 168 nghìn
Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đến 100% thôn, ấp, bản, làng, phum, sóc, tổ dân
phố,... trên toàn quốc. Tổ Tiết kiệm và Vay vốn là cầu nối giữa ngân
hàng với người nghèo, hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, đã
góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng các
đối tượng được thụ hưởng kịp thời, tiết giảm chi phí cho người vay. Trên cơ sở đó, người nghèo, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội thoát khỏi bẫy “tín dụng đen”.
Như vậy, vừa góp phần ổn định, phát triển kinh tế, vừa góp phần ổn định
chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát
triển kinh tế thị trường.
Thứ ba, tín dụng chính sách xã hội giúp người nghèo, các đối tượng
chính sách tiếp cận được tài chính cho việc nâng cao sức sản xuất, tạo
sinh kế phát triển bền vững
Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước đến ngày
31-12-2022 “Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất
kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867 nghìn lao động, trong đó có trên 7
nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 62 nghìn
lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập,
giúp mua gần 87 nghìn máy vi tính, thiết bị học trực tuyến”(8).
Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển
sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên tập
trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng lớn như: Chương trình tín
dụng hộ nghèo; Chương trình tín dụng hộ cận nghèo; Chương trình tín dụng
hộ mới thoát nghèo; Chương trình cho vay giải quyết việc làm; Chương
trình tín dụng đối với vùng khó khăn và Chương trình tín dụng học sinh,
sinh viên có hoàn cảnh khó khăn(9). Qua đây cho thấy, tín dụng chính
sách xã hội đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho chính các đối tượng
nghèo và chính sách xã hội, giúp cho một số người có cơ hội đầu tư sản
xuất kinh doanh, số khác thì học nghề để có thể kiếm việc làm, số nữa
thì đi xuất khẩu lao động vừa tăng thu nhập vừa trau dồi tay nghề; học
sinh, sinh viên khó khăn được hỗ trợ vay học tập để nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực.
Trong giai đoạn 2011-2020, tín dụng chính sách xã hội đã giúp tạo việc
làm cho hơn 2 triệu lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm (Quỹ được giao
cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý và cho vay theo quy định tại
Nghị định số: 61/2015/NĐ-CP ngày 09-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ) giúp
hơn 43 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao
động có thời hạn ở nước ngoài; 1,5 triệu học sinh, sinh viên có hoàn
cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Trong năm 2020, nguồn vốn tín dụng
chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc
làm cho hơn 361 nghìn lao động, giúp hơn 5,2 nghìn lao động đi làm việc
có thời hạn ở nước ngoài; gần 44,6 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn
cảnh khó khăn vay vốn học tập(10).
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giúp những hộ nghèo, cận nghèo có
điều kiện khai thác tiềm năng đất đai; nâng cao chất lượng lao động
thông qua các quỹ dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi,
khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý để phát triển các sản phẩm
truyền thống (sản phẩm OCOP), sản phẩm mới, góp phần tạo việc làm, nâng
cao thu nhập và đời sống cho người nghèo lao động ở nông thôn, góp phần
đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên cả
nước. Trên cơ sở đó, giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế
thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ tư, tín dụng chính sách xã hội giúp bảo đảm an sinh xã hội,
trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị
trường
An sinh xã hội là hệ thống chính sách, chương trình của Nhà nước và các
tổ chức xã hội nhằm giúp đỡ toàn xã hội, nhất là các cá nhân không may
mắn, không may gặp rủi ro hoặc biến cố xã hội để bảo đảm mức sống tối
thiểu và nâng cao đời sống của họ. Hiện nay ở Việt Nam có bốn trụ cột
chính sách an sinh xã hội:
(i) Chính sách bảo đảm việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo nhằm hỗ trợ
người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro trên thị trường lao động thông
qua các chính sách đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, tín dụng, tạo việc làm,
thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đơn chiều, đa chiều, bền vững.
(ii) Chính sách bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro
về sức khỏe khi ốm đau, tai nạn, tuổi già và khi bị thất nghiệp thông
qua các hình thức, cơ chế bảo hiểm xã hội để bù đắp một phần thu nhập bị
mất hoặc bị suy giảm.
(iii) Chính sách trợ giúp xã hội nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường
xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường, vượt quá khả năng
kiểm soát như mất mùa, đói nghèo.
(iv) Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản - trụ cột an sinh xã hội nhằm hỗ
trợ người dân tiếp cận hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối
thiểu bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông,
trợ giúp pháp lý. Trụ cột này thể hiện rất rõ yếu tố “mô hình sàn an
sinh xã hội” khi xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách an sinh
xã hội ở Việt Nam hiện nay(11).
Tín dụng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước ta tham gia vào cả bốn
trụ cột chính sách này của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. Đồng thời,
để bảo đảm giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường,
Đảng, Nhà nước ta thực hiện “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo
động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết
quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các
nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi
xã hội”(12).
Như vậy, phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa
tuân theo quy luật thị trường (theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế,
đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác), vừa dựa trên
cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH
(phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội).
Để thực hiện phân phối theo hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội
thì Nhà nước phải thông qua các quỹ, các chương trình phát triển, qua
Ngân hàng Chính sách xã hội, v.v.. thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Do vậy, tín dụng chính sách xã hội ở Việt Nam giúp bảo đảm an sinh xã
hội, trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị
trường.
Thứ năm, tín dụng chính sách xã hội giúp bảo đảm ổn định chính trị -
xã hội, trên cơ sở đó giữ vững định hướng XHCN trong phát triển đất
nước
Đói nghèo, bệnh tật và bất an xã hội là những nguyên nhân chủ yếu của
bất ổn chính trị - xã hội. Do vậy, để bảo đảm ổn định chính trị - xã
hội, các quốc gia cùng với các chính sách khác nhau đều hướng tới mục
tiêu tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân
dân. Kết hợp tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
là một chủ trương nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng CNXH.
Bởi lẽ, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta
cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ
không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”(13).
Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta là “không chờ kinh tế phát triển cao
rồi mới giải quyết các vấn đề xã hội, mà ngay trong từng bước và suốt
trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với tiến
bộ và công bằng xã hội”(14). Thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương
này, “Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. Giảm nghèo
nhanh và bền vững hơn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. An sinh xã
hội, phúc lợi xã hội từng bước được nâng cao”(15).
Với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có
tín dụng chính sách xã hội, “Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm
khoảng 1,5%; giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 5,8% (năm 2016) theo chuẩn
nghèo của Chính phủ và dưới 3% (năm 2020) theo chuẩn nghèo đa chiều
(tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn
mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ôtô đến trung tâm, có điện
lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện
thoại.
Trong khi chưa có điều kiện để bảo đảm giáo dục miễn phí cho mọi người ở
tất cả các cấp, Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo
dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010;
số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. [...]
Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế
miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh
giảm gần ba lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990
lên 73,7 tuổi năm 2020”(16). Chính nhờ những thành tích này mà Việt Nam
vừa giữ vững được tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa giữ vững được ổn định
chính trị - xã hội. Trên cơ sở này giữ vững định hướng XHCN trong phát
triển kinh tế thị trường./.
GS. TS. TRẦN VĂN PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_________________
(1), (12), (13) (16) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.26-27, 26, 21, 31-32.
(2), (8) Quang Lộc: Chính sách giảm nghèo ở Việt Nam: Những con số nhiều ý nghĩa, https://congthuong.vn/, ngày 13-02-2023.
(3) Trần Minh Hiếu, Phạm Thanh An: Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, https://tapchinganhang.gov.vn/, ngày 28-7-2021.
(4), (10) Tập trung nguồn lực nhà nước thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, https://tapchimattran.vn/, ngày 24-4-2021.
(5) Thư viện pháp luật: Tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào?, https://thuvienphapluat.vn/, ngày 28-9-2022.
(6) Luật Dương Gia: Tác hại, hậu quả và phải làm gì khi bị mắc bẫy tín dụng đen?, https://luatduonggia.vn/, ngày 18-8-2022.
(7) 19 chương trình gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo; Chương trình
cho vay hộ cận nghèo; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; Chương
trình cho vay học sinh, sinh viên; Chương trình cho vay đối tượng chính
sách đi lao động nước ngoài; Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh
môi trường nông thôn; Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó
khăn; Chương trình cho vay thương nhân vùng khó khăn; Chương trình cho
vay mua nhà trả chậm đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên; Chương trình
cho vay hộ nghèo làm nhà ở; Chương trình cho vay hộ nghèo làm nhà ở
tránh lũ; Chương trình cho vay hộ gia đình có người HIV, sau cai nghiện;
Chương trình cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề; Chương
trình cho vay hỗ trợ trồng rừng, phát triển chăn nuôi; Chương trình cho
vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Chương trình cho vay hộ dân
tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình cho vay hỗ trợ
đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề; Chương trình cho vay xuất khẩu lao
động tại huyện nghèo; Các chương trình dự án vốn nước ngoài.
(9) Nhật Dương: Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, https://en.vneconomy.vn/, ngày 10-5-2023.
(11) Lê Ngọc Hùng, Nguyễn Ngọc Anh: Chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra, http://www.lyluanchinhtri.vn/, ngày 21-11-2017.
(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996; tr.31.
(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.102.
(Nguồn: lyluanchinhtri.vn)